Tỷ phú đứng sau Signal và Telegram - 2 ứng dụng 'gây bão' thời gian qua
Cùng với việc đang ngày một trở nên phổ biến hơn, Telegram và Signal còn có thêm một điểm chung: đều là sản phẩm được hậu thuận bởi tỷ phú công nghệ trẻ tuổi và giàu lý tưởng.
Năm 2018, tỷ phú Brian Acton, đồng sáng lập của ứng dụng WhatsApp đã có những động thái hết sức quyết liệt. Bất mãn với những chính sách của Facebook kể từ khi gã khổng lồ này mua lại WhatsApp, tháng 3/2018, vài tháng sau khi rời khỏi Facebook, Brian Acton đã thể hiện rõ thái độ với công ty cũ bằng dòng tweet giận dữ: “Đã đến lúc xóa Facebook”. Động thái này xảy ra đúng thời điểm Facebook đang phải đối mặt với scandal về việc chia sẻ dữ liệu người dùng cũng như các vấn đề liên quan đến phát tán thông tin sai lệch.
Gần như cùng lúc, Acton đầu tư 50 triệu USD vào tổ chức phi lợi nhuận mới là Signal Foundation và giữ vai trò chủ tịch. Mục tiêu của tổ chức này là tài trợ cho ứng dụng Signal, cho phép người dùng gửi tin nhắn mã hóa đầu cuối.
Signal cung cấp cho người dùng phương thức giao tiếp dễ dàng, an toàn, ẩn danh hoàn toàn. Với nguồn vốn từ Signal Foundation, ứng dụng không cần lo lắng về kinh doanh quảng cáo - điều Acton không ưa ở Facebook. Trong một cuộc phỏng vấn với Forbes hồi năm 2018, tỷ phú Acton cho hay Signal sẽ giúp “các giao tiếp riêng tư trở nên phổ biến và dễ dàng truy cập”. Điều này đã phần nào đáp ứng được kỳ vọng của ông. Nhờ công cụ giao tiếp riêng tư, Signal trở thành ứng dụng phổ biến cho các nhà báo và nhà hoạt động, trong đó có những người lên kế hoạch cho cuộc biểu tình Black Lives Matter.
Nhưng, trớ trêu thay, ứng dụng này lại đang dần trở thành thiên đường kỹ thuật số cho người bảo thủ - giống như Facebook trước đây. Người dùng cánh hữu bị thu hút bởi khả năng lập kế hoạch và giao tiếp hàng loạt mà không bị kiểm duyệt của Signal. Signal mã hóa tin nhắn nên không có quyền truy cập nội dung của người dùng. Về lý thuyết, điều này có nghĩa việc hợp tác với các cuộc điều tra của cảnh sát là không thể.
“Việc sử dụng ứng dụng Signal và Telegram vô cùng nguy hiểm. Vào thời điểm này, dường như hai ứng dụng này đang chào đón những người dùng với tâm lý thù hận, vốn bị cấm hoặc không được chào đón trên các nền tảng ứng dụng khác,” Harry Fernandez, Giám đốc của Change the Terms – tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các ngôn từ thù hận trên mạng – cho hay. “Một điều nguy hiểm khác là họ dường như không có nền tảng hạ tầng nào để khống chế các nền tảng này.” Khả năng mã hóa khiến việc tìm hiểu chính xác những nội dung được bàn bạc trên các nền tảng này vô cùng khó khăn.
Làn sóng đổ bộ sang Signal đang diễn ra rầm rộ, khi nhiều người cảm thấy bị tấn công trực tuyến. Facebook và Twitter đã khóa tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông sử dụng những mạng xã hội này để kích động bạo động ngày 6/1, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn những thông tin sai lệch của nhóm người dùng cánh hữu. Parler, một ứng dụng truyền thông xã hội bảo thủ khá phổ biến, cũng bị Amazon đóng cửa cuối tuần qua vì cũng là nơi để người dùng lên kế hoạch bạo loạn tại Đồi Capitol. Trước sự hỗn loạn đó, Signal và Telegram – hai ứng dụng tin nhắn mã hóa - nổi lên như giải pháp thay thế mới.
Brian Acton và Pavel Durov. Ảnh: Reuters/Newscom
Hai ứng dụng này không thể thay thế cho Twitter và Facebook bởi chúng chỉ cung cấp phương thức nhắn tin riêng tư chứ không phải một mạng xã hội mở. Song, hai ứng dụng này lại mang đến những thứ mà Twitter và Facebook không có: tính ẩn danh, mã hóa và không kiểm duyệt nội dung, những đặc điểm giúp các đối tượng cực hữu có thể dễ dàng qua mắt các nhà chức trách để lên kế hoạch gây rối, biểu tình quy mô lớn.
Bên cạnh đó, sự gia tăng người dùng đột biến của Signal và Telegram cũng được cho là do một lượng lớn người dùng mới đang tháo chạy hỏi WhatsApp, sau khi ứng dụng này thực hiện các thay đổi liên quan tới quyền riêng tư của mình.
“Tôi thực sự nghi ngờ", Will Partin, một nhà phân tích tại Data & Society, một tổ chức nghiên cứu chuyên theo dõi các phát ngôn thù hận của nhóm cánh hữu trên mạng internet cho hay. Ông đang nhận thấy một cuộc khủng hoảng truyền thông khi các nhóm bảo thủ xuất hiện ngày càng nhiều trên hai ứng dụng này, trong khi công ty chủ quản hầu như không công khai nói gì về làn sóng này cũng như không đề cập tới ý định từ chối người dùng mới.
Hai ứng dụng này đã đứng đầu bảng xếp hạng lượt tải xuống của Apple trong tuần qua với số lượt download kỷ lục. Từ ngày 6/1 đến ngày 10/1, số lượt tải trung bình của Signal là 251.000 lần/ngày, trong khi Telegram đạt trung bình 1,1 triệu lượt tải/ngày. Theo nhà cung cấp dữ liệu ứng dụng Apptopia, những con số này lần lượt tăng 409% và 61% so với trong năm 2020. Cùng với việc đang ngày một trở nên phổ biến hơn, Telegram và Signal còn có thêm một điểm chung: đều là sản phẩm được hậu thuận bởi tỷ phú công nghệ trẻ tuổi và giàu lý tưởng. Đứng sau Signal là tỷ phú Brian Acton, 48 tuổi. Và đứng sauTelegram là Pavel Durov, một tỷ phú người Nga 36 tuổi.
Signal ra đời năm 2014 và được phát triển bởi một chuyên gia bảo mật có biệt danh Moxie Marlinspike (không rõ tên thật). Công nghệ mã hóa gần như bất khả xâm phạm của nó nhanh chóng giành được sự khen ngợi của nhiều người, trong đó có tỷ phú Jack Dorsey, người đã kết hợp một phần mềm mã hóa của ứng dụng này cho Twitter và cựu điệp viên CIA Edward Snowden, người cho biết đang sử dụng Signal mỗi ngày.
Brian Acton từng là cựu nhân viên của Yahoo. Ông rời khỏi công ty vì chán nản với chính sách tập trung không ngừng nghỉ vào việc kiếm tiền quảng cáo của Yahoo. Năm 2008, Acton cùng đồng nghiệp Jan Koum rời Yahoo. Họ đi tới châu Mỹ một năm rồi trở về Mỹ, nộp đơn vào Facebook nhưng đều bị từ chối. Năm 2009, cả hai thành lập WhatsApp. Ba năm sau, họ bán ứng dụng cho công ty từng từ chối mình với thỏa thuận trị giá 22 tỷ USD. Khi làm việc tại Facebook, một người bạn chung giới thiệu Moxie Marlinspike với Acton. Cả hai nhanh chóng có ấn tượng tốt về nhau và hợp tác để bổ sung một số phần mềm mã hóa trong Signal vào WhatsApp.
Khi công bố quyết định thành lập Signal Foundation, Acton mô tả trên blog mục tiêu của Signal là "hành động vì lợi ích cộng đồng và đóng góp có ý nghĩa cho xã hội bằng cách xây dựng công nghệ bền vững, tôn trọng người dùng". Trong suy nghĩ của Acton, ứng dụng này sẽ được sử dụng như một công cụ hữu hiệu, giống như cách người dùng trong phong trào Black Lives Matter đã sử dụng nó. Tuy nhiên, hồi tháng 9/2019, Acton chia sẻ trên Time rằng ông cảm thấy buồn vui lẫn lộn khi trong nhiều trường hợp “lượng người dùng ứng dụng tăng đột biến, nhưng lại xuất phát từ những sự kiện tồi tệ của thế giới.”
Cùng với Signal, cái tên Telegram và tỷ phú Durov cũng đang trở nên phổ biến. Những câu chuyện xung quanh vị tỷ phú này khá mơ hồ. Năm 2006, Durov thành lập công ty đầu tiên của mình Vkontakte – một mạng xã hội với phương thức hoạt động tương tự như Facebook. Theo Washington Post, 5 năm sau, ông lần đầu xung đột với chính phủ Nga vì từ chối "bịt miệng" các chính trị gia đối lập trên VKontakte. Sau đó, ông phải trốn khỏi Nga vì bị cảnh sát điều tra về một vụ va chạm giao thông - tai nạn mà Durov mô tả là có động cơ chính trị.
Durov phát triển Telegram với mục tiêu biến nó thành công cụ hoàn hảo cho các chính trị gia đối lập, nhà hoạt động, những người muốn thay đổi hiện tại và muốn tránh bị bắt vì các hành động này. Gần như ngay sau khi ra mắt năm 2013, Telegram đã lập tức trở nên phổ biến. Ngay cả các nhóm cực đoan cũng nhận ra tiềm năng của nó, và Durov đã phải mất gần một thập kỷ để loại bỏ ISIS khỏi nền tảng này.
Cả Signal và Telegram đều cung cấp tính năng nhắn tin trực tiếp và tin nhắn nhóm. Ngoài ra, Cả hai ứng dụng đều cho phép người dùng tham gia một nhóm hoạt động trên hai nền tảng này thông qua một địa chỉ web. Công nghệ mã hóa của hai ứng dụng này khiến việc theo dõi nội dung của bất kỳ cuộc trò chuyện cực đoan nào trở nên khó khăn.
Tổng thống Mỹ Trump từ lâu đã duy trì tài khoản công khai trên Telegram và tiếp tục đăng bài trên ứng dụng sau khi bị Facebook và Twitter "trục xuất". Tuy nhiên, mặc dù các cuộc trò chuyện tại Telegram không bị kiểm soát, nhưng trên nền tảng này, tổng thống Trump chỉ có khoảng 500.000 “khán giả”, trong khi trên Twitter và Facebook, ông thu hút hơn 100 triệu người theo dõi.
Tuy nhiên, tổng thống Trump vẫn là tổng thống Trump. Hôm 12 /1, ông đã đăng những bình luận mới trên Telegram nhằm vào các công ty như Facebook và Twitter. “Tôi cho rằng Big Tech đang làm một điều kinh khủng cho đất nước của chúng ta,” ông viết. “Nhưng chúng ta sẽ có những động thái chống lại các hành động này.”
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời