Tuyệt mật như nhà máy Canon Oita - Nhật Bản
Nằm tại đảo Oita, Nhật Bản, cách xa Tokyo hơn 1 giờ bay về phía nam, nhà máy quan trọng bậc nhất của Canon có diện tích rộng lớn, tràn đầy màu xanh, không có bụi và cũng vắng bóng người qua lại.
Oita, một hòn đảo đặc trưng của nước Nhật, với núi lửa vẫn còn hoạt động, những cột khói rỉ lên từ lòng đất, những suối nước nóng thu hút du lịch từ khắp nơi trên thế giới, và là vùng đất của những cánh đồng lúa cùng những khu công nghiệp.
Ở Oita, cột điện xuất hiện dày đặc, quen thuộc như bất cứ miền đất nào tại Việt Nam. Đơn giản bởi vì, với những núi lửa vẫn hoạt động, động đất và có thể là những hiểm họa tới từ đại dương, cột điện là lựa chọn tốt hơn so với những hệ thống điện đặt dưới lòng đất. Sau mỗi thiên tai, người Nhật có thể tái thiết rất nhanh chóng và đưa cuộc sống về với quỹ đạo bình thường.
Khuôn viên nhà máy Canon đặt tại Oita, Nhật Bản.
Tôi có thể chụp ảnh thoải mái trên đường từ sân bay Oita tới nhà máy của Canon đặt tại đảo này, nhưng khi bắt đầu nhìn thấy logo Canon, ngay lập tức những chiếc máy ảnh được yêu cầu tắt máy, đóng nắp và cho vào túi. Nhà máy Canon Oita có thể nói là căn cứ địa “tuyệt mật” của Canon, hoặc cũng có thể nó là cách người Nhật thường làm: sự nghiêm túc và kỷ luật như sắt thép.
Trên diện tích rộng hơn 20.000 mét vuông, nhà máy Canon Oita là một khuôn viên không có nhà cao tầng, rất xanh với nhiều cây cỏ, và thậm chí có cả những động vật quý hiếm, được nuôi dưỡng và thả về tự nhiên khi đã cứng cáp. Những căn phòng cũng được bố trí nhiều cửa kính, với ánh sáng luôn ngập tràn, vừa tiết kiệm năng lượng chiếu sáng, vừa tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên hơn cho những người làm việc tại đây.
Cổng vào nhà máy Canon Oita.
Sau những cái cúi đầu đầy trân trọng và những nụ cười mến khách của tất cả những người gặp mặt, tôi có thể bước vào bên trong nhà máy, một không gian yên tĩnh, vắng vẻ hơn so với bất kỳ nhà máy nào tại Việt Nam.
Sau một vài thủ tục cần thiết về mặt an ninh và vệ sinh, tôi được tham dự một tour giới thiệu nhà máy, do những người phụ trách từng khu vực dẫn dắt và trình bày, tha hồ đặt câu hỏi và chờ đợi sự giải đáp từ những chuyên gia tốt nhất tại nhà máy Canon Oita.
Nhà máy Canon Oita là nơi trực tiếp làm ra những sản phẩm tạo nên danh tiếng của Canon trên toàn thế giới, gồm các dòng máy ảnh EOS cao cấp nhất (1D X, 5D Mark III hay 6D), thấu kính và các ống kính EF, cùng một số dòng máy ảnh Compact và máy quay phim.
Rất nhiều khâu sản xuất máy ảnh tại nhà máy được sử dụng hoàn toàn bằng máy móc.
Những sản phẩm mới nhất và quan trọng nhất của Canon đang được cư dân chơi ảnh chờ đợi từng ngày là EOS 1D X Mark II, EOS 80D hay ống kính EF-S 18-135mm f/3.5-5.6 IS USM, với công nghệ Nano cho phép lấy nét siêu nhanh, đều được sản xuất tại đây.
Tại khu vực sản xuất máy ảnh, chỉ có hơn chục kỹ sư làm việc, phần còn lại là hàng dài những máy móc hoạt động liên tục không biết mệt để cho ra đời những chiếc EOS. Ở Canon, máy móc đã thay thế con người trong dây chuyền sản xuất máy ảnh tại rất nhiều khâu, từ lắp ráp, tới kiểm tra các tính năng sản phẩm, đều được những cỗ máy thực hiện nhanh chóng và chính xác.
Những chiếc máy ảnh tốt nhất của Canon đều được làm ra tại nhà máy Canon Oita.
Để ngăn bụi từ hộp giấy khi đóng gói, khu vực này được đặt liền kề với dây chuyền sản xuất thân máy, nhưng tách riêng bởi những tấm chắn, và những chiếc máy đã hoàn thiện cùng kỹ sư được đi qua một đoạn đường “khử bụi” trước khi bước vào khu đóng hộp. Rất nhiều quạt hút bụi được lắp đặt trong khu vực sản xuất, bởi đối với một sản phẩm như máy ảnh, bụi là kẻ thù không đội trời chung.
Tại khu vực sản xuất bảng mạch, số lượng kỹ sư còn hạn chế hơn. Máy móc gần như đã thay thế hoàn toàn những công việc của con người ở khu vực này. Những bảng mạch được dập keo mỏng chỉ bằng sợi tóc, với nhiệt độ rất cao, gắn các chi tiết điện tử và sau đó làm nguội để chúng dính chặt với nhau. Những cánh tay robot siêu nhỏ thực hiện nhiều thao tác sản xuất bảng mạch cùng lúc, và đồng thời kiểm tra luôn độ chính xác.
Khu vực tuyệt mật nhất của nhà máy Canon Oita có thể là khu vực sản xuất thấu kính và các ống kính EF. Những công nghệ sản xuất thấu kính luôn là bí mật sống còn của từng nhà sản xuất máy ảnh, để tạo nên những ống kính tốt hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của khách hàng.
Từ khâu dập tạo hình thấu kính, mài bóng, sơn, tráng… đều được làm cẩn thận và tỉ mỉ bởi các máy móc chuyên dụng. Không có nhiều câu trả lời được đáp ứng tại khu vực này, bởi gần như mọi thứ đều là bí mật. Những thấu kính sau khi ra lò tại đây đều ở trạng thái hoàn hảo, trong suốt, được sơn chống chói, sơn chống thấm đọng nước, và tất nhiên là không thể dính bụi. Sau đó nó được lắp ráp với nhau để tạo thành những ống kính hoàn thiện.
Toàn bộ dây chuyền sản xuất máy ảnh, thấu kính, ống kính EF của Canon tại nhà máy đặt tại Oita đều do chính nhà máy này phát triển, sự bí mật tuyệt đối có lẽ là bí quyết để Canon hiện vẫn là ông lớn chiếm vị trí cao nhất trong lĩnh vực hình ảnh và quang học trên thế giới.
Theo Tiền Phong
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"