Từ xu hướng có 6 tỷ lượt xem trên TikTok: Những hậu họa khi để mạng xã hội xâm lấn cuộc sống hàng ngày
Có những xu hướng, đặc biệt là về sức khỏe, trên TikTok khiến những người làm theo cảm thấy mệt mỏi. Vậy điều gì khiến họ lựa chọn thay đổi cuộc sống thực theo những video ảo và làm sao để không đẩy cuộc sống của mình rơi vào những bế tắc do video ảo?
Dynasti deGouville đang kiệt sức nhưng Samantha Blau lại chưa bao giờ cảm thấy tốt hơn. Cả hai đều làm cùng một việc. Hai người phụ nữ cố gắng có một cuộc sống tốt hơn khi thực hiện theo những lời khuyên mà họ học được từ các video trên Tiktok theo xu hướng #ThatGirl và #CleanGirl.
Những video đó yêu cầu mọi người phải thức dậy lúc 5 giờ sáng, tập thể dục hàng ngày, viết nhật ký, thiền và ăn một số loại thực phẩm xanh....
Xu hướng có tên #ThatGirl đã có khoảng 6 tỷ lượt xem trên Tiktok. Nó là ví dụ không thể rõ ràng hơn về các nội dung trực tuyến nhằm mục đích truyền cảm hứng để mọi người thay đổi cuộc sống thực của họ. Hình ảnh đẹp và những mô tả về cuộc sống hạnh phúc tạo ra những động lực to lớn cho người xem.
Tuy nhiên, đôi khi những video ấy cũng khiến nhiều người cảm thấy choáng ngợp và tủi hổ. Đôi khi đó là những tiêu chuẩn về vẻ đẹp và sự giàu có mà rất nhiều người xem không thể đạt tới. Thậm chí, xu hướng #ThatGirl còn bị chỉ trích vì thiếu đa dạng hình thể, chủng tộc và thu nhập. Nhiều bài đăng lựa chọn những phụ nữ gầy, da trắng và nhìn có vẻ giàu.
Về việc cải thiện cuộc sống, #ThatGirl mang tới 2 kết quả đối lập. Câu chuyện với cô deGouville và cô Blau có thể cung cấp cái nhìn trực quan nhất về tác động của các xu hướng trên mạng xã hội với từng người cũng như cảnh báo những điều tồi tệ có thể xảy ra nếu không phù hợp.
Kiệt sức
Đầu năm nay, deGouville, 22 tuổi, nhìn thấy rất nhiều video chứa hashtag #ThatGirl từ những người cô theo dõi trên Tiktok. Họ nói về cách cải thiện cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp Đại học Emory hồi tháng 5, cô gái trẻ bắt đầu so sánh cuộc sống của mình với những người cô thấy trên video và đó cũng chính là lúc deGouville quyết định thay đổi cuộc sống của mình theo những video mà cô xem.
Sau khi thử nghiệm những lối sống mà các video gắn hashtag #ThatGirl gợi ý, deGouville cảm thấy kiệt sức và vô cùng áp lực. Các nền tảng khác cũng có những video kiểu này nhưng sự chân thực và giản dị mà deGouville cảm nhận từ các video trên TikTok khiến cô nghĩ chúng đáng tin cậy hơn.
Trong khi đó, thuật toán của TikTok biết người dùng muốn gì và chủ động gợi ý cho họ các video tương tự. Điều này khiến những người như deGouville chỉ thấy mọi người trên mạng đều như vậy và đặt câu hỏi tại sao họ không làm như thế.
Bản thân TikTok cũng không phủ nhận điều này. Hồi tháng 12 năm ngoái, họ cho biết đang làm việc để đa dạng hóa các đề xuất, ngăn người dùng xem quá nhiều nội dung giống nhau. Ngoài ra, công ty cũng chủ động giảm thiểu các đề xuất nội dung liên quan đến chủ đề sức khỏe như ăn kiêng, tập thể dục và đang tiếp tục tối ưu nó.
Trở lại với #ThatGirl, xu hướng này khuyến khích mọi người thức dậy sớm hơn 1,5 giờ so với khi đi làm để viết nhật ký, uống sinh tố và thực hiện quy trình chăm sóc da 7 bước. Sau khi đóng máy tính xách tay vào cuối ngày làm việc, mọi người cần đi tập thể dục ở cường độ cao. Sau khi nghỉ ngơi, những người thực hiện sẽ có một bữa ăn lành mạnh, đọc sách và thiền trước khi ngủ.
"Có những ngày tôi hoàn thành tất cả những việc ấy. Nhưng thành thật mà nói, thật là mệt mỏi", deGouville chia sẻ. "Áp lực theo đuổi lối sống mà #ThatGirl đề xuất khiến tôi cảm thấy khó chịu và vô cùng căng thẳng".
Sau khi quay lưng với #ThatGirl, cuộc sống của deGouville trở lại bình thường và cô cảm thấy mọi thứ thật thuận lợi.
Nguồn cảm hứng
Giống như deGouville, Blau, 19 tuổi, cũng theo đuổi lối sống này và đăng tải chúng lên trang Tiktok của riêng mình. Thay vì hướng dẫn mọi người làm, cô sinh viên Đại học Western New England ở Massachusetts coi đó là nguồn cảm hứng cho những thay đổi nhỏ hàng ngày.
Cách tiếp cận của Blau dựa vào điều kiện sống của cô. Cô lựa chọn những gì phù hợp mà mình có thể làm. Chính điều này khiến cô sinh viên trẻ cảm thấy cuộc sống của mình được cải thiện. Xu hướng này giúp cô hòa nhập với xã hội nhiều hơn và dành nhiều thời gian hơn cho các nhu cầu bên ngoài.
Blau không thích dậy sớm nên cô gái không làm việc đó. Cô chọn đến phòng gym vào buổi tối. Còn việc thiền, Blau thấy nó không phù hợp, không hiệu quả nên cô bỏ luôn.
"Tôi xem những video đó để biết cách tái tạo những thói quen tốt trong khi vẫn sống đúng với những gì tôi làm hàng ngày", Blau nói.
Cần làm gì để không trở thành nạn nhân của TikTok?
Jacqueline Sperling, một nhà tâm lý học lâm sàng và là giảng viên tại Trường Y Harvard, khuyên rằng: "Hãy tự hỏi mình xem bạn cảm thấy thế nào trước và sau khi xem video. Nếu nhận thấy tâm trạng không thoải mái, hay ngừng xem và làm theo chúng".
Bên cạnh đó, mỗi người cũng nên đặt giới hạn thời gian sử dụng TikTok và các ứng dụng mạng xã hội khác để tránh lâm vào tình trạng nghiện điện thoại. Nếu bạn không thể làm điều đó, hãy chuyển chế độ trắng đen nhằm làm cho chiếc điện thoại thông minh trở nên kém hấp dẫn.
Tham khảo ý kiến chuyên gia về những xu hướng mà bạn định làm theo trên TikTok. Hãy nhớ rằng, lối sống lành mạnh với người này không có nghĩa sẽ lành mạnh với người khác. Ý kiến chuyên gia sẽ là cách hữu ích nhất.
Cuối cùng, đừng quên những gì đẹp nhất thường xuất hiện trên mạng xã hội. Hãy tưởng tượng đến những gì xảy ra phía sau hậu trường. Hình ảnh đôi khi cũng không tương đồng với thực tế.
Tham khảo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"