Tung đoạn quảng cáo "xúc phạm" người Thái Lan, Apple lên tiếng xin lỗi
Đây là lần thứ hai chỉ trong thời gian ngắn mà Apple đã phải xin lỗi về những đoạn quảng cáo của mình.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ, Apple đã rút một quảng cáo được đặt bối cảnh tại Thái Lan sau khi gặp phản ứng dữ dội từ các nhà lập pháp, những người có tầm ảnh hưởng và công dân, cùng những lời kêu gọi tẩy chay do nội dung phim ngắn bị cho là xúc phạm quốc gia Đông Nam Á này.
Đoạn quảng cáo The Underdogs - OOO (Out Of Office)
Phim ngắn 10 phút của Apple mang tên "The Underdogs: OOO (Out Of Office)", phần thứ năm trong loạt phim hài theo chân một nhóm đồng nghiệp khi họ giải quyết các nhiệm vụ công việc và các vấn đề bằng các sản phẩm và tính năng của Apple. Phim được đặt bối cảnh tại Bangkok và Rayong, với việc các đồng nghiệp đi du lịch đến Thái Lan trong một cuộc hành trình tiết kiệm chi phí để tìm một nhà máy đóng gói mới.
Trong cuộc phiêu lưu của họ, các nhân vật chính được thấy đi trên chiếc tuk-tuk đặc trưng của Thái Lan, tương tác với những người dân địa phương kỳ quặc và ở trong một khách sạn tồi tàn ở Bangkok. Tuy nhiên, các nhà ảnh hưởng trên mạng xã hội và người dùng Internet đã cho rằng đất nước này bị mô tả sai lệch nghiêm trọng là lạc hậu và lỗi thời. Apple cho biết họ không có ý xúc phạm và đã hợp tác với một công ty sản xuất địa phương trong quảng cáo này.
"Mục đích của chúng tôi là tôn vinh sự lạc quan và văn hóa của đất nước, và chúng tôi xin lỗi vì đã không hoàn toàn nắm bắt được sự sôi động của Thái Lan ngày nay," công ty nói trong một tuyên bố vào thứ Sáu. "Đoạn phim hiện không còn được phát sóng."
Phản ứng dữ dội diễn ra khi chính phủ Thái Lan tìm cách nâng cao vị thế và hình ảnh của quốc gia như một điểm đến du lịch toàn cầu, với ngành công nghiệp quan trọng này là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Srettha Thavisin đã cam kết biến Thái Lan thành trung tâm hàng không và logistics, với chính quyền của ông tìm kiếm các "chiến thắng nhanh chóng" để tăng số lượng khách du lịch nước ngoài và kích thích nền kinh tế, đứng thứ hai ở Đông Nam Á. Lượng khách du lịch nước ngoài từ đầu năm 2024 đã vượt qua con số 20 triệu và dự kiến sẽ đạt 36 triệu trong năm nay, tiệm cận với kỷ lục 40 triệu du khách mà quốc gia này đã đón trước đại dịch.
Quảng cáo này cũng làm dấy lên mối lo ngại trong số các nhà lập pháp trong ủy ban du lịch của Hạ viện, dự định mời đại diện từ Apple và các cơ quan nhà nước để thảo luận về vấn đề này, theo phát ngôn viên của ủy ban, Sattra Sripan.
"Người dân Thái Lan rất không hài lòng với quảng cáo này," Sattra nói trong một tuyên bố vào thứ 5. "Tôi khuyến khích người dân Thái Lan ngừng sử dụng các sản phẩm của Apple và chuyển sang các thương hiệu khác."
Trong khi đó, Thủ tướng Srettha cho biết ông đã xem một số phần của phim và muốn tập trung vào mặt tích cực hơn. Thủ tướng đã và đang kêu gọi các khoản đầu tư nước ngoài từ các công ty Mỹ, bao gồm cả Apple. "Hãy nhìn vào mặt tích cực. Apple đã thể hiện ý định thực sự muốn kinh doanh tại Thái Lan," ông nói với các phóng viên vào ngày 2/8 vừa qua.
Cách đây không lâu, Apple cũng đã phải xin lỗi trước công chúng vì đoạn quảng cáo "Crush" (Nghiền nát) cho dòng máy tính bảng iPad Pro mới. Quảng cáo miêu tả việc nghiền nát các dụng cụ âm nhạc, sơn, ống kính máy ảnh, sách, nhân vật điện ảnh, tượng điêu khắc và nhiều vật dụng sáng tạo khác. Ý tưởng của quảng cáo là tất cả những công việc sáng tạo đó đều có thể được thực hiện bằng iPad. Tuy nhiên, thông điệp này đã khiến giới sáng tạo phẫn nộ vì cảm thấy bị xúc phạm nghiêm trọng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Học theo người giàu nhất thế giới, CEO Xiaomi Lei Jun cũng đăng ảnh ngủ trên sàn nhà máy
Không chỉ là một hành động noi gương người giàu nhất thế giới hiện nay, bài đăng này của ông Lei Jun còn để kỷ niệm một cột mốc quan trọng đối với Xiaomi.
Người dùng YouTube Premium bức xúc vì vẫn thấy quảng cáo, YouTube đáp trả: 'Không thể nào!'