"Incredibles 2" của Pixar đánh dấu phần hậu truyện thứ sáu chỉ trong một thập kỷ của studio này và là một dấu hiệu nữa cho thấy công ty khởi nghiệp tại thung lũng Silicon từng đề cao tính sáng tạo đang dần bị Hollywood biến tướng.
Không lâu sau khi Toy Story được ra mắt dịp cuối năm 1995, John Lasseter và Steve Jobs đã thảo luận về tương lai của Pixar với tư cách là những nhà sáng lập . Lasseter là đạo diễn của Toy Story đồng thời là giám đốc sáng tạo của công ty muốn những nhà làm phim ở Pixar phải là những người đưa ra quyết định cuối cùng trong mọi vấn đề liên quan đến sáng tạo. Jobs, người có đầu óc kinh doanh hơn là một nghệ sĩ, thì nghĩ rằng giám đốc kinh doanh mới là người nên lèo lái con tàu, giống như cách mà Disney và các mô hình điện ảnh làm tiền khác trên thế giới đang áp dụng.
"Chúng ta không muốn làm ra những bộ phim an toàn"
Cựu giám đốc tài chính của Pixar là Lawrence Levy nhớ lại Lasseter từng khẳng định chắc nịch: "Chúng ta không muốn làm ra những bộ phim an toàn. Chúng ta muốn tiếp tục phá vỡ những rào cản trong hoạt hình và cách kể chuyện. chúng ta có những ý tưởng cho các tác phẩm gốc tuyệt vời. Thật hiếm hoi để thấy được những bộ phim gốc. Đó là những điều chúng ta làm được và là thứ chúng ta phải làm được."
Jobs đã bị thuyết phục bởi quan điểm này. Và thế là Lasseter đã dẫn dắt cái công ty khởi nghiệp nho nhỏ này đến một chuỗi vinh quang của sáng tạo và thương mại chưa từng có nhờ một con cá hay quên, những con bọ, quái vật dưới gầm giường hay gia đình siêu nhân. Tính tới năm 2009 thời điểm mà Up (Vút Cao) được tung ra, khi mà Hollywood bắt đầu phải khuất phục trước sức mạnh của những vũ trụ mở rộng thì Pixar vẫn giữ được sự độc đáo rất nguyên bản.
Trong 10 phim mà studio này ra mắt tới Up chỉ có đúng một phần hậu truyện, dù rằng chỉ cần một dự án thất bại thôi là Pixar đứng trước nguy cơ "ra đường" hết.
Tuy nhiên thập niên này lại đánh dấu sự thay đổi khá rõ ràng của Pixar. Tính cả Incredibles 2 (Gia Đình Siêu Nhân 2) mới ra mắt, Pixar đã sản xuất tới 6 hậu truyện và tiền truyện. Dự án tiếp theo của họ là Toy Story 4, phần phim tiếp theo về thế giới đồ chơi tưởng như đã khép lại một cách trọn vẹn. Đó là còn chưa kể tới Planes, một phim ngoại truyện của Cars mà người ta chẳng buồn hỏi tới.
Studio điện ảnh từng là mẫu mực cho sự phá vỡ những quy tắc ràng buộc và tạo nên giới hạn mới cho phim hoạt hình giờ đây có lẽ đang bị thắt chặt bởi chính bộ máy của nó. Dù trụ sở được đặt ngay tại thung lũng Silicon nơi được coi là cái nôi của sự đổi mới, thì Pixar ngày càng trở nên giống một cơ sở của Hollywood: kém sáng tạo và sợ rủi ro.
Giống như nhiều câu chuyện về những thành công thần kỳ, nguồn gốc của Pixar được bắt đầu từ thất bại. Công ty khởi đầu như một bộ phận của Lucasfilm, họ phát triển một máy tính đồ họa đắt tiền để sử dụng trong sản xuất phim. Jobs, trong cuộc săn lùng vinh quang lần nữa sau khi bị lật đổ khỏi Apple, đã bỏ ra 10 triệu đô la để tách bộ phận này thành một công ty độc lập vào năm 1986. Pixar muốn tạo một bộ phim hoạt hình bằng đồ họa máy tính còn Jobs muốn chứng minh ông vẫn là vua của phần cứng sau khi chịu sự đối đãi bạc bẽo của Macintosh.
Cuối cùng họ chọn theo đuổi cả hai mục tiêu cùng một lúc, vừa sản xuất phim, đồng thời làm quảng cáo và bán phần mềm dựng hình để tăng doanh thu. Đây là lần đầu tiên Pixar phải cân bằng lợi ích thương mại của mình với những lợi ích sáng tạo của nó.
Toy Story và thành công mang tính quyết định
Công ty khởi nghiệp này đã tìm thấy một thị trường ít ỏi cho các dịch vụ của mình và liên tục bị lỗ. Bản thân Steve Jobs phải viết séc hàng tháng để giữ cho Pixar không bị nợ ngập đầu. Số phận của công ty lúc đó phải dựa vào màn trình diễn của bộ phim hoạt hình đầu tiên mà họ tung ra mang tên Toy Story và đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) diễn ra vài tuần sau đó.
Toy Story là một điều kỳ diệu không chỉ về công nghệ, đánh dấu tác phẩm hoạt hình máy tính đầu tiên, mà còn về mặt âm nhạc. Disney đã dành cả thập niên 90 để làm ra những câu chuyện cổ tích như Aladdin và The Lion King , lấy bối cảnh những vùng đất xa xôi và có phần âm nhạc giống như nhiều vở nhạc kịch thân thiện với trẻ em. Đó là những câu chuyện cổ tích vượt thời gian giống như di sản mà Walt Disney để lại.
Toy Story là một thứ gì đó khác - hiện đại, dịu dàng hơn, với một chút hoài nghi. Đó là một bộ phim dành cho trẻ em về đồ chơi chứa đựng nỗi bất an của người lớn. Các hình ảnh do máy tính tạo ra hoàn toàn mới, nhưng cuộc cách mạng xảy ra ở cả cách kể chuyện, khiến khán giả và nhà đầu tư đều bị chinh phục. Pixar có bộ phim lớn nhất trong năm 1995, và qua đó cũng có đợt IPO lớn nhất.
Thành công của Toy Story đem tới cả vinh quang lẫn áp lực. Cũng theo Levy thì công ty cần chứng minh rằng đó không phải là một cú ăn may đối với các nhà đầu tư, khán giả, và với Disney, với tư cách là một đối tác phân phối và là một đối thủ sáng tạo trong quá trình phát triển của Pixar. Các phần hậu truyện sẽ là lựa chọn an toàn để tiếp tục thu lời phòng vé. Thế nhưng Pixar đã dành vốn văn hóa và tài chính mà nó đang tích lũy cho các dự án táo bạo hơn nữa. Sau Toy Story, hãng đã thương lượng lại thỏa thuận phân phối với Disney, đảm bảo trao quyền kiểm soát sáng tạo đầy đủ cho bất kỳ đạo diễn nào của hãng mà trước đây phim của họ kiếm được hơn 100 triệu USD tại phòng vé.
Ngay cả khi số lượng nhân vật mang tính biểu tượng của Pixar tăng lên, họ vẫn chống lại ý tưởng kiếm tiền từ phần tiếp theo . Sau khi Finding Nemo trở thành bộ phim hoạt hình cao thứ hai của mọi thời đại vào năm 2003, đạo diễn Andrew Stanton đã có thể đã phát hành Finding Nemo 2. Thay vào đó, anh ta tạo ra WALL-E, một câu chuyện tình yêu "câm" giữa hai robot trong một thế giới bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu và tiêu thụ tư bản. Khi các đối thủ cạnh tranh đang vắt sữa Shrek, Ice Age, và Madagascar thì Pixar đã sử dụng chính sự độc đáo để tạo ra không gian cho nhiều sự độc đáo hơn nảy nở. Levy chia sẻ: "Chúng tôi đã đặt lợi ích của tự do sáng tạo lên trên rủi ro ngân sách."
Khi khao khát sáng tạo bị thực tế tài chính "đập vào mặt"
Tuy nhiên, những năm sản xuất của WALL-E là một trong những thời điểm hỗn loạn nhất trong lịch sử của Pixar. Khi thỏa thuận với Disney hết hạn vào năm 2004, Steve Jobs và CEO của Disney là Michael Eisner đã thất bại trong việc xác định tương lai của studio. Trong khi Pixar bị bỏ lại để bơi một mình, Disney đã tạo ra một studio hoạt hình đối thủ có tên là Circle 7 (còn được gọi là "Pixaren't") bắt đầu phát triển phần tiếp theo cho Toy Story 2, Finding Nemo và Monsters, Inc. Dù có Pixar tham gia hay không vào các dự án trên thì những phần hậu truyện trên chắc chắn vẫn kiếm được bộn tiền.
Năm 2005, Robert Iger đã trở thành CEO của Disney và bắt đầu quá trình vắt sữa từ các biểu tượng văn hóa đại chúng. Ông ta mua lại Pixar với giá 7,4 tỉ đô vào năm 2006, là tiền lệ cho các quyết định sáp nhập và mua lại đã biến Disney trở thành gánh xiếc khổng lồ như bây giờ. Toy Story 3, Monsters University, và Finding Dory đều đã được sản sinh tại chính Pixar - lúc này nằm trong lòng Disney. Nhà Chuột có được thứ mà họ muốn từ đầu.
Giám đốc điều hành của Pixar nói rằng đó không phải việc Disney mua lại là lý do gây ra sự khởi phát của "chứng bệnh viêm" mang tên phần tiếp theo. Kể từ khi phát hành Toy Story, Pixar đã dần dần tăng doanh thu và từ lâu đã biết rằng phần tiếp theo sẽ là cần thiết để ổn định mảng tài chính.
Đồng sáng lập Pixar là Ed Catmull gọi các phần tiếp theo là "sự phá sản của sáng tạo" nhưng lưu ý rằng công ty có kế hoạch dài hạn để phát triển một phần tiếp theo trên mỗi hai bộ phim gốc (tỷ lệ hiện tại là nghịch đảo của nó, tức là cứ một phim gốc thì Pixar làm đến hai phần ăn theo). Chiến lược này cho phép Pixar có thể đối đầu với nhiều rủi ro tài chính hơn, ví dụ như nếu thời kỳ đầu mà họ lỡ làm ra một bom xịt như The Good Dinosaur (2015) thì coi như giờ đây ta chẳng còn biết Pixar là gì đâu.
"Finding Dory" trở thành phim bom tấn mà Disney tự hào
Thế nhưng thành công tỉ đô của Finding Dory đã khiến Disney đưa ra một "yêu cầu nho nhỏ" đối với Pixar, rằng dù các nhà làm phim tại đây có lắc đầu với hậu truyện nhiều thế nào đi nữa thì họ phải hiểu rằng đó là thứ cần thiết giữ cho một bộ máy không bị rơi vào thua lỗ. Pixar từ lâu đã như một kẻ mơ ngồi trên chiếc máy bay mà ở dưới mắt đất người ta đang treo biển cảnh báo mất lợi nhuận. Disney được xây dựng để cho con người tin vào điều kỳ diệu, tuy nhiên những người làm việc trong đó là người phàm, không phải siêu anh hùng.
"Coco" là dự án gần đây mà Pixar dường như đã tìm thấy chính mình trong cốt truyện độc đáo và giàu tình cảm
Năm ngoái, Pixar, Disney và Lucasfilm đã dàn xếp được một thỏa thuận trị giá 100 triệu đô la trong một vụ kiện tập thể cáo buộc họ đã sử dụng các thỏa thuận "chống săn trộm" để ăn chặn tiền lương của các nhân viên làm hoạt hình (một thực tế phổ biến ở Thung lũng Silicon). Rashida Jones, biên kịch cũ cho Toy Story 4, đã bỏ đội sản xuất vì cô tin rằng phụ nữ và người da màu không nhận được một "tiếng nói sáng tạo bình đẳng" tại công ty. Lasseter, giám đốc sáng tạo cho cả hai hãng phim hoạt hình của Pixar và Disney, sẽ rời công ty vì một số cáo buộc liên quan đến hành vi không đứng đắn với cấp dưới là nữ. Ở những điểm này, Pixar dường như đã và đang trở thành một phiên bản thu nhỏ của Hollywood.
Tương lai của Pixar rồi sẽ về đâu?
Sau Toy Story 4, Pixar thông báo mình sẽ có một khoảng nghỉ xả hơi khỏi một loạt hậu truyện. Studio dự kiến sẽ phát hành một lèo ba bộ phim gốc vào năm 2020 và 2021. Ngay cả khi nếu công ty quyết định kiếm tiền từ phim hoạt hình thành công gần đây như Coco hay Inside Out, thì đó cũng là tương lai xa trong nhiều năm tới.
Điều đó khiến Pixar đứng trước tương lai khá thú vị. Sau một tuổi thơ lớn nhờ loạt các bom tấn ban đầu và lứa tuổi trung niên được xây đắp bởi các phần ăn theo, Pixar của thập kỷ tiếp theo sẽ cố gắng lấy lại sức tưởng tượng của nó nơi thị trường gần như chỉ có những thương hiệu lớn thành công. Pixar cũng sẽ được lãnh đạo mới - có khả năng Pete Docter, giám đốc của Up và Inside Out, người không thể thiếu cho thành công của Pixar kể từ Toy Story sẽ bước lên bục chỉ huy. Đồng thời, công ty này sẽ phải cố gắng để giữ được nét khác biệt với Disney Animation, gã khổng lồ đã tạo ra hai trong số những bom tấn hoạt hình lớn nhất trong thập kỷ mang tên Frozen và Zootopia.
"Zootopia" và "Frozen" đều có thể đem ra sánh với các phim hoạt hình kinh điển của Pixar
Coco đã làm được những gì Pixar làm tốt nhất bằng cách đào sâu vào trải nghiệm cốt lõi của con người như tình yêu, mất mát, tình cảm gia đình . Thành công của Coco có thể là một gợi ý cho chiến lược tiếp theo của Pixar bám lấy những tình cảm chân thành nhất mà khán giả có thể liên hệ. Studio có thể không phải lúc nào cũng có thể tạo ra điều kỳ diệu theo ý thích của công ty mẹ Disney, nhưng ít nhất bằng cách này nó vẫn giúp bảo tồn một nét đẹp nho nhỏ mà Hollywood đã bỏ đi.
Incredibles 2 hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
(Nguồn: Ringer)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương