Từ PC đến DVD rồi iPhone: Bạn đã biết về Tiêu chuẩn - cuộc chiến ngầm đã định hình lịch sử công nghệ suốt 30 năm?

    Lê Hoàng,  

    Những tranh cãi ầm ĩ xung quanh jack tai nghe của iPhone, lợi nhuận sụt giảm thê thảm của Sony sau khi Blu-ray hết thời hoặc cuộc cách mạng USB mà nhiều fan công nghệ 8X, 9X chắc hẳn vẫn còn nhớ... Tất cả đều chỉ là những biểu hiện của một cuộc chiến dài hơi đã thúc đẩy thế giới công nghệ trong gần 40 năm qua.

    Có lẽ, phần đông các fan hâm mộ "thứ thiệt" đều không cảm thấy quá sốc khi tin đồn Apple sẽ loại bỏ jack tai nghe trên iPhone 7 xuất hiện vào khoảng giữa năm 2016. Xét cho cùng, đây là kẻ điên khùng đã dám từ bỏ ổ đĩa mềm trên iMac từ tận 1997, dám thẳng thừng từ chối hỗ trợ Flash từ 2007. Quá khứ của Apple tràn ngập những quyết định loại bỏ đầy tranh cãi - quyết định "kết liễu" một tiêu chuẩn kết nối hàng chục năm tuổi đời như jack tai nghe 3.5 chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

    Jack cắm tai nghe là một chuẩn kết nối phổ biến. Flash từng là tiêu chuẩn cho các nội dung video, game tương tác trên nền web. Ổ đĩa mềm từng là tiêu chuẩn dùng cho lưu trữ và copy dữ liệu trong thế kỷ 20.

    Vậy, thế nào là một Tiêu chuẩn?

    Một khái niệm đa chiều

    Bạn khó có thể định nghĩa "tiêu chuẩn" một cách đầy đủ trong thế giới công nghệ. USB-C, jack cắm tai nghe 3.5mm, bố cục QWERTY của bàn phím hay Bluetooth 4.0 đều là tiêu chuẩn.

    Đầu tiên, một tiêu chuẩn có thể là một bộ đặc tả kỹ thuật để tạo ra một sản phẩm nào đó. Ví dụ, Bluetooth 4.0, GDDR5, các tỷ lệ màn hình (4:3, 16:9, 21:9, 18:9) hoặc USB-C đều được mô tả một cách chi tiết, rõ ràng để các nhà sản xuất có thể làm theo. Trong trường hợp này, tiêu chuẩn thường là do một tổ chức thương mại độc lập hoặc một cơ quan chính phủ kiểm soát: Bluetooth do SIG làm chủ, RAM thuộc về JDEC...

    Thứ hai, một tiêu chuẩn có thể là một thiết kế, một ý tưởng được rất nhiều đối thủ cạnh tranh làm theo. Bạn có thể nói rằng thiết kế tiêu chuẩn của smartphone là những khối chữ nhật bo tròn. Khi Steve Jobs ra mắt MacBook Air, các đối thủ Windows cũng liên tiếp chạy đua ra mắt các mẫu laptop siêu mỏng có thể nhét vào phong bì. Không có ai đứng ra kiểm soát hay mô tả chi tiết về thiết kế bo tròn của smartphone, cũng chẳng có ai được quyền nói "chỉ mình tôi được phép tạo ra laptop mỏng đến mức nhét vào phong bì". Miễn là những ý tưởng này được phổ biến sâu rộng, bạn vẫn có quyền gọi chúng là tiêu chuẩn.

    Quyền lực tối thượng

    Rõ ràng, "tiêu chuẩn công nghệ" là một khái niệm đa chiều. Nhưng tất cả những cách hiểu về tiêu chuẩn đều bao hàm một khía cạnh bắt buộc: dù là ý tưởng hay đặc tả, dù do một bên độc lập kiểm soát hay do một kẻ thống trị thị trường tạo ra, mỗi tiêu chuẩn đều phải có rất nhiều công ty tuân theo. Mục đích cuối cùng khi thiết lập một tiêu chuẩn mới là để các đặc tả, các ý tưởng đó trở nên phổ biến sâu rộng.

    Chính bởi điều này mà các "tiêu chuẩn" thường được sử dụng làm một loại vũ khí đặc biệt tàn khốc trong thế giới công nghệ. Trong một số trường hợp, các công ty sẽ tìm cách nắm chặt ý tưởng của mình (ví dụ như Steve Jobs từng muốn Apple độc quyền ý tưởng "khối chữ nhật bo tròn 4 góc" cho smartphone), song trong phần lớn trường hợp, tác giả lại mang phổ biến sâu rộng ý tưởng của mình.

    Vậy, bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao lại có một kẻ điên khùng nào đó bỏ tiền bạc và công sức ra phát triển một tiêu chuẩn chỉ để sau đó miễn phí tiêu chuẩn này cho tất cả mọi người đều có thể làm theo? Câu trả lời là bởi, khi tự nhân rộng tiêu chuẩn, tác giả sẽ xây dựng được quan niệm rằng các đối thủ phía sau đều thua kém và đều phải "học hỏi" họ. Hãy nhìn vào trường hợp của MacBook Air.

    Ý nghĩa thứ hai quan trọng hơn rất nhiều: bạn có thể chạy theo các tiêu chuẩn mà không cần phải bỏ ra một đồng phí nào cả, nhưng bạn sẽ phải chịu sự kiểm soát của chính kẻ làm chủ tiêu chuẩn đó.

    Ví dụ: bạn có thể tạo ra một đám mây có API (tạm hiểu là "cơ chế kết nối" giữa các phần mềm) giống hệt như Amazon Web Services để khách hàng của Amazon có thể chuyển đổi từ AWS sang đám mây của bạn một cách dễ dàng. Thế nhưng, các tập đoàn luôn muốn dùng song song 2 nhà cung cấp đám mây để đảm bảo an toàn - việc bạn sao chép API chưa chắc đã khiến Amazon thiệt hại quá nhiều. Đổi lại, nếu một mai gã khổng lồ này thay đổi thiết kế API của họ thì bạn cũng sẽ phải tự thay đổi theo.

    Điều gì sẽ xảy ra nếu như Amazon quyết định thay đổi API ngay vào lúc công ty của bạn đang gặp khó khăn? Điều gì sẽ xảy ra nếu như Amazon thay đổi API theo hướng có lợi duy nhất cho Amazon và làm hại bạn? Không khó để nhận ra lý do vì sao công ty của Jeff Bezos lại "rộng lượng" đến vậy.

    Cuộc chiến của những tiêu chuẩn

    Chính bởi quyền lực tối thượng tiềm ẩn bên trong từng "tiêu chuẩn" mà mỗi gã khổng lồ công nghệ đều muốn dính dáng đến các tiêu chuẩn đang định hình. Mỗi khi một công nghệ nào đó xuất hiện, các tiêu chuẩn tương ứng sẽ nhanh chóng xuất hiện để các gã khổng lồ có thể giành giật lấy một phần tương lai.

    Lịch sử công nghệ gần đây cũng tràn ngập những cuộc chiến như vậy. Khi DVD chuẩn bị "về vườn", các gã khổng lồ bắt đầu phải tính đường lựa chọn Blu-ray hoặc HD-DVD làm chuẩn mực cho máy chơi game, laptop, dàn nhạc tại gia... của mình. Đây là cuộc chiến muôn phần khốc liệt do 2 gã khổng lồ Nhật Bản (Sony và Toshiba) đứng sau, liên lụy đến cả Microsoft, Warner Bros và nhiều tên tuổi khác. Cuối cùng, Blu-ray của Sony chiến thắng nhưng là với giá rất đắt: gánh nặng tài chính từ các chương trình giảm giá để thu hút đối tác đã góp phần khiến Sony rơi vào khó khăn trong vòng nhiều năm liền. Tệ hại hơn, chưa kịp hưởng lợi từ Blu-ray thì cả thế giới đã bước sang thời đại digital download; các định dạng đĩa quang càng ngày càng bị ghẻ lạnh để nhường chỗ cho kết nối mạng.

    Một cuộc chiến khác khá gần đây là các tiêu chuẩn sạc không dây. Đứng đầu trong số các tiêu chuẩn cạnh tranh để trở thành chuẩn mực của sạc không dây là Qi do liên minh WPC làm chủ với sự tham dự của các thành viên đình đám như Samsung, LG, HTC và HP. Ở phía đối nghịch là PMA/A4WP (vốn lại là do... 2 liên minh bắt tay nhau) với sự hậu thuẫn của Energy Star, AT&T, Intel và cả... Starbucks. Đừng vội cười khi thấy tên của một chuỗi café bên trong một liên minh công nghệ: nếu Starbucks lựa chọn được chuẩn sạc không dây của tương lai, các vị khách tuổi teen sẽ lại có thêm 1 lý do đến đây ngồi hàng giờ liền lướt web.

    Ngày hôm nay thì sao? Thế giới Internet of Things rộng lớn vẫn chưa có ông chủ, hứa hẹn một sàn đấu khốc liệt dành cho Windows IoT của Microsoft và một tầm nhìn chưa rõ ràng của Google (dù sao, Google cũng đã có Nest). Một nền tảng VR/AR chuẩn mực cũng chưa rõ sẽ thuộc về Oculus của Facebook hay Mixed Reality của Microsoft. Trên lĩnh vực AI, không ai biết ngôn ngữ nào sẽ thắng thế, chip của hãng nào sẽ trở thành đối trọng với NVIDIA.

    Chừng nào thế giới công nghệ còn tồn tại, những cuộc chiến tiêu chuẩn sẽ liên tục tiếp diễn. Không một kẻ nào có thể xưng bá nếu không kiểm soát các đối thủ bằng tiêu chuẩn cả.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ