Từng suýt thất bại giống Kodak, BlackBerry vì chỉ sống dựa vào Windows, Microsoft tái sinh ngoạn mục nhờ tuân theo 3 bài học quan trọng

    Vân Đàm, Nhịp sống thị trường 

    Vào những năm 2000, Windows là thứ bất khả xâm phạm ở Microsoft, điều đó khiến họ từ công ty giá trị nhất thế giới trở nên ì ạch.

    Từng suýt thất bại giống Kodak, BlackBerry vì chỉ sống dựa vào Windows, Microsoft tái sinh ngoạn mục nhờ tuân theo 3 bài học quan trọng - Ảnh 1.

    Ngày 21/9 vừa qua, tại buổi ra mắt sản phẩm ở New York, CEO Microsoft là Satya Nadella nói: “Cứ như những năm 1990 đang quay trở lại vậy”. Ông đang đề cập đến thời kỳ huy hoàng của gã khổng lồ phần mềm này, khi hệ điều hành Windows của họ phổ biến khắp nơi, lợi nhuận tăng vọt và doanh thu thường xuyên tăng hơn 30% mỗi năm. Trong suốt một khoảng thời gian, Microsoft đã trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Nhưng thành công lại sinh ra sự tự mãn. Vào đầu những năm 2010, Microsoft chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại và tỷ suất lợi nhuận bắt đầu giảm xuống.

    Nhưng rồi đến những năm 2020, Microsoft lại có một thời kỳ hoàng kim mới. CEO Nadella đã đặt điện toán đám mây làm trọng tâm của công ty thay vì Windows, điều này đã giúp cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Biên lợi nhuận hoạt động của công ty đã tăng từ 29% năm 2014 lên 43%, cao nhất trong số 50 công ty phi tài chính lớn nhất nước Mỹ tính theo doanh thu.

    Các nhà đầu tư dĩ nhiên vô cùng hạnh phúc. Kể từ khi triển vọng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn gây ra đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ vào tháng 11/2021, diễn biến giá cổ phiếu của Microsoft tốt hơn tất cả các đối thủ lớn, chỉ sau Apple.

    Giờ đây, CEO Nadella đang tiến hành một cuộc tái tổ chức táo bạo khác, lần này là về trí tuệ nhân tạo (AI). Phần lớn nhờ vào khoản đầu tư vào OpenAI, công ty khởi nghiệp đằng sau ChatGPT, Microsoft đã trở thành công ty cung cấp các công cụ AI, chứ không phải là Alphabet, công ty mẹ của Google hay Meta, công ty mẹ của Facebook như nhiều người nghĩ.

    Các chuyên gia đều nhận định, AI có thể đẩy Microsoft vươn lên cao hơn nữa, giúp hãng này giành lại ngôi vị công ty lớn nhất thế giới từ tay Apple. Và theo The Economist, sự tái sinh ngoạn mục, đáng chú ý của Microsoft mang đến những bài học rộng hơn cho các doanh nghiệp nói chung.

    Từng suýt thất bại giống Kodak, BlackBerry vì chỉ sống dựa vào Windows, Microsoft tái sinh ngoạn mục nhờ tuân theo 3 bài học quan trọng - Ảnh 2.

    Đầu tiên là sự cảnh giác. Khi Steve Ballmer tiếp quản Bill Gates vào năm 2000, Windows là thứ bất khả xâm phạm tại công ty. Kết quả là Microsoft đã không khai thác được những thay đổi lớn trong công nghệ, chẳng hạn như sự xuất hiện của điện thoại thông minh và điện toán đám mây. Cách tiếp cận như vậy có thể dễ dàng khiến họ rơi vào con đường giống như Kodak hay BlackBerry.

    Nhưng dưới thời ông Nadella, người nhận thức sâu sắc về tình trạng tụt hậu của công ty, Microsoft đã trở nên hết sức cảnh giác trước những công nghệ mới đầy hứa hẹn. Điều đó đã chuẩn bị cho họ di chuyển nhanh chóng với AI.

    Bài học thứ 2 là các doanh nghiệp không cần phải tự mình phát minh. Microsoft rất thành thạo trong việc tìm ra cách tổng hợp và bán các công nghệ được tạo ra ở nơi khác. Tại sự kiện ở New York, công ty đã ra mắt “Copilots”, trợ lý giống ChatGPT, dành cho nhiều dịch vụ phần mềm khác nhau. Cốt lõi của họ là khả năng của các công cụ của OpenAI kết hợp với mô hình kinh doanh điện toán đám mây do Amazon tiên phong.

    Microsoft hiện muốn áp dụng công thức tương tự vào hoạt động kinh doanh game của mình. Họ có kế hoạch kết hợp công nghệ đám mây của mình với linh vực game và chuyên môn của Activision Blizzard – một công ty mà họ đang muốn thâu tóm. Việc mua lại công ty này dường như có nhiều khả năng xảy ra hơn khi các cơ quan tín thác của Anh đã ra hiệu rằng họ hài lòng với thỏa thuận này.

    Hãy so sánh cách tiếp cận này với cách tiếp cận của Google – một công ty vốn bị ám ảnh bởi phát minh. Công ty này đã lỗ hoạt động tích lũy 24 tỷ USD trong mảng kinh doanh "Các kế hoạch đầu tư lớn khác" (Other Bets) kể từ năm 2018. Amazon cũng đã đầu tư rất nhiều vào các công nghệ có sức hấp dẫn khoa học viễn tưởng nhưng có cho đến nay vẫn chưa giành được khách hàng. Màn hình ba chiều cho điện thoại thông minh của họ đã thất bại và việc áp dụng công nghệ quét lòng bàn tay tại các cửa hàng tạp hóa của họ phát minh ra còn khá chậm chạp. Chưa kể, cả Amazon và Google đều đã ném tiền vào linh vực máy bay không người lái giao hàng mà chưa thu về bất kỳ kết quả nào.

    Bài học cuối cùng là việc tiếp xúc với thị trường chứng khoán sẽ tạo ra kỷ luật cần thiết để kiềm chế các nhà sáng lập. Mark Zuckerberg, ông chủ của Meta, đã mất 40 tỷ USD để xây dựng giấc mơ thực tế ảo của mình và thậm chí còn có kế hoạch chi nhiều hơn nữa. Mark có thể làm điều này vì các loại cổ phần kép mang lại cho anh ta 61% quyền biểu quyết.

    Tương tự, những người sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page, nắm giữ 51% quyền biểu quyết tại Alphabet, điều này có thể giải thích tại sao công ty gặp khó khăn để phát triển vượt ra ngoài lĩnh vực tìm kiếm. Ngược lại, Apple và Microsoft đã lâu đời hơn, không còn bị thống trị bởi những người sáng lập của họ nữa và có giá trị hơn rất nhiều.

    Dĩ nhiên, sẽ có những trường hợp phản tác dụng. Đôi khi nỗi ám ảnh của người sáng lập biến họ thành kẻ quay cuồng kiếm tiền. Và quá nhiều hoang tưởng có thể gây ra sự mất tập trung. Tuy nhiên, Microsoft là ví dụ hiếm hoi về một gã khổng lồ đã thực hiện một lần tái sinh thành công và – nếu việc đặt cược vào AI của họ tiếp tục thành công – họ vẫn có thể tiến xa hơn nữa. Sự trở lại đáng chú ý của Microsoft sẽ rất đáng để các doanh nghiệp khác nghiên cứu, học hỏi.

    Theo: The Economist

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ