"Xu hướng" kỳ lạ của năm: Nhà sản xuất trang bị màn hình QHD+ cho smartphone nhưng lại thiết lập hiển thị mặc định ở Full HD+.
Công nghệ màn hình hiển thị là một trong những nền tảng thiết yếu quyết định chất lượng của một chiếc smartphone hiện nay, đặc biệt là trên các mẫu smartphone cao cấp. Suy cho cùng, các thao tác sử dụng hàng ngày của chúng ta đều là tương tác với màn hình của máy. Chính bởi vậy, chất lượng của màn hình là một trong những yếu tố được các nhà sản xuất smartphone đặt lên hàng đầu.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, cuộc chạy đua về độ phân giải màn hình không còn là một xu hướng phổ biến của năm như trước đây, tuy nhiên độ phân giải WQHD (Wide Quad High Definition), hay còn gọi là 2K (thực chất là 2.5K và 3K) vẫn được coi là một trong những tiêu chuẩn cần phải có trên smartphone cao cấp hiện nay. Thậm chí với Sony, hãng còn mang hẳn màn hình độ phân giải 4K lên smartphone Xperia.
Sony Xperia 1 là chiếc smartphone hiếm hoi trên thị trường được trang bị màn hình 4K
Thế nhưng, mặc cho sự phổ biến của màn hình độ phân giải cao, một số lượng lớn smartphone cao cấp ngày nay vẫn để mức thiết lập độ phân giải mặc định là Full HD (xấp xỉ 2400 x 1080 và tùy vào tỷ lệ màn hình). Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu, người dùng bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu smartphone cao cấp có màn hình sắc nét, nhưng nếu không biết cách thiết lập, bạn sẽ chẳng thể sử dụng hết "công năng" của màn hình QHD (xấp xỉ 3200 x 1440).
QHD đã không còn quan trọng ở năm 2020
Samsung là một trong những nhà sản xuất smartphone đầu tiên áp dụng cách này trên dòng Galaxy S, tức là thiết lập độ phân giải mặc định là Full HD . Ví dụ cụ thể như Galaxy S20 Ultra, mặc dù màn hình của máy có độ phân giải 3200 x 1440 nhưng lại chỉ được thiết lập hiển thị ở mức Full HD mà thôi.
Mặc định chiếc S20 Ultra sẽ chỉ hiển thị ở độ phân giải Full HD như này
Không chỉ riêng Samsung, một loạt nhà sản xuất khác cũng học tập theo "xu hướng" này, có thể kể tới như Huawei, OnePlus hay LG… Tất cả đều mặc định để người dùng sử dụng độ phân giải Full HD nếu không chỉnh lại từ đầu.
Ví dụ một số smartphone có màn hình độ phân giải cao nhưng lại bị chính nhà sản xuất thiết lập hiển thị mặc định ở mức thấp hơn
Lý do đằng sau "xu hướng" kỳ quặc này chính là do thời lượng dùng pin. Như chúng ta đều biết, công nghệ về pin là một trong những công nghệ ít phát triển nhất trên một chiếc smartphone. Để có thể tăng thời lượng dùng pin, các nhà sản xuất không còn cách gì khác ngoài tăng dung lượng pin và giảm thời gian sạc (sạc nhanh). Kể cả với những chiếc smartphone có dung lượng pin lớn tới 5000mAh như Galaxy S20 Ultra, việc mang trong mình quá nhiều công nghệ và tính năng cũng sẽ vẫn là "cơn ác mộng" đối với bất kỳ viên pin nào.
"Cơn ác mộng" này ngày càng trở nên "thảm hoạ" hơn khi xu hướng màn hình tần số quét cao và công nghệ mạng di động 5G trở nên phổ biến. Để có thể đáp ứng được thời lượng dùng pin tiêu chuẩn của người dùng, giờ đây, giải pháp có thể coi như là duy nhất bên cạnh việc tăng dung lượng pin là thiết lập máy chỉ sử dụng mặc định ở độ phân giải Full HD . Việc sử dụng smartphone ở độ phân giải QHD cộng với tần số quét cao có thể tiêu tốn nhiều năng lượng hơn bạn tưởng. Đó cũng chính là lý do khiến chiếc iPhone 11 với màn hình HD thấp hơn rất nhiều lại là một trong những chiếc smartphone được đánh giá là có thời lượng dùng pin cao nhất trên thị trường.
Smartphone cao cấp ngày nay sẽ không thể thiếu màn hình có tần số quét cao
Trong khi người dùng vẫn hoàn toàn có thể tự thiết lập sang độ phân giải cao hơn để sử dụng hết công suất của máy, thế nhưng những gì mà họ đánh đổi sẽ là về thời lượng pin, thứ mà chẳng có nhà sản xuất nào dám cam kết một khi người dùng "đi ngược" lại với những gì được thiết lập mặc định ban đầu. Mà trên thực tế, đa số người dùng phổ thông sẽ chẳng dành thời gian "lục lọi" Cài đặt máy để thay đổi những gì đã được thiết lập sẵn.
Chưa kể trong thời gian vừa qua, chúng ta có tới một loạt các dòng smartphone cao cấp được ra mắt mà chẳng có cả màn hình QHD , thay vào đó là một màn hình Full HD như truyền thống, có thể kể tới như LG V60, LG Velvet, Xiaomi Mi 10 hay cả chiếc Galaxy Note10 bản tiêu chuẩn… Rõ ràng, độ phân giải màn hình QHD/QHD ngày nay đã không còn là một yếu tố quan trọng đối với các nhà sản xuất smartphone so với vài năm trước.
Tại sao Full HD lại được nhiều nhà sản xuất ưa chuộng hơn?
Như đã đề cập ở trên, Samsung là một trong những nhà sản xuất tiên phong trong việc quyết định "dính" mặc định với độ phân giải Full HD để cung cấp một thời lượng pin tốt hơn cho smartphone. Samsung để người dùng tự quyết định liệu họ có nên đánh đổi thời lượng dùng pin lấy một chút cải thiện về chất lượng hiển thị hay không. Và bởi đó là quyết định của người dùng, các nhà sản xuất khác cũng không ngần ngại làm điều tương tự.
Có một điều mà người dùng chúng ta cần phải lưu ý, đó là về giới hạn thị lực của mắt người. Không phải cứ màn hình độ phân giải càng cao thì chúng ta càng thấy đẹp hơn. Ở khoảng cách sử dụng smartphone thông thường nhất, mắt người sẽ có khó thể phân biệt được các điểm ảnh rời rạc khi màn hình có mật độ điểm ảnh lớn hơn 300 ppi. Đối với những mẫu smartphone có độ phân giải Full HD ngày nay, kể cả trên màn hình có kích thước 6 inch thì mật độ điểm ảnh cũng ở mức trên 400 ppi và giảm dần khi kích cỡ màn hình càng tăng.
Ở mật độ điểm ảnh trên 300 ppi và với khoảng cách sử dụng smartphone thông thường, mắt người khó có thể phân biệt được các điểm ảnh rời rạc
Ở kích thước 6.7 inch của chiếc Xiaomi Mi 10 và độ phân giải Full HD , mật độ này cũng là trên 380 ppi, rất khó để mắt thường có thể phân biệt được từng điểm ảnh, kể cả đối với những người có thị lực siêu tốt.
Vì thế mà việc các nhà sản xuất trang bị cho smartphone một màn hình có độ phân giải cao chưa chắc đã là một nước đi đúng đắn nếu họ không giải quyết được các vấn đề về thời lượng pin cùng các công nghệ đi kèm (tần số quét cao, 5G,... những công nghệ tiêu tốn cực kỳ nhiều năng lượng).
Cân bằng giữa tần số quét màn hình và độ phân giải mới là điều cần thiết
Độ phân giải QHD/QHD hay WQHD đã chứng tỏ sự kém hữu dụng của mình trong việc sử dụng hàng ngày. Chúng tiêu tốn nhiều năng lượng pin hơn để cung cấp một trải nghiệm tốt hơn không đáng kể, và lại còn khó có thể phân biệt được.
Ở thời điểm mà "nhà nhà 90Hz, người người 120Hz", thời lượng pin mới chính là yếu tố mà các nhà sản xuất cần phải đặt lên hàng đầu. Trong khi mức tần số quét cao có thể dễ dàng phân biệt được với mức tần số 60Hz tiêu chuẩn, các nhà sản xuất cần phải cân bằng được độ phân giải màn hình với tần số quét của máy để vừa đem tới trải nghiệm tốt hơn mà lại không tốn quá nhiều pin. Sau tất cả thì độ phân giải màn hình chỉ là một yếu tố không quá quan trọng trong trải nghiệm sử dụng màn hình, và đa số sẽ đều mong một chiếc smartphone có thời lượng dùng pin đáp ứng được 1 ngày sử dụng.
Smartphone có màn hình tần số quét cao đang được ưa chuộng hơn
Theo một khảo sát của trang Android Authority về việc liệu màn hình Quad HD có thực sự cần thiết đối với smartphone ngày nay không, trong 3141 lượt bình chọn thì có tới gần 40% người dùng lựa chọn chỉ cần smartphone có màn hình Full HD, gần 40% khác cho rằng sẽ lựa chọn Full HD, nhưng vẫn muốn tùy chọn Quad HD trong cài đặt. Số còn lại muốn màn hình Quad HD và 4K mặc định trên smartphone chỉ chiếm 15% và 9.8%.
Khảo sát của trang Android Authority với 3141 lượt bình chọn
Phần lớn nội dung media hiện tại được chia sẻ ở Full HD
Một điều nữa quan trọng không kém trong việc quyết định số phận của độ phân giải QHD, đó là hầu hết các nền tảng chia sẻ nội dung media đều giới hạn ở độ phân giải Full HD, như Netflix (nếu bạn xem trên smartphone với chứng chỉ Widevine L1 thì sẽ xem được tối đa Full HD) hay YouTube (phần lớn video vẫn chỉ phát ở Full HD)...
Dù smartphone bạn có màn hình 4K đi chăng nữa thì Netflix cho điện thoại cũng sẽ chỉ stream chất lượng tối đa 1080p mà thôi (kể cả khi đăng ký gói UHD 4K)
Việc upscale các nội dung Full HD để xem trên một màn hình 1440p (QHD) có thể khiến chất lượng trở nên tệ hại hơn kèm theo đó là tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để CPU xử lý. Đó là bởi vì để upscale một nội dung 1080p lên 1440p, CPU sẽ cần phải xử lý mỗi điểm ảnh ở hệ số 1.3x, từ đó biến các điểm ảnh trở nên kém sắc nét hơn do phải làm tròn. Trong khi đó, việc upscale nội dung 1080p lên 4K thì lại dễ dàng hơn bởi mỗi điểm ảnh chỉ cần phải nâng lên 4 lần (hệ số 4x), khiến nội dung trông vẫn sắc nét khi hiển thị trên màn hình 4K.
Chẳng phải tốt hơn sao nếu "khai tử" độ phân giải QHD ?
Chúng ta đã thấy tiềm năng không thực sự lớn của độ phân giải QHD trên smartphone, vậy tại sao các nhà sản xuất lại không loại bỏ luôn độ phân giải này đi? Vừa để giảm giá thành sản phẩm, vừa giúp tăng thời lượng pin của smartphone.
Mọi chuyện không đơn giản như vậy. Bất kỳ thương hiệu smartphone nào mỗi khi ra mắt sản phẩm mới, đặc biệt là flagship cũng đều sẽ công bố những thông số cấu hình thuộc hàng top trên thị trường. Đó cũng chính là lý do vì sao việc công bố một chiếc smartphone cao cấp với mức giá cao ngất ngưởng nhưng lại chỉ có một màn hình Full HD sẽ là một điều nực cười đối với bất cứ người dùng công nghệ nào.
Độ phân giải Quad HD sẽ vẫn là một tiêu chuẩn trên smartphone cao cấp
Như vậy thì sau tất cả, smartphone sẽ vẫn có màn hình QHD cho tới khi chúng ta có một giải pháp hoàn toàn mới về công nghệ pin trên smartphone. Việc cung cấp tùy chọn sử dụng màn hình ở mức phân giải nào sẽ là để người dùng tự quyết định xem họ cần điều gì ở chiếc smartphone của họ? Một màn hình chất lượng siêu sắc nét? Hay một thời lượng pin tốt hơn?
Tham khảo: Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android