Uber lãi hơn 1 tỷ USD tại 30 thành phố lớn nhưng cũng lỗ hơn 1 tỷ USD chỉ riêng tại Trung Quốc
Theo lời CEO Travis Kalanick trong một buổi phỏng vấn, Uber hiện thu về hơn 1 tỷ USD mỗi năm tại 30 thành phố lớn trên toàn cầu, và đang trích một phần số này vào các hoạt động của hãng tại Trung Quốc.
Tháng 2 vừa qua, công ty cho biết đã lỗ hơn 1 tỷ USD một năm tại thị trường Trung Quốc, nơi mà cuộc chiến cạnh tranh giữa các hãng gọi xe trực tuyến đang ngày một nóng hơn.
Tuy nhiên Kalanick lại cho rằng Trung Quốc là thị trường khắc nghiệt nhất nhưng cũng chính là lò thử lửa cho các ý tưởng mới của hãng, và các khoản đầu tư vào đây sẽ mang lại lợi ích lâu dài.
Phát biểu tại diễn đàn Boao tổ chức tại đảo Hải Nam, Trung Quốc, Kalanick cho biết: “Tại 30 thành phố hàng đầu của chúng tôi, lợi nhuận đã đạt đến 1 tỷ USD mỗi năm. Và số lợi nhuận này sẽ còn gia tăng khi chúng tôi phát triển lớn hơn nữa, và các thành phố khác trong số hơn 400 thành phố Uber hoạt động cũng đều đang có lợi nhuận”.
“Chính vì thế mà hãy ủng hộ chúng tôi trong những nỗ lực tại thị trường Trung Quốc… Bởi vì chúng tôi vẫn luôn thu về lợi nhuận trên toàn cầu, nên đây chính là những gì chúng tôi sẽ làm tính về lâu về dài”, Kalanick chia sẻ thêm.
Didi Kuaidi, đối thủ lớn nhất của Uber tại Trung Quốc, được chống lưng bởi hai ông lớn Alibaba và Tencent, đã chi một khoản khổng lồ trợ giá cước phí chuyến đi để chiếm lấy thị phần, góp phần khiến cho thị trường vận tải hành khách tại Trung Quốc trở thành lớn thị trường lớn nhất thế giới.
Kalanick cũng cho biết chiến lược này có vẻ cũng đang hiệu quả với Uber. Thị phần của hãng tại thị trường này đang gia tăng nhanh chóng, từ chỉ 1-2% vào tháng 1 năm 2015 nay đã lên đến khoảng 30%.
Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Trung Quốc thì cho rằng tính tới đầu tháng qua, trợ giá cước gọi xe và hỗ trợ tài xế của các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe trực tuyến đã trở thành cạnh tranh thiếu lành mạnh và sẽ không bền vững về dài hạn.
Uber cũng đã chọn Trung Quốc làm nơi thử nghiệm các sản phẩm mới của hãng, trong đó có UberCOMMUTE, ứng dụng chia sẻ xe lần đầu được đưa vào sử dụng tại Thành Đô tháng 9 vừa qua và đã bắt đầu được mở rộng tầm hoạt động sang các thành phố khác.
“Chìa khóa của chúng tôi tại Trung Quốc là phải đi thật nhanh”, Kalanick nói.
Nếu chúng tôi đưa ra các sản phẩm mới tại Mỹ và bị các hãng ở Trung Quốc bắt chước, chúng tôi sẽ tụt hậu tại thị trường này. Chính vì vậy mà chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm các sản phẩm mới nhất tại Trung Quốc đầu tiên”, vị CEO chia sẻ, nhấn mạnh thêm về sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường hơn 1 tỷ dân này.
Sau khi được đầu tư thêm 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới nhất, giá trị của Uber Trung Quốc đã lên tới hơn 8 tỷ USD vào tháng 1 vừa qua.
Theo lời Kalanick, tính đến thời điểm hiện tại, Uber hiện không gặp nhiều trở ngại về pháp lý tại Trung Quốc vì chính quyền sở tại cũng đang cố thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước và Uber chính là một hình mẫu tiêu biểu.
Kalanick từ chối bình luận về việc liệu khi nào Uber sẽ bắt đầu có lợi nhuận tại thị trường đông dân nhất thế giới, nhưng vị CEO này vẫn tỏ ra hết sức lạc quan.
Kalanick kể lại: “Năm ngoái tôi đã ở Trung Quốc tới 70 ngày và ngày nào cũng có người nói với tôi rằng Travis, tôi chẳng có công ty công nghệ nào thành công cả, tôi không nghĩ là anh nên ở đây”.
“Đối với một doanh nhân thì đó chính là điều tốt nhất bạn có thể nghe được… vì bạn luôn phải biết cách khiến mọi thứ trở nên tích cực. Và biến những điều không thể thành có thể chính là điều chúng tôi đã và đang làm. Phiêu lưu với mục đích rõ ràng cũng chính là những gì chúng tôi hướng tới”.
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín