Từ tham vọng làm nên lịch sử ngành năng lượng Hoa Kỳ, Toshiba đã nướng 6 tỷ USD trong các lò phản ứng hạt nhân như thế nào?
Toshiba lún sâu vào khủng hoảng tài chính, đến nỗi phải xé lẻ ra để bán cũng chỉ vì những sai lầm trong đầu tư vào ngành điện hạt nhân.
Với tiền tân là nhà tiên phong thiết bị điện báo của Nhật Bản thành lập năm 1873, Toshiba đã trải qua muôn vàn khó khăn để từng bước gây dựng một đế chế. Từ trận động đất Great Kanto 1923, tổn thất nặng nề trong thế chiến thứ II, cho đến đòn đau từ máy nghe nhạc Zune hợp tác cùng Microsoft.
Giờ đây, Toshiba còn mang gánh nặng do không hoàn thành kế hoạch xây dựng 4 nhà máy hạt nhân tại miền Nam nước Mỹ. Việc chậm bàn giao và gánh nặng ngân sách tại lò phản ứng ở Georgia và Nam Carolina (do Westinghouse Electric của Toshiba đảm nhiệm) đã khiến chủ tịch Shigenori Shiga phải từ chức và đẩy mức lỗ lên đến 6,3 tỷ USD.
Toshiba đã "nướng" hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp điện hạt nhân như thế nào?
Nó bao gồm di chứng từ khoản tiền 5,4 tỷ USD công ty bỏ ra để thắng thầu mua lại Westinghouse hồi năm 2006. Ngành công nghiệp điện hạt nhân ngày cảng giảm sút khiến tình hình kinh doanh của hãng cứ thế đi xuống. Khó khăn chồng chất khó khăn, đến nỗi Toshiba phải lên kế hoạch bán phần lớn cổ phần mảng kinh doanh bộ nhớ flash vốn đang sinh lãi lớn.
Chưa kể, scandal gian lận sổ sách trong năm 2015 khiến CEO Toshiba Hisao Tanaka phải từ chức, kéo theo đó là quyết định bán tháo mảng điện tử tiêu dùng và thiết bị y tế để cố gồng gánh.
“Toshiba đang bị xé lẻ. Nó vẫn sẽ tồn tại mà không bị phá sản. Nhưng đó là đoạn kết cho những hy vọng phát triển của công ty”, Amir Anvarzadeh, Giám đốc công ty tài chính BGC Partners tại Singapore nhận định.
Nhiều nhà đầu tư dường như cũng đồng tình với ý kiến đó. Công ty đã mất 7 tỷ USD giá trị thị trường trong vòng 6 tuần, thậm chí giảm tới 10% sau khi công bố tình hình tài chính khó khăn và khiến Chủ tịch Shigenori Shiga phải từ chức. Điều đáng lo khác cho thị trường là chi phí lớn của Westinghouse nhiều khả năng sẽ kéo Toshiba lún sâu vào khủng hoảng với khoản lỗ dự kiến vượt 150 tỷ yen sau khi kết thúc năm tài khóa vào cuối tháng 3.
Không chỉ giới đầu tư của Toshiba, mà cả những bên ủng hộ năng lượng hạt nhân và đặt niềm tin vào Wesstinghouse thất vọng. Công ty đã thành đơn vị đầu tiên giành được quyền xây dựng nhà máy hạt nhân kể từ sau sự cố Three Mile Island năm 1979. Nhưng nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp hạt nhân Hoa Kỳ của Toshiba đã không thành công. Một phần vì hãng chậm tiến độ và thiếu nguồn tài chính như đã hứa. Thế hệ mô-đun lò hạt nhân AP1000 của Westinghouse thiết kế vốn được đánh giá dễ dàng lắp ráp và cho hiệu suất vượt trội, lại không được như kỳ vọng.
Chủ tịch Shigenori Shiga của Toshiba đã phải từ chức.
Trong cuộc họp báo ngay sau khi công bố tình trạng thua lỗ, chủ tịch Toshiba Satoshi Tsunakawa cho biết, hiện tại, Toshiba có thể rút hoàn toàn khỏi các dự án xây nhà máy hạt nhân, thay vào đó chỉ cung cấp thiết bị và dịch vụ kỹ thuật. Nhưng điều đó sẽ khiến việc bán các dự án hạt nhân gặp khó khăn. Mọi lựa chọn vẫn đang được cân nhắc kỹ lưỡng, bao gồm cả phương án bán Westinghouse.
“Đang có hàng tỷ đô-la bị đe dọa tại đây. Điều đó có thể nhấn chìm Toshiba và đồng nghĩa đặt dấu chấm hết cho kế hoạch tái thiết lại hệ thống điện hạt nhân tại Mỹ”, Gregory Jaczko, cựu lãnh đạo Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Hoa Kỳ (NRC) cho biết.
Đây quả là nỗi thất vọng lớn đối với một trong những công ty lâu đời nhất Nhật Bản, cái tên từng trở thành biểu tượng gắn liền với chiếc bóng đèn đầu tiên được sản xuất tại xứ sở mặt trời mọc, rồi vươn mình thành gã khổng lồ hoạt động trong nhiều mảng kinh doanh, từ máy giặt, đồ điện tử cho đến điện hạt nhân.
Năm 2008, Westinghouse ký thỏa thuận xây 4 lò phản ứng hạt nhân với Công ty điện năng Southern và Tập đoàn điện lực Scana. Trong một lần trả lời phỏng vấn của Tuần báo kinh tế Bloomberg, Giám đốc điều hành Thomas Fanning của Southern nói rằng, hai dự án hạt nhân tại Plant Vogtle, Georgia sẽ trở thành dấu mốc lịch sử thành công nhất ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ.
Để xây dựng siêu dự án đó, Wesstinghouse nhường các gói thầu phụ cho Shaw Group, một cái tên khá mới ở mảng điện hạt nhân có trụ sở tại Baton Rouge. Công ty thành lập năm 1987 bởi James Bernhard. Năm 2000, ông đã thành công khi đấu giá mua lại Stone & Webster, một công ty kỹ thuật từng tham gia xây dựng khuôn viên trường MIT và nhiều nhà máy hạt nhân ở Hoa Kỳ từ thập niên 50-70. Công ty chỉ còn lại vỏ bọc cũ kỹ lúc Bernhard thâu tóm, nhưng tên tuổi của nó giúp Shaw dù chân ướt chân ráo bước vào ngành vẫn giành tất cả hợp đồng của Westinghouse.
Đến đầu năm 2012, các thanh tra viên của NRC đã phát hiện thấy thép sử dụng trong một lò hạt nhân đã bị lắp đặt sai cách. Một thùng lò phản ứng (reactor vessel) 300 tấn rơi khỏi xe làm lộ rõ các mối hàn sai. Tất cả sau đó đều phải làm lại. Nó phản ảnh thực tế, Shaw rất thiếu kinh nghiệm trong ngành công nghiệp hạt nhân và không chuẩn bị kỹ lưỡng cho gói thầu, cũng như khả năng kiểm soát các chi tiết cần thiết.
Vào tháng Bảy năm 2012, Shaw phải bán mình với giá 3,3 tỷ USD cho Chicago Bridge & Iron (CB&I), một công ty kỹ thuật quy mô lớn hơn với tham vọng hồi sinh ngành năng lượng hạt nhân. Sau ba năm, khi không thấy công cuộc làm ăn có triển vọng thêm, CB & I đã bán phần lớn tài sản của Shaw cho Toshiba với giá 229 triệu USD, chấp nhận con số thấp hơn lúc mua để cố đẩy đi khoản nợ liên quan tới các dự án.
Nếu được quyết định lại, chắc chắn giới lãnh đạo Toshiba sẽ không đâm đầu vào các lò phản ứng hạt nhân.
Tháng 4/2016, chỉ ít tháng sau khi thỏa thuận kết thúc, Toshiba cáo buộc CB&I thổi phồng giá trị khối tài sản của Shaw ở mức 2,2 tỷ USD và yêu cầu đàm phán lại. Công ty nộp đơn lên tòa án và có quyết định sơ bộ ủng hộ yêu cầu đàm phán lại. Nhưng CB&I đã kháng cáo và đẩy trách nhiệm sang Westinghouse với lập luận lỗi hoàn toàn thuộc về công ty này và thiết kế mô-đun AP1000 của nó.
Toshiba cho biết sẽ đưa ra những quyết định “chiến lược” liên quan tới các hoạt động hạt nhân ở nước ngoài và tiếp tục cân nhắc việc bán cổ phần tại NuGeneration, một công ty đang nỗ lực phát triển điện hạt nhân ở Tây Bắc nước Anh. Đối với các kế hoạch ở Ấn Độ, nơi Westinghouse dự kiến xây 6 lò phản ứng, Toshiba cho biết hiện chỉ hướng tới ưu tiên cung cấp phụ tùng và dịch vụ kỹ thuật thay vì đảm nhiệm công tác xây dựng.
Vậy tương lai cho công cuộc phục hưng điện hạt nhân của Hoa Kỳ sẽ đi về đâu? Sai lầm từ Westinghouse, cộng thêm thảm họa hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản) và nguồn khí tự nhiên giá rẻ dồi dào đã đẩy điện hạt nhân vào thế khó vì giá đắt đỏ hơn, cộng thêm nguy hiểm luôn rình rập. Nếu được làm lại, chắc giới chóp bu Toshiba không muốn lặp lại sai lầm khi đâm đầu vào ngành công nghiệp đầy rủi ro.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?