Tự sự của kẻ vẫn dùng điện thoại "cục gạch" năm 2016

    PV,  

    Vì sao smartphone có quá nhiều tiện ích nhưng vẫn còn nhiều người tiêu dùng gắn bó với "stupidphone"?

    Khi công nghệ ngày càng phát triển, các sản phẩm smartphone cũng dần phổ biến vì có giá cả phải chăng hơn cũng như mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dùng. Tuy nhiên không hẳn ai cũng sử dụng smartphone mà vẫn còn một số bộ phận người dùng trên thế giới gắn bó với những chiếc điện thoại "cổ lỗ sĩ" và không có ý định rời bỏ chúng.

    Vì sao họ lại lựa chọn "cục gạch" thay vì chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh như những người khác? Dưới đây là những lý do mà bạn không ngờ đến:

    Không muốn "dính" với mạng xã hội quá nhiều

    Rachel, một giáo viên làm việc bán thời gian tại một trường học ở Sydney cho biết cô vẫn rất hạnh phúc khi sử dụng "cục gạch" của mình. Điện thoại của Rachel là một chiếc Nokia nhưng cô không rõ là đời nào. Thực tế, cô có cả một bộ sưu tập điện thoại "stupidphone" và khi một trong số chúng hư hỏng, cô có thể lấy ngay cái khác để thay thế.

    Lý do chính mà cô chọn "stupidphone" là vì muốn giảm gánh nặng tiền hóa đơn viễn thông hàng tháng. Cô cũng không thích mua sắm một cách lãng phí. "Trước hết, phải nói là tôi đã già rồi", Rachel chia sẻ. "Tôi thực sự ghét các sản phẩm công nghệ tối tân và thường không bao giờ mua những thứ mới mẻ này. Tôi cũng rất có ý thức về môi trường, con người chúng ta thải ra hàng tấn thiết bị điện tử vào bãi rác ở Ghana và điều này thật sự vô lý".

    Tuy nhiên điều này cũng không có nghĩa là cô không bao giờ lên mạng. Rachel có Internet ở nhà nhưng cô thấy không cần thiết để sử dụng Internet trên điện thoại của mình. "Tôi không thích việc mải cắm mặt truy cập Internet khi đang đi bộ trên phố", cô chia sẻ. Ngoài ra, cô cũng cho biết những đứa trẻ ở trường đều nói rằng chiếc Nokia của mình trông rất hay ho và hoài cổ.

    Do hoàn cảnh bắt buộc

    Một lý do khác khi nhiều người dùng sử dụng điện thoại "cục gạch" là do họ bị buộc như thế. Chẳng hạn như một chuyên viên trị liệu 28 tuổi làm việc tại một bệnh viện Sydney cho biết bệnh viện phát cho mỗi nhân viên một chiếc Nokia "nồi đồng cối đá" để sử dụng.

    "Bạn không thể sử dụng điện thoại cá nhân để liên lạc với khách hàng", cô chuyên viên này chia sẻ. "Chúng tôi không sử dụng chúng thường xuyên, chỉ trừ trường hợp cần thiết mà thôi".

    Cô ta cũng cho rằng có lẽ các điện thoại cổ đại này vẫn được bệnh viện phát cho dùng là vì lý lo tiết kiệm chi phí. "Bệnh viện rất khó nhận được những khoản tiền hỗ trợ từ hệ thống y tế cộng đồng. Vì thế nếu thiết bị nào không hư thì lại càng không muốn chi các khoản tiền không cần thiết để mua mới làm gì."

    Tuy nhiên, sẽ thực sự hữu ích nếu như các nhân viên trong bệnh viện được sử dụng những loại điện thoại có thêm một số tính năng quan trọng. Cô nhân viên này cho biết một chiếc điện thoại hỗ trợ mạng 3G có thể có ích vì mọi người có thể sử dụng GPS. Vì vậy, cô buộc phải sử dụng smartphone riêng của mình để phục vụ trong công việc và thỉnh thoảng cũng dùng nó để chụp ảnh.

    Nhìn chung, các nhân viên trong bệnh viện đều vui vẻ với chính sách sử dụng điện thoại "cục gạch" này, nhưng vẫn có một số người phàn nàn về việc này và đa phần là do họ quên cách sử dụng những điện thoại này như thế nào.

    Để cân bằng cuộc sống hơn

    Antony, 28 tuổi, luật sư tại Sydney cho biết anh tậu con iPhone 5s chỉ dạo gần đây. Trước đó, anh chỉ dùng điện thoại "stupidphone" hiệu Nokia với giá chỉ khoảng 20 AUD (Đô Úc).

    Anh buộc phải tách xa khỏi smartphone vì không muốn lúc nào cũng bị làm phiền hoặc xao nhãng bởi Internet. "Tôi không muốn nhận email công việc, vì thế tôi tránh xa những thiết bị này và thay vào đó chỉ sử dụng điện thoại 'cùi bắp' không có kết nối Internet", Antony chia sẻ. "Tôi không muốn phải online liên tục. Tôi không giỏi trong việc cân bằng trong cuộc sống".

    Antony cũng cho biết việc sở hữu một chiếc điện thoại "đập đá" cũng đem lại thời gian rỗi cho anh nhiều hơn, cũng như tạo ranh giới rõ ràng giữa giờ nghỉ và giờ làm việc. Đồng nghiệp của anh biết anh sẽ không bao giờ trả lời email vào nửa đêm cả.

    Anh cũng thừa nhận những lợi ích mà một chiếc điện thoại có kết nối Internet mang lại. "Thật là tốt khi một chiếc điện thoại có cả bản đồ và những thứ tương tự", Antony cho biết. Tuy nhiên, anh ta vẫn là một người hoài cổ và anh chấp nhận với những gì mình đang sử dụng.

    Vì muốn bảo mật

    Jahnine Skaif, 36 tuổi, nhân viên bảo hiểm làm việc tại Sydney kiêm quản lý tour ca nhạc cho biết cô sử dụng điện thoại "cục gạch" vì lý do bảo mật và cũng không muốn bị làm phiền.

    "Tôi thích sự đơn giản, và điện thoại đối với tôi chỉ cần phục vụ một số tác vụ cơ bản đó là giúp tôi liên lạc một cách nhanh và hiệu quả", Skaif cho biết. "Tôi thích sử dụng tin nhắn SMS và tôi không cần những thứ như emoji hay những đoạn hội thoại quá dài".

    Bên cạnh đó, cô cũng quan tâm đến vấn đề bảo mật, không muốn bị bất kỳ ai lợi dụng theo dõi cô cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên thỉnh thoảng cô vẫn tự nâng cấp thiết bị cho mình. Chẳng hạn như khi đi du lịch trong các bang, cô dùng iPhone 4 để xem bản đồ và sử dụng cho các mục đích nguy cấp khác.

    "Tôi thích những thứ nhỏ gọn. Tôi thật chẳng hiểu tại sao nhiều người lại cứ thích cắm hết nửa mặt mình vào trong màn hình iPad vô tri vô giác", Skaif chia sẻ.

    Còn bạn, bạn có sử dụng điện thoại "cục gạch" không? Nếu có, hãy chia sẻ cho chúng tôi biết vì sao bạn vẫn gắn bó với chúng.

    Tham khảo Kênh 14/Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ