Phần mềm của Uber đã tính lộ trình xa và lâu hơn cho hành khách, trong khi lộ trình mà hãng thông báo cho lái xe lại ngắn và nhanh hơn. Kết quả là, hành khách phải trả chi phí cao hơn còn lái xe chỉ được trả một khoản tiền công thấp hơn.
Theo một đơn kiện mới đây, dịch vụ gọi xe Uber vừa bị tố đã "sáng chế" ra một thủ đoạn "tinh vi và thông minh" nhằm giả mạo, thao túng dữ liệu điều hướng - dữ liệu được dùng để xác định chi phí chuyến đi cho khách hàng cũng như trả tiền cho lái xe.
Khi một khách hàng sử dụng Uber để gọi xe, chi phí mà ứng dụng hiển thị cho khách hàng thấy được dựa trên một lộ trình dài hơn và chậm hơn so với lộ trình hiển thị trên thiết bị của lái xe. Tài xế Uber sẽ bị phần mềm của Uber hiển thị một lộ trình nhanh hơn, ngắn hơn. Tuy nhiên, hành khách phải trả mức phí cao hơn còn lái xe thì được trả tiền cho một lộ trình rẻ và nhanh hơn, theo đơn kiện này.
"Cụ thể, Uber cố tình thao túng dữ liệu điều hướng được dùng để xác định mức phí mà người dùng phải trả và số tiền được báo cáo và được trả cho lái xe" - đơn kiện gửi lên toà án liên bang ở Los Angeles (Mỹ) viết. Các luật sư đại diện cho tài xế Uber Sophano Van ở Los Angeles nói rằng, chương trình gian dối của công ty này là "gây sốc", "có hệ thống" và "rộng rãi".
Đơn kiện Uber lần này được đặt với cái nhãn: việc triển khai công nghệ của Uber như một "kế hoạch có tổ chức để đánh lừa lái xe và người dùng"; và nó chỉ là một trong hàng tá vụ kiện nhắm vào công ty gọi xe này. Các vụ kiện nhằm vào Uber rất "đa dạng", từ tranh chấp về việc lái xe của Uber có phải là nhân viên công ty hay không; đến phân biệt giới tính; ăn cắp bí mật thương mại. Chỉ mới cách đây ít tuần, CEO Uber, Travis Kalanick, công bố rằng ông đang cần "sự giúp đỡ về mặt lãnh đạo".
Đơn kiện cho rằng, Uber đã triển khai âm mưu về cái gọi là phí trả trước này hồi tháng 9 năm ngoái. Hãng thông báo cho lái xe rằng chi phí chuyến đi được tính trên phí mỗi dặm và mỗi phút cho quãng đường và thời gian được dự đoán cần cho chuyến đó. "Tuy nhiên, phần mềm được dùng để tính giá trước cho người dùng đã tính thời gian và quãng đường của một lộ trình thường dài hơn so với lộ trình hiển thị trên ứng dụng của lái xe" - đơn kiện cho biết.
Gian lận phần mềm
Kết quả cuối cùng là hành khách phải trả một mức phí cao hơn do phần mềm tính một lộ trình dài hơn và hiển thị nó cho họ. Còn lái xe được trả thấp hơn do phần mềm tính toán, hiển thị cho họ một lộ trình nhanh hơn. Uber đã giữ lại phần chênh lệch từ sự khác biệt về lộ trình này, bên cạnh phí dịch vụ và phí booking (đặt xe) mà họ không tiết lộ cho tài xế biết - theo thông tin trong đơn.
Phần mềm được dùng để xác định trước chi phí cho người dùng được thiết kế để cung cấp khoảng cách và thời gian của lộ trình dựa trên các điều kiện giao thông và nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, nó không xác định lộ trình ngắn/nhanh nhất dựa trên các điều kiện đó. Trong khi đó, phần mềm được dùng trong ứng dụng của lái xe, vốn được dùng để điều hướng lái xe đến điểm người dùng cần đến, sử dụng các điều kiện giao thông và nhiều yếu tố khác để cung cấp cho lái xe một lộ trình nhanh hơn, ngắn hơn, hiệu quả hơn để đến được nơi cần, dẫn tới việc lái xe chỉ được trả ít hơn.
Vụ kiện cáo buộc Uber đã vi phạm hợp đồng, làm giàu bất chính, gian lận và cạnh tranh không lành mạnh. Bên nguyên đơn yêu cầu được Uber bồi hoàn, trả các chi phí pháp lý, và dừng "các hành vi kinh doanh bất hợp pháp, lừa đảo, gian lận, và không công bằng".
Uber từ chối đưa ra bình luận về vụ việc trên.
(Tham khảo: Ars Technica)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4