Với thế giới bây giờ, chúng ta phải đối diện với việc khủng hoảng cuộc sống sẽ xảy ra theo những vòng tròn 10 năm: Năm 20 tuổi khi ta bước vào đời, và năm 30 tuổi khi ta bước vào sự trưởng thành.
Khủng hoảng tuổi trung niên (mid-life crisis – chính xác là khủng hoảng giữa-đời) không còn là một thuật ngữ chính xác nữa. Với thế giới bây giờ, chúng ta phải đối diện với việc khủng hoảng cuộc sống sẽ xảy ra theo những vòng tròn 10 năm: Năm 20 tuổi khi ta bước vào đời, và năm 30 tuổi khi ta bước vào sự trưởng thành. Hôm nay, chúng ta sẽ nói chuyện về khủng hoảng tuổi 30 đầy mới mẻ ấy. Chính xác hơn là, tôi sẽ chia sẻ cho bạn cuộc khủng hoảng của tôi.
Tôi bước vào những năm 20 tuổi với một sự tự tin không giấu giếm. Chưa kể tới việc có nhiều kiến thức sống hơn bạn bè đồng trang lứa, tôi nhận thức được rõ ràng lợi thế của mình so với cả nhiều anh chị lớn tuổi hơn: có trải nghiệm với công việc sớm hơn, biết kiếm tiền sớm hơn, được tiếp xúc với xã hội sớm hơn, và quan trọng hơn cả là có nhiều kiến thức hơn, nhờ sự tiếp cận với internet từ những năm cấp 2. Tôi tin chắc mọi người ở cùng thế hệ với mình đều trải qua sự tự tin này, dù ít hay nhiều – chúng tôi là thế hệ đánh dấu sự bắt đầu của một “thế giới phẳng” nhờ internet, với một lối sống cởi mở và bất tận thông tin để tìm hiểu. Một thế hệ được lớn sớm, nhờ cơ hội quan sát cuộc sống của những-người-khác qua màn hình máy tính và sự kết nối dễ dàng với những người xung quanh.
Thế nhưng có một điều tới gần đây tôi mới hiểu: sự trưởng thành đến và chỉ đến thông qua sự quan sát và kết nối với chính bản thân mình. Khi không có quá nhiều điều kì thú để nhìn ngắm và thảo luận, sự kết nối với bản thân đến một cách tự nhiên hoàn toàn. Thế nhưng trong một thế giới mới luôn có một điều gì đó giật gân hơn, mới mẻ hơn, thì sự kết nối này lại bị trì hoãn vô thời hạn. Đặc biệt là khi không có ai đi trước để nói cho bạn biết rằng bạn phải tắt điện thoại đi, và đối diện với những vấn đề của chính bản thân mình trước khi quá muộn.
Và như thế, tôi chính thức thuộc về một thế hệ lớn sớm và trưởng thành muộn.
Tôi có 3 người bạn thân, chơi trong một nhóm 4 người vô cùng thân thiết. Giới thiệu về chúng tôi trong năm 18 tuổi giống hệt nhau: 4 học sinh giỏi của một ngôi trường cấp 3 chất lượng cao. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, hai người đi du học, hai người học đại học quốc tế tại Việt Nam.
Tới năm 22 tuổi, giới thiệu về chúng tôi lần lượt như sau:
Một người đã nổi tiếng lẫy lừng sau một bài hát tự sáng tác được tất cả mọi người thích thú. Vào thời điểm 22 tuổi, bạn chỉ cần đăng một tấm ảnh là có thể dễ dàng đạt hàng ngàn like, và thu nhập thì chẳng cần phải nói tới. 24 tuổi, bạn tự mua căn nhà đầu tiên của mình ở trung tâm thành phố.
Một người vẫn chưa tốt nghiệp do vừa học vừa kinh doanh, và đã có 2 cửa hàng luôn tấp nập khách tại Hà Nội bên cạnh công việc tay trái từ những năm cấp 3. Bạn tự chủ hoàn toàn về tài chính, và đã ngừng nhận trợ cấp của gia đình từ năm lớp 11.
Một người đã về nước sau khi kết thúc việc học nhưng không tìm được việc từ những công ty bạn mong muốn. Bạn về nước đi làm thực tập sinh cho một tập đoàn quốc tế, học về kinh doanh nhưng phải tập làm nhân viên bán hàng, lương thực tập vừa đủ tiền thuê nhà và xăng xe.
Một người đã tốt nghiệp chuyên ngành truyền thông, và bắt đầu làm từ vị trí junior copywriter trong một agency về quảng cáo.
Dù muốn hay không, tôi biết bạn hiểu tôi đang sắp xếp vị trí giới thiệu của từng người theo thứ tự gì. Vào những năm đầu 20 tuổi, chúng ta thường hay hiểu lầm rằng cuộc sống đã an bài theo một cách nào đó.
Hãy nhảy cóc tới thời điểm hiện tại, chúng tôi 28 tuổi:
Người bạn đầu tiên đã gần như dừng hoạt động trong ngành giải trí, và chỉ nhận quảng cáo cho các thương hiệu phù hợp. Bạn đang ấp ủ một album cá nhân, nhưng cái bóng của thành công 6 năm trước giờ đây trở thành một gánh nặng không dễ dàng vượt qua.
Người bạn thứ hai giờ đây đã có một công việc ổn định, sau khi trải qua đủ những thăng trầm của kinh doanh cá nhân. Bên cạnh công việc văn phòng, bạn vẫn duy trì việc kinh doanh, nhưng không còn thuận lợi như thời điểm thị trường còn ít cạnh tranh.
Người bạn thứ ba giờ đây đã có mức lương 9 con số, sau 2 lần thăng chức trong 3 năm làm việc tại một tập đoàn hàng đầu thế giới. Quãng thời gian thực tập ở nhiều vị trí có tính thực tế cao cho bạn một lợi thế lớn so với các ứng viên khác khi phỏng vấn vào công ty – bạn được đánh giá là người bền bỉ, dám làm, dám chịu khó khăn.
Người bạn thứ tư thì đã là một trưởng nhóm trong agency quảng cáo, và chuẩn bị kết hôn. Sau nhiều thay đổi và trải nghiệm tại các vị trí khác nhau, bạn đã tìm được công việc phù hợp nhất với những gì mình yêu thích. Bạn cũng là người duy nhất vẫn đang có một mối quan hệ lâu dài, hạnh phúc, và đã sẵn sàng tiến tới hôn nhân.
Vào những năm cuối 20 tuổi, bạn sẽ trải qua nhiều bất ngờ.
Bất ngờ vì mình đã bỏ xa những người ngày xưa còn học cùng lớp biết bao nhiêu, và cũng bất ngờ vì những người vốn tưởng như “kém cỏi” hơn, giờ đã vượt qua mình tự bao giờ.
Bất ngờ vì hoá ra không phải cứ kiếm ra nhiều tiền hơn là “thắng”, và cũng bất ngờ vì hạnh phúc trong tình yêu cũng thực sự là một “bàn thắng” đáng ganh tị.
Đây là lúc tôi tìm thấy trong lòng mình hỗn độn câu hỏi về những gì đã qua và những gì sắp tới. Mình có phải đã lãng phí thời gian của những năm 20 tuổi không? Mình có đang dậm chân tại chỗ không? Sao bạn mình bây giờ giàu thế? Sao bạn mình lại có một mối quan hệ hạnh phúc thế? Bây giờ mình đầu tư cho một tình yêu nghiêm túc thì có muộn không? Hoặc bây giờ mình đầu tư vào một công việc ổn định thì còn kịp không? Hoặc bây giờ mình bắt đầu kinh doanh thì có được không?
Thực sự là một chuỗi bất tận.
Khi đối diện với những câu hỏi này, mới là lúc tôi thực sự nhận ra mình đang chính thức bước vào giai đoạn trưởng thành đã nói ở trên. Là lúc chúng ta đều cần phải thừa nhận rằng không chỉ cuộc đua năm 20 tuổi đã thay đổi kết quả, mà còn là một thực tế cần chấp nhận: thực sự thì cuộc đua này sẽ không bao giờ kết thúc. Đến năm 30, 35, 40 tuổi, mọi chuyện có thể sẽ lại hoàn toàn khác. Việc mãi mãi nhìn kết quả của người khác sẽ không bao giờ mang lại điều gì có ích, và cuộc đua duy nhất chúng ta cần quan tâm là cuộc đua với chính bản thân mình.
Một điều dễ để nói, khó để làm, nhưng không có nghĩa là không thể. Đó là con đường phải đi để vượt qua khủng hoảng của sự so bì – một trong những khủng hoảng lớn nhất tuổi cận kề 30.
Một câu hỏi tưởng chừng vô cùng xa vời, có thể được đặt vào đầu bạn trong chuỗi khủng hoảng tuổi 30 bởi những sự kiện tưởng như hiển nhiên nhất. Với tôi, đó là nhiều hơn một sự kiện: là khi cô bạn thân của tôi mang bầu, và là khi một cậu bạn thân khác nữa quyết định sang Úc định cư.
Tất cả những sự kiện đó đều đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời họ, và bởi vậy, đều có ảnh hưởng sâu sắc tới cả cuộc sống lẫn suy nghĩ của tôi. Từ cách ăn uống, thời gian sinh hoạt, cho tới thói quen cafe cùng nhau lúc rảnh của tôi thay đổi hoàn toàn khi người đồng hành quen thuộc của mình bỗng mang bầu. Nhìn cách người bạn thân của mình tranh thủ từng giờ đồng hồ để làm một điều gì đó thuận lợi hơn cho thai kì, chuẩn bị kĩ lưỡng hơn cho em bé, khiến tôi cảm thấy mình như một người nông cạn và hời hợt trong một cuộc sống không phương hướng. Tương tự với người bạn đi định cư, bạn kể cho tôi nghe bức tranh về cuộc đời bạn – một công việc ổn định đang chờ, đón bố mẹ sang sau 3 năm, và một thành phố có sẵn cộng đồng người Việt cũng như trường học tốt cho vợ con bạn sau này. Đối với bạn, quan trọng nhất là công việc ổn định, môi trường nước ngoài bình yên và sức khoẻ của bố mẹ. Trong khi ấy, tôi vẫn chỉ lo về việc bài thuyết trình tuần sau sẽ thế nào, chẳng khác gì những việc tôi đã làm trong một năm trước, và khả năng cao là sẽ tiếp tục làm trong giờ này năm sau. Khái niệm “giết thời gian” khi rảnh giờ đây bỗng cảm thấy như một tội lỗi, và cuộc sống ổn định bỗng trở thành một vòng quay luẩn quẩn vô định.
Cuộc đua với chính mình sẽ đi đến đâu, có cái đích là gì? Cuối cùng thì tôi đang sống vì điều gì?
Tôi tìm thấy câu trả lời trong một dự án công việc, một dự án yêu cầu tôi phải nói chuyện với rất nhiều người thành đạt để thực hiện sự kiện cho một sản phẩm cao cấp. Tôi đã nghĩ, còn ai ở một vị trí tốt hơn để nói cho mình về mục đích sống hơn là chính những người đã đạt được cuộc-sống-trong-mơ?
Với cùng một thảo luận về mục đích sống, các câu trả lời tôi nhận được là:
“Đương nhiên không thể nói là mình không cần tiền. Nhưng động lực lớn nhất của anh bây giờ là duy trì thu nhập tốt cho mọi nhân viên của mình, vì điều đó là yếu tố sống còn tới chất lượng sống của gia đình họ.”
“Anh chỉ muốn gia đình, bố mẹ, vợ con mình khoẻ mạnh, hạnh phúc. Có thể lý tưởng sống của anh từng là xây dựng một đế chế, nhưng thực sự công việc của anh cũng tốt hơn khi anh không hướng về nó như trước. Nếu phải lựa chọn, anh sẵn sàng sống một cuộc sống viên chức bình thường để ở gần gia đình mình.”
“Anh phải cho người Việt thấy một sản phẩm tốt hơn, toàn năng hơn, tiết kiệm hơn. Anh không cần là lựa chọn của tất cả mọi người, nhưng anh phải tạo ra được một thị trường cạnh tranh thực sự với sản phẩm của mình. Người Việt xứng đáng có một thị trường như vậy.”
Khi bắt đầu cuộc thảo luận, tôi thừa nhận rằng mình đã thầm hi vọng rằng mình sẽ nghe được một câu trả lời hoàn hảo, và sẽ lấy luôn câu trả lời ấy làm mục đích sống cho bản thân. Như là trong phim vậy.
Nhưng không.
Những câu trả lời không hề giống nhau ấy khiến tôi nhận ra hai điều:
Một là, càng trưởng thành, tiền nên đóng một vai trò càng nhỏ trong cuộc sống. Nếu có thể, hãy ổn định thu nhập và các khoản tiết kiệm cho bản thân càng sớm càng tốt.
Hai là, không có thứ gọi là “mục đích sống hoàn hảo". Vào mỗi thời điểm khác nhau, mục đích sống của bạn sẽ thay đổi để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và đây mới là điều quan trọng: sau khi đã tạo được một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, bạn cần tiếp tục cố gắng tạo cuộc sống tốt đẹp cho người thân và cả những người xung quanh mình. Lan toả sự hạnh phúc, sự tích cực, và động lực để những người ấy tiếp tục xây dựng cuộc sống của chính mình. Đó chính là mục đích sống.
Tôi không thể lí giải hết tại sao, nhưng tôi biết điều ấy đúng ngay khi kết luận đó bật lên trong đầu. Tôi biết những người thành đạt và được xã hội nể trọng – chứ không chỉ đơn thuần là những người giàu có – đều là những người đang theo đuổi mục đích sống ấy. Và tôi cũng biết, bước đầu tiên của việc thực hiện mục đích sống ấy chính là định nghĩa với bản thân mình: đối với chính mình, thế nào là một cuộc sống tốt đẹp? Giá trị gì với mình là quan trọng nhất? Mình nhất định phải có điều gì, và sẵn sàng buông bỏ điều gì? Cuối cùng, làm thế nào để đạt được cuộc sống ấy?
Những câu hỏi này có lẽ đã dễ trả lời hơn nhiều, và hi vọng chúng có thể khép lại khủng hoảng tuổi 30 của tôi. Của tất cả chúng ta.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming