Tương lai tiền điện tử sau sự sụp đổ của FTX

    Hà Linh, Báo tin tức 

    Trong tháng 12, "ông trùm tiền điện tử" Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành (CEO) của FTX - đã bị dẫn độ sang Mỹ và đối mặt với nhiều tội danh. Sự sụp đổ của FTX đã làm dấy lên băn khoăn về tương lai của tiền điện tử.

    Tương lai tiền điện tử sau sự sụp đổ của FTX - Ảnh 1.

    Biểu tượng của sàn giao dịch tiền kỹ thuật số FTX trên màn hình máy tính. Ảnh: AFP/TTXVN

    Tháng 11 vừa qua, FTX và các công ty con của sàn giao dịch này tại Mỹ đã nộp đơn xin phá sản và ông Bankman-Fried từ chức CEO của FTX. FTX sụp đổ chỉ sau vài ngày nhà đầu tư liên tục rút tài sản khỏi các ví tiền đồng thời bị sàn giao dịch Binance từ chối mua lại.

    Trong quá trình điều tra sau đó, công tố viên phát hiện các chi tiết đáng ngờ về dòng tiền giữa FTX với quỹ phòng hộ tiền điện tử Alameda Research (cũng do ông Bankman-Fried sáng lập). Đồng thời, FTX cũng vướng nghi án chiếm dụng tiền gửi của khách hàng.

    Trong phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ về Dịch vụ Tài chính, ông John Jay Ray III, người chịu trách nhiệm tái cấu trúc sàn giao dịch điện tử FTX đã được yêu cầu so sánh FTX với Enron, một sự cố tài chính khác mà ông từng tham gia khắc phục. Ray nói: “Đây chỉ đơn giản là một hành vi tham ô cũ. Không phức tạp chút nào”. FTX lấy tiền của khách hàng và sử dụng nó cho mục đích riêng.

    FTX và quỹ phòng hộ tiền điện tử Alameda Research đều hoạt động bên ngoài Bahamas mà không có sự giám sát nào. Ít nhất 8 tỷ đô la tiền của khách hàng hiện đang “mất tích”. Điều này khiến những người đam mê tiền điện tử phải suy nghĩ lại về tương lai của tài chính và các chính trị gia kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn đối với không gian tiền điện tử.

    Liệu đây có phải cái kết của tiền điện tử?

    “Ở thì hiện tại thì đúng vậy”, Frances Coppola - nhà bình luận kinh tế và tài chính độc lập, nhận định với Al Jazeera. Bà chỉ ra rằng trong 14 năm tồn tại, thế giới tiền điện tử đã không tạo ra bất kỳ trường hợp sử dụng quan trọng nào trong thế giới thực ngoài việc cung cấp tài chính cho tội phạm. Nó chủ yếu là một khoản đầu tư mang tính đầu cơ, chỉ hoạt động miễn là đồng USD thực được đưa vào hệ thống.

    Bà phân tích: “Giờ đây, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang nhanh chóng tăng lãi suất. Có một sự siết chặt thanh khoản đang diễn ra trên thị trường toàn cầu và tiền đang bị hút ra khỏi các tài sản rủi ro”. Bà Frances Coppola đánh giá trong thời gian dài tới, tiền kỹ thuật số sẽ khó quay lại mức giá cao như một năm trước. Theo bà, giá tiền kỹ thuật số sẽ giảm hơn nữa.

    Tương lai tiền điện tử sau sự sụp đổ của FTX - Ảnh 1.

    Samuel Bankman-Fried, người sáng lập và Giám đốc điều hành FTX . Ảnh: AFP/TTXVN

    Giáo sư Carol Alexander tại Đại học Sussex (Anh) không cho rằng tiền kỹ thuật số sẽ biến mất hoàn toàn. Bà lập luận: “Chúng ta đang trải qua nạn khủng hoảng rơi rụng tương tự như vỡ bong bóng dot-com với nhiều công ty nhỏ vỡ nợ”. Bong bóng dot-com xảy ra trong giai đoạn 1995 - 2000. Nó đã dẫn đến một cuộc suy thoái do đầu tư mang tính đầu cơ cao vào các công ty công nghệ. Bong bóng vỡ vào đầu năm 2000 sau khi các nhà đầu tư nhận ra rằng nhiều công ty trong số này có mô hình kinh doanh không khả thi.

    Giáo sư Charles Whitehead tại Trường Luật Cornell ở New York đồng tình với quan điểm trên. Ông nhận định với Al Jazeera: “Có thể còn quá sớm để nói về cái chết của tiền điện tử, nhưng rõ ràng chúng ta đã chậm trễ trong nỗ lực điều chỉnh nó”.

    Nhà nghiên cứu Nicholas Weaver tại Đại học California ở Berkeley, nói với Al Jazeera: “Hứa hẹn về lý thuyết tiền điện tử là một hệ thống thanh toán không chịu sự kiểm soát của các bên trung gian”.

    Ông John Stark Reed, từng làm việc tại Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ, nhận xét: “Hứa hẹn đối với tiền điện tử luôn là làm giàu nhanh chóng mà không cần nỗ lực, không cần kinh nghiệm và không có rủi ro”. Cách nói chuyện trôi chảy của Bankman-Fried cũng đóng vai trò trong việc khiến mọi người nghĩ rằng FTX là một cách an toàn để lưu trữ tiền của họ và an toàn cho một khoản đầu tư.

    Các nhà đầu tư rót tiền khiến giá trị của FTX lên tới 32 tỷ USD trong khi họ không nghiên cứu nhiều về hoạt động của công ty này. FTX đã thực hiện một đợt mua lớn từ cuối năm 2021 đến năm 2022, chi gần 5 tỷ USD cho vô số doanh nghiệp tiền điện tử. FTX cũng đã chi 256 triệu USD cho 35 tài sản ở Bahamas.

    Ông Weaver nói: “Tôi nghĩ rằng nhiều nhà đầu tư coi FTX là an toàn, ngay cả khi trên thực tế không có sàn giao dịch tiền ảo nào được quản lý đủ để coi là an toàn”.

    Hầu hết dòng tiền thực tế đổ vào tiền điện tử đã giảm vào năm 2021. Phần còn lại dừng lại vào tháng 5/2022, khi đồng TerraUSD sụp đổ.

    Một giả thuyết giữa các nhà phê bình là tất cả các sàn giao dịch tiền điện tử đều bị phá sản vì chúng được sử dụng quá nhiều đòn bẩy và chứa đầy các tài sản tiền điện tử không thể bán được, không có nhu cầu thị trường, nhưng vẫn được tính theo giá trị thị trường chứ không phải ở mức mà người bán có thể thực sự nhận được. Nếu điều đó là đúng, thì tương lai của tiền điện tử có thể liên quan đến nhiều công ty tiền điện tử khác nộp đơn xin phá sản.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày