Từng tuyên bố Apple đã hết thời, tỷ phú Trung Quốc vừa tuyên bố giảm lương xuống 1 nhân dân tệ để đối phó với thời kỳ kinh doanh khó khăn
Đến nay, chỉ 8 tháng sau tuyên bố chê Apple hết thời và chậm đổi mới, tỷ phú Jia đã đổi giọng khiêm tốn hơn “Mọi người đều biết Leshi là cuộc sống của tôi. Nếu Leshi chết, sự giàu có của tôi không còn ý nghĩa gì nữa. Và tất nhiên, cuộc sống của tôi cũng trở nên vô nghĩa”.
Jia Yueting là tỷ phú giàu thứ 17 Trung Quốc, nắm trong tay công ty LeEco sản xuất các thiết bị như smartphone, TV thông minh. Mới đây, công ty này ra mắt xe điện thách thức Tesla. Nhằm mở rộng đế chế công nghệ của mình, tỷ phú này không ngần ngại “chê bai” và thách thức các gã khổng lồ công nghệ khác trên thế giời.
Trong một chương trình xuất hiện trên tivi hồi tháng 4, tỷ phú 43 tuổi đã gây bão khi lớn tiếng chê Apple hết thời, chỉ trích Jack Ma và tuyên bố sẽ vượt mặt Elon Musk.
Vài tháng sau tuyên bố gây bão này, trong lá thư dài gửi đến nhân viên, Jia đã phải thừa nhận rằng công ty đang mở rộng quá nhanh sang các lĩnh vực như điện thoại smartphone, xe điện cũng như tham gia nhiều liên doanh khác khiến cho nguồn tiền bị cạn kiệt.
Jia cam kết sẽ tự cắt giảm lương của bản thân xuống còn 1 Nhân Dân Tệ (khoảng 15 cents) và thông báo với toàn bộ nhân viên về giai đoạn khó khăn sắp tới mà họ sẽ phải cùng nhau vượt qua.
“Chúng ta phải tiến về phía trước bằng mọi giá. Nhu cầu tiền mặt của công ty đang tăng vọt và chúng ta đã vượt quá giới hạn trong chiến lược tăng trưởng toàn cầu” – tỷ phú 43 tuổi cho biết.
Hiện tại cuộc khủng hoảng tiền mặt của LeEco đang lan rộng. Hai nhà cung cấp phần mềm Đài Loan đều cảnh báo công ty này vì chậm thanh toán. Một nhà cung cấp khác là MediaTek Inc cũng yêu cầu công ty thanh toán tiền mặt mới giao hàng.
Mảng xe điện cũng là một thử thách với LeEco. Ông Jia từng giới thiệu mẫu ô tô điện mang tên LeSee và nhận được hơn 1 tỉ USD tiền từ các tổ hợp đầu tư rót vào việc sản xuất chiếc xe này. Song trong lá thư gửi nhân viên hôm 7/11, ông cho hay bộ phận làm ô tô đã hoang phí hết 10 tỉ CNY chỉ trong giai đoạn đầu của dự án.
Jia Yueting là tỉ phú tự thân lập nghiệp. Ông sinh ra ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc và khởi đầu sự nghiệp trong mảng công nghệ thông tin tại một văn phòng thuế địa phương. Ông sáng lập Leshi Internet Information & Technology năm 2004. Đây là một trong những công ty Trung Quốc đầu tiên phát chương trình ti vi và phim ảnh cho những người đăng ký trả tiền. Jia gia nhập mảng kinh doanh ti vi thông minh năm 2013 và nhảy vào thị trường smartphone năm 2015.
Tuy nhiên, đế chế công nghệ đang lớn mạnh của Jia lại dựa trên nền tảng tài chính mong manh và chứa đựng nhiều rủi ro. Leshi được niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến nhưng giá trị của cổ phiếu của công ty này đã giảm hơn 30% từ đầu năm 2016.
“Việc mở rộng hoạt động của chúng tôi đang đốt quá nhiều tiền trong khi khả năng huy động vốn không mạnh. Quy mô huy động vốn bên ngoài gặp khó trong việc đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển nhanh chóng” - Jia Yueting cho hay.
Bất chấp những khó khăn hiện tại, mảng kinh doanh video của Leshi tiếp tục tăng trưởng mạnh do nhu cầu xem các chương trình tivi, phim và clip ngắn online của Trung Quốc đang tăng cao. Theo ước tính của Bloogberg, doanh thu mảng video của Leshi đã tăng 80% trong năm nay và đạt 23,4 tỷ CNY trong khi đó thu nhập ròng cũng tăng 37% lên 783,3 triệu CNY.
Bên cạnh đó, Jia Yueting cũng cho biết, để bảo vệ quyền lợi cho công ty và các cổ đông, Leshi sẽ tạm ngừng giao dịch để giải quyết các vấn đề bất ổn. Ông cam kết sẽ hướng doanh nghiệp về tốc độ mở rộng chậm hơn và để công ty đi vào giai đoạn tăng trưởng từ tốn hơn.
Giới phân tích bắt đầu đặt nghi vấn về triển vọng dài hạn của LeEco vì mức phụ thuộc vào các khoản vay cùng sự mù mờ của các khoản đầu tư được những công ty con của hãng thực hiện. Coolpad, hãng lắp ráp điện thoại LeEco và thương hiệu riêng của mình, cũng có cổ phiếu trượt xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm.
“Công ty mở rộng quá nhanh. Họ có tham vọng lớn tạo ra hệ sinh thái cho nhiều thiết bị khác nhau, không chỉ cho điện thoại, ti vi mà còn cho cả ô tô. Họ có tham vọng và cần cắt giảm một vài danh mục để duy trì dòng tiền” - Sandy Shen, giám đốc nghiên cứu của hãng Gartner nói.
Trước sức ép về nhu cầu tiền mặt, tỷ phú Jia cho biết LeEco sẽ lập tức bắt đầu các chương trình giảm chi phí, hạ hỗ trợ cho khách hàng và tập trung vào các doanh nghiệp hiện có thay vì công ty mới. Đồng thời, ông cũng tiếp tục huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài.
Cuộc khủng hoảng tiền mặt của LeEco cũng được dự báo sẽ làm “tổn thương” các lĩnh vực khác, chẳng hạn như thương vụ thâu tóm nhà sản xuất tivi Vizio ở California (Mỹ) trị giá 2 tỷ USD. Mặc dù được thông báo từ tháng 7 nhưng cho đến nay thương vụ này vẫn chưa có dấu hiệu hoàn tất và đại diện LeEco từ chối bình luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, đó không phải là thương vụ thâu tóm duy nhất mà LeEco đang thực hiện. Hồi tháng 5, công ty này cũng tuyên bố chi 9,8 tỷ CNY để mua lại Le Vision Pictures – đơn vị sản xuất và phân phối phim hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, phía LeEco cho biết, thương vụ này không thể hoàn tất trong năm nay vì lý do doanh thu phòng vé thấp hơn dự kiến.
Thậm chí, cơn khủng hoảng tiền mặt tại LeEco còn lan sang Mỹ. Năm ngoái, thống đốc bang Nevada đã ký quyết định phê duyệt dự án 335 triệu USD với cam kết cắt giảm thuế và nhiều ưu đãi khác cho công ty xe điện Faraday Future của tỷ phú Jia tại miền Bắc Las Vegas. Tuy nhiên, do thiếu nguồn tiền mặt nên việc xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD của Faraday Future đang bị trì hoãn và các điều khoản hợp đồng không được thực hiện.
Bên cạnh đó, Faraday Future cũng từng khiến người dùng thất vọng tại triển lãm xe điện đầu năm. Tất cả những gì xe điện này có là một thiết kế theo phong cách tên lửa quen thuộc, tệ hại hơn là nó không có khả năng hoạt động trong thực tế.
Đến nay, chỉ 8 tháng sau tuyên bố chê Apple hết thời và chậm đổi mới, tỷ phú Jia đã đổi giọng khiêm tốn hơn “Mọi người đều biết Leshi là cuộc sống của tôi. Nếu Leshi chết, sự giàu có của tôi không còn ý nghĩa gì nữa. Và tất nhiên, cuộc sống của tôi cũng trở nên vô nghĩa”.
Theo rí thức trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI