(GenK.vn) - Dịch vụ đi chung xe thành công tại nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam.
Xuất hiện tại Việt Nam từ giữa tháng 6/2014, thông tin về dịch vụ Uber được nhắc tới với nhiều từ ngữ chuyên ngành như "Sharing Economy" - Kinh tế chia sẻ. Trước khi đặt bút viết, tôi đã gặp rất nhiều câu hỏi của bạn bè và độc giả về dịch vụ, về cách thức Uber hoạt động, việc tham gia mạng lưới, lợi ích mang lại. Thậm chí có nhiều người còn lầm tưởng rằng Uber giống với các dịch vụ gọi xe taxi hiện có tại nước ta như GrabTaxi và EasyTaxi.
Bài viết này sẽ nói rõ hơn về Uber, giúp người dùng cơ bản có cái nhìn cụ thể với những thông tin mà người viết có được sau khi trải nghiệm thực tế và tổng hợp.
Uber là gì và hoạt động ra sao?
Uber là một dịch vụ trung gian hoạt động thông qua ứng dụng trên smartphone. Công ty không sở hữu xe ô tô, không có lái xe.
Uber làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Khác với GrabTaxi và EasyTaxi, xe tham gia vào mạng lưới Uber không phải của hãng taxi mà là xe cá nhân. Chính vì vậy Uber còn được gọi là dịch vụ "taxi không biển hiệu".
Người dùng cần di chuyển sẽ cài đặt Uber trên smartphone, sau đó thực hiện đặt xe. Ứng dụng cung cấp bản đồ vị trí của xe để hai bên chủ động trong vấn đề thời gian và di chuyển. Khi sử dụng Uber, bạn không cần dùng tới tiền mặt, sau mỗi chuyến đi kết thúc, số tiền được Uber tự tính và trừ trực tiếp vào thẻ tín dụng của cá nhân. Tuy nhiên đây cũng là điểm trừ của dịch vụ ở Việt Nam do việc dùng thẻ tín dụng ở nước ta chưa phổ biến.
Xe tham gia vào mạng lưới Uber rất đa dạng, thậm chí có cả những chiếc xe sang cao cấp như Mercedes-Benz. Chính vì vậy dịch vụ phù hợp với tầng lớp trung lưu trẻ, có thu nhập ổn định.
Theo thử nghiệm đi thực tế của người viết, hiện tại ở TP.HCM có 6 xe tham gia vào mạng lưới của Uber (Hà Nội chưa triển khai), số xe này được Uber ký hợp đồng với 1 công ty để duy trì dịch vụ thời gian đầu. Giá cước trung bình ghi nhận ở mức 12.000 đồng/km, cao hơn một chút so với giá taxi hiện tại. Nhưng nếu so với hãng taxi phần lớn sử dụng xe Vios thì giá cước trên cho một chiếc Mercedes-Benz đưa đón là hợp lý.
Đâu là đối thủ của Uber tại Việt Nam?
Với những thông tin phía trên, có thể thấy rõ ràng Uber sẽ cạnh tranh trực tiếp với các hãng taxi do sở hữu xe sang, không phải trả tiền mặt thanh toán khi kết thúc chuyến, không có biển hiệu taxi và giá cước hợp lý.
Trên thực tế, tại một số thành phố lớn như London và Paris, nhiều lái xe taxi đã biểu tình phản đối Uber hoạt động do số lượng chuyến của họ bị giảm đáng kể từ khi dịch vụ này xuất hiện. Sự việc diễn ra ngay sau khi Uber được định giá lên tới 17 tỷ USD - mức giá kỷ lục cho một phần mềm kỹ thuật mới.
Theo thông tin riêng GenK có được, hiện tại các dịch vụ đặt xe taxi như GrabTaxi chưa coi Uber là đối thủ tại Việt Nam do số lượng xe của Uber quá ít và thị trường Việt Nam có nhiều đặc thù riêng không dễ phát triển mạng lưới. Dự tính tới khi Uber Việt Nam đạt mốc 1.000 xe, các dịch vụ đặt xe taxi mới coi đây là đối thủ thực sự của mình.
Khó khăn chính mà Uber gặp phải khi phát triển tại Việt Nam
Bên cạnh vấn đề hình thức thanh toán (bắt buộc dùng thẻ tín dụng), thói quen người dùng như đã đề cập phía trên, khó khăn nổi bật dễ nhìn thấy ở mô hình hoạt động của Uber là phát triển mạng lưới xe. Đây là vấn đề mấu chốt giúp công ty có thể tồn tại và phát triển.
Tại các quốc gia khác, Uber cho biết hàng ngày người sở hữu xe hơi chỉ sử dụng chúng khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Họ có thể giảm sự lãng phí đó bằng việc tham gia mạng lưới của Uber. Nhưng có lẽ điều đó chỉ đúng với các quốc gia phát triển. Tại Việt Nam hiện nay giá xe cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, sở hữu xe hơi cá nhân ở nước ta vẫn còn là điều xa xỉ với bộ phận lớn người dân. Vì vậy việc thuyết phục người sở hữu tham gia mạng lưới cho đi nhờ xe của Uber gần như là điều không tưởng, nhất là khi mạng lưới của Uber còn có những xe sang có giá tới hàng tỷ VNĐ.
Năm 2013, nguồn cung của Uber tăng 20% mỗi tháng khiến dịch vụ đối mặt với tình trạng thiếu xe. Để giải quyết vấn đề Uber đã hợp tác với các hãng xe, hỗ trợ lãi xuất khi mua xe của Toyota và GM. Điều này giúp công ty sản xuất ô tô tăng doanh số bán, Uber có thêm nguồn cung với chất lượng xe đảm bảo và công ty tài chính hợp tác sẽ giảm rủi ro do người vay có thu nhập ổn định khi làm tài xế cho Uber.
Rất có thể Uber sẽ tiếp tục phát triển mô hình hợp tác tương tự với công ty tài chính, công ty sản xuất xe và Uber tại Việt Nam để đảm bảo lượng xe hoạt động. Hiện tại với mục tiêu thâm nhập thị trường Việt Nam, Uber chấp nhận bỏ vốn để thuê lái xe hoạt động cho mình nhằm thu hút người dùng. Khi nguồn cầu ổn định Uber sẽ kích cầu việc sử dụng xe hơi tại Việt Nam bằng chương trình hỗ trợ lãi suất mua xe, đặc biệt khi theo đúng lộ trình tới năm 2018 Việt Nam chính thức giảm thuế nhập khẩu ô tô.
>> Uber: Dịch vụ gọi "taxi" sang trị giá 12 tỷ USD chính thức đặt chân vào VN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương