Tương lai tươi sáng cho Samsung Pay tại Việt Nam
Không chỉ nhận được sự hợp tác hào hứng từ phía các ngân hàng, chủ trương của chính phủ Việt Nam cũng rất ủng hộ các giải pháp thanh toán như Samsung Pay.
Với vai trò là ví điện tử cũng như một trung gian thanh toán cho người dùng Việt Nam, nhiều người lo ngại rằng, khi hoạt động Samsung Pay đang có nhiều điểm tương đồng với một số nghiệp vụ ngân hàng, nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các tổ chức. Từ đó có thể dẫn tới việc giải pháp thanh toán di động này khó mở rộng độ phủ của mình tới các loại thẻ khác nhau, khi nhiều ngân hàng e ngại hợp tác với Samsung Pay.
Trên thực tế, trái ngược với nhận định như vậy, các ngân hàng Việt Nam lại thực sự hào hứng với giải pháp thanh toán này và sẵn sàng muốn áp dụng nó. Thậm chí, theo ông Thomas Ko, Giám đốc điều hành của Samsung Pay, rất khó để “tìm thấy bất kỳ sự cản trở nào từ phía các ngân hàng”. Trong buổi phỏng vấn cá nhân vào chiều ngày 6/11 vừa qua, ông Ko cũng cho biết thêm, điều này là do hai nguyên nhân:
Đầu tiên, là tình trạng gian lận. Trong khi tiền mặt đang là phương tiện thanh toán chủ yếu đối với người dùng Việt Nam, các ngân hàng rất khó kiểm soát và ngăn chặn được tình trạng gian lận trong thanh toán cũng như thu được lợi ích từ các dịch vụ phi tín dụng khác.
Trong khi đó, nhờ vào việc sử dụng công nghệ tokenization trong Samsung Pay, các ngân hàng hiểu rằng, phương thức thanh toán di động này sẽ trở nên bảo mật hơn nhiều – điều này cũng đồng nghĩa với việc tránh được gian lận tốt hơn. Họ biết rằng công nghệ này sẽ giúp giảm tổng thể tỷ lệ gian lận trong hoạt động thanh toán.
Ngoài ra, nguyên nhân thứ hai khiến các ngân hàng hào hứng tham gia vào hoạt động thanh toán di động này là các lợi ích tài chính. Các ngân hàng nhận ra rằng, “giao dịch bằng tiền mặt không mang lại doanh thu cho họ nữa,” thay vào đó, nó sẽ đến khi việc “thanh toán kỹ thuật số trở nên phổ biến hơn.” Đó cũng là lý do vì sao, họ đang thúc đẩy hoạt động thanh toán qua thẻ tín dụng, nhưng tỷ lệ chấp thuận không còn mạnh nữa, và thực ra đang gia tăng chậm hơn.
Đây là lúc họ nhận ra rằng, thanh toán di động có thể trở thành đòn bẩy cần thiết cho dịch vụ thanh toán của họ, nhất là khi có ngày càng nhiều người sử dụng smartphone hơn trên khắp cả nước. Nhưng họ không thể tự mình tận dụng đòn bẩy đó, và Samsung, với hàng triệu chiếc điện thoại đang được sử dụng trên khắp cả nước, cùng với giải pháp thanh toán di động an toàn đó, là điều mà họ cần.
Ông Thomas Ko cho biết. “Với công nghệ của mình, chúng tôi thuyết phục các ngân hàng rằng, đây là điều đúng nên làm. Cho đến nay, nó là một hành trình tuyệt vời khi tất cả các ngân hàng và NAPAS đã làm việc cật lực để biến việc thanh toán di động này trở thành hiện thực.”
Không những vậy, một yếu tố khác giúp củng cố thêm cho tương lai của Samsung Pay hay các giải pháp về thanh toán di động tại Việt Nam là sự ủng hộ từ chính phủ. Trong diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 diễn ra vào sáng ngày 06 tháng 11 vừa qua, ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, đã nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Nhà nước cho việc xây dựng một nền kinh tế không tiền mặt, tầm nhìn đến năm 2020.
Phó thủ tướng cho biết. “Tôi tin tưởng rằng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như chúng ta đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, mong muốn làm bùng nổ và phổ cập thanh toán di động, góp phần đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.”
Với chủ trương đó, rõ ràng Samsung Pay hay các giải pháp thanh toán di động khác sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ từ phía chính phủ và Nhà nước khi triển khai các dịch vụ và chính sách mới. Hiện tại, sau hơn một tháng triển khai tại Việt Nam (từ ngày 29 tháng 9 đến nay), đã có hơn 100.000 người đăng ký sử dụng Samsung Pay.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?