Tự xem mình ở một đẳng cấp riêng mà không ai hiểu nổi, cổ phiếu Xiaomi có một kỳ IPO tệ hại

    Nguyễn Hải,  

    Các nhà đầu tư không hiểu nổi mô hình kinh doanh của Xiaomi sẽ sinh lợi như thế nào khi các mảng kinh doanh trụ cột của họ đều không khả quan như kế hoạch đề ra.

    Xiaomi rất biết cách làm ra những chiếc smartphone với chi phí thấp. Nhưng có vẻ họ không biết cách giải thích cho các nhà đầu tư hiểu tương lai của mình sẽ nằm ở đâu. Việc họ xem mình như một công ty internet đang chế tạo các sản phẩm phần cứng và đưa chúng qua các cửa hàng bán lẻ đã làm các nhà quản lý chứng khoán Trung Quốc bối rối về mô hình kinh doanh của họ.

    Chỉ một tuần trước khi Xiaomi tiết lộ dự định IPO để huy động khoảng 4,7 tỷ USD, Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc đã đưa ra 84 câu hỏi để yêu cầu công ty giải thích rõ ràng hơn tại sao họ lại tự gọi mình là “công ty internet” khi phần lớn doanh thu của họ đến từ việc bán phần cứng. Thay vì trả lời nghi vấn của các cơ quan quản lý trong vòng 30 ngày như yêu cầu, Xiaomi đã hủy bỏ kế hoạch bán cổ phiếu cho kho lưu ký Trung Quốc và chỉ chọn việc niêm yết trên sàn Hong Kong.

    Tự xem mình ở một đẳng cấp riêng mà không ai hiểu nổi, cổ phiếu Xiaomi có một kỳ IPO tệ hại - Ảnh 1.

    Mặc dù vậy, ông Lei Jun, nhà sáng lập Xiaomi vẫn cho thấy tham vọng lớn của mình, khi ông mô tả công ty mình như một “chủng loài mới”, không thể so sánh như những người khác. “Không quan trọng (các công ty như Xiaomi) được gọi là gì,” ông Lei cho biết tại cuộc họp báo ở Hong Kong vào ngày 23 tháng Sáu. “Nhưng mọi người nên hiểu các lợi thế cạnh tranh lớn mà những công ty này có.”

    Và kết quả là đợt IPO tồi tệ cho Xiaomi. Dù đã thiết lập mức giá cổ phiếu trong khoảng từ 17 đến 22 Đô la Hong Kong, thấp hơn mức dự kiến trước đây, cổ phiếu của Xiaomi sau khi IPO chỉ còn 16,60 Đô la Hong Kong, còn thấp hơn mức họ kỳ vọng. Nếu nhìn mô hình kinh doanh của Xiaomi, bạn sẽ hiểu tại sao các nhà đầu tư lại lạnh nhạt với công ty này như vậy.

    Trụ cột sinh lời cho mô hình kinh doanh của Xiaomi

    Sáng lập từ năm 2010, Xiaomi nhanh chóng xâm chiếm Trung Quốc với những chiếc điện thoại rẻ tiền nhưng chất lượng cao. Đến quý đầu 2018, Xiaomi đã đứng thứ tư thế giới về lượng điện thoại xuất xưởng, sau Apple, Samsung Electronics và Huawei Technologies. Xiaomi cũng sản xuất và bán các hàng điện tử và các sản phẩm hàng tiêu dùng khác, từ nồi cơm điện cho đến kính mát và balo. Họ cũng có doanh thu từ dịch vụ và quảng cáo trên các nền tảng di động và internet.

    Tự xem mình ở một đẳng cấp riêng mà không ai hiểu nổi, cổ phiếu Xiaomi có một kỳ IPO tệ hại - Ảnh 2.

    Dù đã vươn lên đứng thứ tư thế giới về thị phần smartphone, nhưng đây không phải trụ cột sinh lời của Xiaomi.

    Smartphone vẫn chiếm 70,3% doanh thu của Xiaomi trong năm 2017, trong khi các dịch vụ internet đóng góp 8,6%. Nhưng Xiaomi cho biết họ sẽ không xây dựng kho báu của mình dựa trên việc bán phần cứng, khi họ giới hạn tỷ suất lợi nhuận ròng chỉ 5% trên các sản phẩm đó – cho dù cũng chỉ có rất ít nhà sản xuất điện thoại có tỷ suất lợi nhuận vượt qua con số đó.

    Thay vào đó, ông Lei gắn kỳ vọng của mình vào dịch vụ internet của Xiaomi, một trụ cột quan trọng trong mô hình kinh doanh của mình. Ông cho rằng, người dùng sẽ trả tiền cho các dịch vụ trực tuyến như âm nhạc, dịch vụ tài chính và video trên phiên bản Android tùy biến cho riêng công ty, MIUI. Đây là mảng có lợi nhuận rất cao, với lợi nhuận biên tới 60,2% trong khi smartphone chỉ có 8,8%.

    Đến tháng Ba năm nay, MIUI có khoảng 190 triệu người dùng tích cực, những người dành trung bình 4,5 giờ mỗi ngày trên nó. Tuy nhiên, lượng tiền công ty kiếm được từ người dùng lại thấp hơn các đối thủ đồng hương. Trong khi, mỗi người dùng trực tuyến của Xiaomi mang lại cho công ty 9 USD, thì của Tencent Holdings là 34,5 USD và Facebook là 20,2 USD.

    Tự xem mình ở một đẳng cấp riêng mà không ai hiểu nổi, cổ phiếu Xiaomi có một kỳ IPO tệ hại - Ảnh 3.

    Doanh thu và lợi nhuận của Xiaomi.

    Các thách thức cho kế hoạch kiếm lợi nhuận của Xiaomi

    Nhưng đó vẫn chưa phải là điều làm các nhà phân tích lo lắng nhất, khi họ cho rằng mô hình dựa vào dịch vụ internet của Xiaomi có thể không bền vững khi họ mở rộng sang các quốc gia ít phát triển bên ngoài Trung Quốc.

    Jusy Hong, nhà nghiên cứu và phân tích tại IHS Markit ở Hàn Quốc cho biết. “Mọi người ở các quốc gia đang phát triển không chỉ nhạy cảm với giá phần cứng, mà còn với nội dung và truyền thông.” Người dân những nước này ít sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ trực tuyến do mức tiêu thụ data thấp và kết nối internet kém. Thay vào đó, họ thường chọn game, vốn ít tiêu tốn dữ liệu hơn.

    Tự xem mình ở một đẳng cấp riêng mà không ai hiểu nổi, cổ phiếu Xiaomi có một kỳ IPO tệ hại - Ảnh 4.

    Việc thiếu các nội dung được địa phương hóa và các vấn đề bảo mật khiến dịch vụ internet của Xiaomi tại Ấn Độ kém hấp dẫn.

    Việc thiếu các nội dung địa phương hóa và nỗi lo về bảo mật dữ liệu là những rào cản khác mà Xiaomi phải đối mặt khi họ muốn lặp lại thành công ở Trung Quốc tại các thị trường nước ngoài. Ở Ấn Độ, cho dù Xiaomi đã vượt mặt Samsung để giữ ngôi vị nhà bán smartphone lớn nhất với 31,1% thị phần vào cuối tháng Ba, họ lại khá chậm chạp trong việc giới thiệu các dịch vụ trực tuyến, bao gồm Mi Credit, một nền tảng cho vay và Mi Music, dịch vụ stream nhạc.

    Ammo Angom, một doanh nhân 34 tuổi tại Mumbai cho biết, dù rất thích chiếc Redmi mà anh sử dụng hai năm nay, nhưng anh vẫn lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu. “Tôi không thoải mái để sử dụng chiếc điện thoại này cho các dịch vụ nhạy cảm như e-banking bởi vì các bloatware đang gia tăng hoạt động.” Anh giải thích tại sao không sử dụng Mi Credit.

    Từ năm ngoái, Xiaomi bắt đầu mở rộng vào thị trường các nước phát triển ở châu Âu, thiết lập các cửa hàng Mi Stores ở Tây Ban Nha, Pháp và Italy. Tuy nhiên, tại các thị trường này, Xiaomi lại đang chật vật gia tăng độ nhận diện thương hiệu khi nó phỉa cạnh tranh với các đối thủ từ Trung Quốc đã gia nhập thị trường sớm hơn.

    Tự xem mình ở một đẳng cấp riêng mà không ai hiểu nổi, cổ phiếu Xiaomi có một kỳ IPO tệ hại - Ảnh 5.

    Theo hãng phân tích Canalys, trong quý đầu của năm nay, thị phần của Huawei tại châu Âu đang ở mức 16,1%, đứng thứ ba sau Apple và Samsung, trong khi đó thị phần của Xiaomi chỉ là 5,3%. Tuy nhiên những lời tiếp thị truyền miệng tích cực đang bắt đầu giúp gia tăng doanh số của Xiaomi.

    Daniela Igreja, nhà tư vấn bất động sản tại Bồ Đào Nha, người đã đặt mua chiếc điện thoại Xiaomi thứ hai sau khi được một người bạn giới thiệu để dùng thử, cho biết. “Nó là một công cụ tuyệt vời, và rất rẻ.” Gần như cả nhà cô đều đã mua một chiếc, trừ chồng cô, người vẫn lựa chọn chiếc iPhone.

    Xiaomi đang chứng kiến việc gia tăng thị phần smartphone toàn cầu, với mức 8,4% trong quý một năm nay, cải thiện rõ rệt so với mức 4,3% vào cùng kỳ năm ngoái, với lượng xuất xưởng nhảy vọt 87,8% lên 27,8 triệu đơn vị. Năm ngoái, họ là nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc nếu tính theo thị phần sau khi doanh số sụt giảm liên tiếp trong hai năm.

    Sự nghi ngại của các nhà đầu tư với khả năng IPO của Xiaomi

    Dù vậy, những nghi vấn về mức độ sinh lợi nhuận của Xiaomi vẫn làm các nhà phân tích lo ngại. Mảng phần cứng của Xiaomi – bao gồm cả smartphone, các thiết bị IoT và đồ dùng hàng ngày – có mức lợi nhuận biên 8,7% trong năm 2017. Con số này đã tụt xuống mức 7% trong 3 tháng đầu năm nay.

    William Xie, nhà phân tích đầu tư tại Brightway Asset Management, người đã tham dự buổi roadshow của Xiaomi ở Hong Kong vào tháng trước cho biết. “Mức giá IPO vẫn còn rất đắt.” Cho dù ông Lei đã nỗ lực gây ấn tượng với 300 nhà đầu tư trong suốt một giờ thuyết trình vào hôm đó, ông Xie vẫn cho rằng Xiaomi giống một công ty phần cứng hơn và chiến lược của họ không tương xứng với giá IPO.

    Tự xem mình ở một đẳng cấp riêng mà không ai hiểu nổi, cổ phiếu Xiaomi có một kỳ IPO tệ hại - Ảnh 6.

    Các đơn vị bảo lãnh cho đợt IPO của Xiaomi – bao gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley và CLSA – đều sử dụng công thức tính toán dành cho một công ty internet để định giá Xiaomi. Hệ số giá cổ phiếu trên thu nhập (P/E) – thước đo cho tiềm năng tăng trưởng – là 22,7 lần (với mức giá IPO và thu nhập dự tính 2019). Con số này còn cao hơn cả Apple, nhưng vẫn thấp hơn đối thủ đồng hương Tencent với 28,9 lần.

    Để đáp lại những người hoài nghi về công ty mình, ông Lei cho biết Xiaomi nên được định giá “gấp nhiều lần Apple như Tencent” và mô hình kinh doanh sáng tạo của họ có nghĩa là nó đã “vượt xa sự nhận thức.” Ông bổ sung rằng: “Nếu mọi người có thể dễ dàng hiểu được nó, chúng tôi đã không gọi là sự sáng tạo.”

    Để mọi người hiểu hơn, ông Lei so sánh mô hình của Xiaomi với hãng thời trang ăn liền H&M, công ty sản xuất số lượng lớn các quần áo giá rẻ trông giống hệt với các thương hiệu cao cấp. Mô hình này cũng tương tự như của Xiaomi, và nó đang giúp công ty tiết kiệm được chi phí nghiên cứu phát triển, trong khi doanh thu đến từ việc bán hàng khối lượng lớn với giá thấp.

    Bên cạnh đó, ông Lei còn tìm ra các cơ hội kiếm tiền bằng cách đầu tư vào các startup khác. Trong các khoản đầu tư nổi tiếng của ông Lei có cái tên YY Inc., YouTube phiên bản Trung Quốc, và trình duyệt web UCWeb. Ông Lei đã tiếp tục tận dụng vị trí của mình tại Xiaomi để đầu tư vào hơn 210 công ty khác. Các công ty được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận tài chính bền vững cho hệ sinh thái Xiaomi.

    Trong khi Xiaomi vẫn chưa mang lại lợi nhuận, và đang lỗ đến 6,69 tỷ Nhân dân tệ trong 3 tháng đầu năm 2018, ông Lei đã nhận được khoản tiền thưởng khổng lồ lên đến 1,5 tỷ USD trước đợt IPO của Xiaomi. Ông Lin Bin, chủ tịch Xiaomi, cho biết quyết định này được đưa ra để tưởng thưởng cho sự tận tụy với công ty trong 8 năm qua, cũng như nỗ lực của ông nhằm “chuyển đổi ngành sản xuất Trung Quốc.”

    Tham khảo Nikkei Asia


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày