Tuyên bố không sở hữu nhà, Elon Musk lại ‘phím’ mua nhà và cổ phiếu thay vì đồng USD giữa lạm phát tăng cao

    Thiên Di, Theo Nhịp sống kinh tế 

    Ngày 14/3, Elon Musk lại tiếp tục khuyên những người theo dõi trên Twitter nên sở hữu “vật chất” khi lạm phát cao.

    Elon Musk ngày 14/3 khuyên rằng tốt hơn nên sở hữu "vật chất" như nhà cửa và cổ phiếu. Song, Musk cho biết sẽ không bán lượng Bitcoin, Ether và Dogecoin ông đang nắm giữ.

    Elon Musk, CEO của Tesla và SpaceX đồng thời là người giàu nhất thế giới, gợi ý rằng tốt hơn hết là sở hữu những thứ vật chất thay vì đô la Mỹ khi lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, ông lại dành một ngoại lệ cho tiền điện tử.

    Trong chủ đề thảo luận về lạm phát trên Twitter, Musk viết: "Về nguyên tắc chung, đối với những người tìm lời khuyên trong chuỗi thảo luận này, bạn nên sở hữu những thứ vật chất như nhà hoặc cổ phiếu ở những công ty mà bạn cho là có sản phẩm tốt hơn là đồng đô la khi lạm phát tăng cao".

    Ông viết thêm: "Tôi vẫn sở hữu và sẽ không bán Bitcoin, Ethereum hoặc Dogecoin của mình".

    Theo Cục Thống kê Lao động, lạm phát ở Mỹ đạt 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982.

    Tesla và SpaceX đã "chứng kiến áp lực lạm phát đáng kể trong thời gian gần đây đối với nguyên liệu thô và logistic", Elon Musk hôm 14/3 cho biết.

    Vào tháng 5/2020, Musk thông báo rằng ông có kế hoạch bán "gần như tất cả" những của cải vật chất, bao gồm danh mục tài sản trị giá hàng triệu USD. Ông đã bán ngôi nhà cuối cùng của mình tháng 12/2021.

    Elon Musk là một người ủng hộ tiền điện tử. Musk thường xuyên lên tiếng ủng hộ Dogecoin và thảo luận về giá trị của tiền điện tử với những nhân vật hàng đầu trong ngành công nghệ.

    Tesla cho biết họ đã mua số Bitcoin trị giá khoảng 1,5 tỷ USD vào đầu năm 2021, để sử dụng như hàng rào chống lạm phát.

    Giá cổ phiếu của Tesla đã giảm khoảng 35% trong năm nay, khiến tài sản của Musk "bốc hơi" khoảng 1/4. Nhưng Elon Musk vẫn là người giàu nhất thế giới, với khối tài sản khoảng 206 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

    Giá hàng hóa đã tăng lên do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch. Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng trước đã làm tăng thêm căng thẳng từ phía nguồn cung đối với thị trường năng lượng, kim loại và ngũ cốc. Cả hai nước Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp hàng đầu thế giới.

    Theo BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ