Từ Face ID đến Surface và PlayStation: Khi những ông lớn công nghệ cũng là nạn nhân của tin giả

    Liam,  

    Từ nhiều tháng nay, các công ty chuyên về dịch vụ Internet như Facebook và Google đã phải thừa nhận vấn đề tin giả đang gây ra những mối nguy hại lớn cho xã hội. Thế nhưng, điều ít ai nhận ra là ngay trong cả một lĩnh vực đòi hỏi tri thức như ngành công nghiệp hi-tech, đến cả các ông lớn đứng đầu thị trường cũng có thể là nạn nhân trực tiếp của tin giả.

    Khi tin tức về việc Apple hạ lệnh giảm độ chính xác của Face ID để kịp tiến độ sản xuất cho mùa mua sắm cuối năm xuất hiện, các trang mạng xã hội cũng nhanh chóng bùng nổ với chủ đề iPhone X. Apple không phải là một công ty được tất cả mọi người yêu quý. Trái lại, nhờ vào những chiến dịch quảng cáo hết sức khôn ngoan của các đối thủ, Apple đã trở thành một ông lớn công nghệ bị coi thường.

    Dù rằng đó là một ông lớn có khả năng tạo ra những ngôn ngữ lập trình được đánh giá cao.

    Tin đồn về độ chính xác của Face ID đã gây ra những hậu họa khôn lường. Ngay bây giờ, bạn có thể nhập từ khóa "Apple face id" vào ô tìm kiếm của Facebook và mở ra những vô số bài viết chỉ trích Apple. Sự hả hê của các antifan có thể nhận thấy rõ.

    iPhone X chưa ra mắt đã trở thành nạn nhân của tin giả.
    iPhone X chưa ra mắt đã trở thành nạn nhân của tin giả.

    Chỉ vài ngày sau, Apple buộc phải lên tiếng. Trong một thông điệp rất ngắn để đáp trả bài báo không nói rõ nguồn tin của Bloomberg, Apple khẳng định: "Chất lượng và độ chính xác của Face ID không hề thay đổi. Khả năng một người bất kỳ mở khóa iPhone của bạn bằng Face ID vẫn sẽ là 1/1.000.000".

    Chỉ một tuần trước khi tin tức sai lệch này làm cho Facebook và Twitter bùng nổ, cộng đồng công nghệ cũng đã xôn xao với một tin đồn khác: Microsoft sắp khai tử danh mục Surface. Lãnh đạo bộ phận Surface, Panos Panay đã phải lên tiếng phủ nhận: "Quả là thông tin lá cải nhất trong tuần".

    Đến tuần vừa qua, Microsoft công bố kết quả tài chính cho quý 3/2016. Surface không hề gặp khó, thậm chí còn tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ năm ngoái.

    Microsoft bị đồn thổi khai tử Surface khi mới chỉ vừa ra mắt Surface Laptop được vài tháng.
    Microsoft bị đồn thổi khai tử Surface khi mới chỉ vừa ra mắt Surface Laptop được vài tháng.

    Apple giảm chất lượng Face ID và Microsoft khai tử Surface chỉ là một phần nhỏ trong vấn nạn nhức nhối của ngành hi-tech nói riêng và toàn bộ xã hội số nói chung: tin giả - hay nói chính xác hơn là tin sai sự thật. Bạn còn nhớ về các bản mẫu iPhone "fake" xuất hiện đều đặn năm này qua năm khác? Bạn có nhớ bức thư từ nhiệm của Mark Zuckerberg được đăng tải rộng rãi? Bạn có nhớ tin đồn rằng Tesla sẽ sớm đóng cửa các showroom? Samsung trả 1 tỷ USD tiền vi phạm bằng sáng chế cho Apple bằng tiền xu? PlayStation bị sử dụng trong cuộc tấn công khủng bố tại Paris?

    Gần như ông lớn công nghệ nào cũng đã, đang và sẽ là nạn nhân của tin giả. Các loại thông tin này có thể xuất hiện từ nhiều nguồn khác nhau (từ những kẻ bịa đặt, từ các trang báo không chịu kiểm chứng nguồn tin), song chúng đều có một điểm chung duy nhất: chúng "đánh" vào sự thiếu hiểu biết, lười tìm hiểu và đặc biệt là định kiến của người đọc. Nếu như các antifan thực sự tìm hiểu về phương thức kinh doanh của Apple cũng như về các hậu họa có thể xảy ra khi Apple công khai giảm mức chất lượng tới các đối tác, họ đã không "nhảy dựng lên" vì tin đồn Face ID. Nếu như game thủ chờ đợi các nguồn tin chính thống, doanh số PlayStation đã không bị suy giảm vì tin đồn Paris.

    Trong thời đại thông tin lan truyền theo kiểu virus, những cảm xúc mạnh mẽ có thể làm con người trở thành nạn nhân dễ dàng của tin giả.
    Trong thời đại thông tin lan truyền theo kiểu virus, những cảm xúc mạnh mẽ có thể làm con người trở thành nạn nhân dễ dàng của tin giả.

    Hiện trạng trớ trêu là rất rõ ràng: ngay cả một lĩnh vực được xây dựng bởi những con người tri thức và cũng đòi hỏi người theo dõi phải có một mức độ hiểu biết nhất định như hi-tech cũng vẫn có thể trở thành nạn nhân của tin giả.

    Đứng trước hiện trạng ấy, chúng ta phải làm gì? Đã từng có nhiều bài viết chi tiết về tin giả và cách phòng tránh, song lời khuyên ngắn gọn nhất vẫn luôn là "Hãy giữ một cái đầu mở". Đừng vội tin vào những gì bạn muốn tin và hãy luôn mang tâm thế "tôi cần phải biết nhiều hơn" – đọc nhiều hơn, nghĩ nhiều hơn và đặt câu hỏi nhiều hơn.

     Bạn có thể ghét một thương hiệu nào đó, nhưng giữa ghét vì sự thật và ghét vì tin giả là cả một sự khác biệt rõ ràng.

    Bạn có thể ghét một thương hiệu nào đó, nhưng giữa "ghét vì sự thật" và "ghét vì tin giả" là cả một sự khác biệt rõ ràng.

    Bởi nếu bạn không vội nhảy lên chỉ trích Apple và đọc hết bài viết của Bloomberg, bạn sẽ hiểu rằng "một nguồn tin nắm rõ tình hình" không phải là căn cứ chắc chắn nhất cho những thông tin về Face ID. Nếu tìm hiểu sâu về tin đồn khai tử Surface, bạn sẽ biết đây chỉ là phỏng đoán của 2 nhà phân tích thị trường. Nếu suy nghĩ thật kỹ, bạn sẽ nhận ra rằng nếu Samsung đem trả 1,05 tỷ USD tiền xu cho Apple, Samsung cũng sẽ gặp nhiều phiền toái không kém gì đại kỳ phùng địch thủ của mình.

    Tin giả đang ở xung quanh chúng ta. Chúng sẽ bóp méo cái nhìn của chúng ta về công nghệ. Nhưng thật may mắn, để chống lại tin giả - bao gồm tin công nghệ giả - tất cả những gì chúng ta cần làm chỉ là sử dụng cái đầu của mình mà thôi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ