Ứng dụng chia sẻ xe đạp – Ý tưởng khởi nghiệp ‘sai’ nhất trong năm 2018, phiên bản 'fast and furious' của bong bóng công nghệ

    Vân Đàm, Theo Trí Thức Trẻ 

    Sự hưng thịnh rồi suy vong của tình trạng bùng nổ ứng dụng chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc giống như phiên bản "quá nhanh, quá nguy hiểm' của bong bóng công nghệ.

    Cho đến tận cuối những năm 1990, Trung Quốc vẫn là quốc gia của những người đi xe đạp. Xe đạp từng trở thành một phần sống còn trong cuộc sống hàng ngày của người dân nước này vào những năm 1970. Việc sở hữu một chiếc xe đạp là điều kiện tiên quyết cần để tiến tới hôn nhân, giống như việc có một căn hộ hay một chiếc xe ô tô của người đàn ông Trung Quốc thời nay vậy.

    Hàng ngày, mọi người sẽ chứng kiến các "đội quân xe đạp" xuống đường bố Bắc Kinh mỗi sáng. Sau đó, kế từ năm 1995 đến 2002, chính phủ đã ban hành luật giảm tải xe đạp nhằm khuyến khích tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô và sử dụng những cơ sở hạ tầng công cộng đại trà. Tuy nhiên khi dịch SARS hoành hành, phương tiện công cộng trở thành thứ nguy hiểm có thể dễ dàng làm lây bệnh khiến mong muốn sở hữu ô tô trở nên thịnh hành hơn ở các thành phố. Thế rồi ngày nay, các đô thị ở Trung Quốc gặp phải tình trạng tắc đường phải nói là tồi tệ nhất trên thế giới.

    Ứng dụng chia sẻ xe đạp – Ý tưởng khởi nghiệp ‘sai’ nhất trong năm 2018, phiên bản fast and furious của bong bóng công nghệ - Ảnh 1.

    Những ứng dụng chia sẻ xe đạp ra đời được xem là giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này – và hàng triệu chiếc xe đạp đến từ nhiều công ty tư nhân khác nhau đã xuất hiện trên các đường phố Trung Quốc trong 3 năm qua. Nhưng hiện nay, khi nhiều công ty thất bại, hàng loạt xe bị chất đống và hàng dài người dùng tức giận xếp hàng trước văn phòng các công ty để đòi lại tiền đặt cọc, người ta mới nhận ra ý tưởng kinh doanh này đã sai lầm như thế nào.

    Sự hưng thịnh rồi suy vong của tình trạng bùng nổ ứng dụng chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc giống như phiên bản "quá nhanh, quá nguy hiểm" của bong bóng công nghệ - một ý tưởng kinh doanh không lợi nhuận sống sót nhờ những dự báo sai lầm, giàu trí tưởng tượng và nhờ vào sức mạnh của những công ty lớn.

    Các nhà chức trách địa phương thì khó khăn trong việc giải quyết tình trạng tắc đường nên đưa ra giải pháp là khuyến khích người dân quay trở lại dùng xe đạp. Đầu năm 2007, chính quyền nhiều thành phố như Bắc Kinh, Hàng Châu đã cho xây dựng nhưng trạm đỗ xe đạp chia sẻ nhưng sau đó người dùng cảm thấy việc tiếp cận được những chiếc xe này khá bất tiện vì thế nó nhanh chóng thất bại.

    Công ty cho thuê xe đạp Ofo được thành lập năm 2014 từ ý tưởng kinh doanh của một nhóm sinh viên khi còn đang theo học ở trường đại học Peking còn Mobike được thành lập 1 năm sau đó. Cả 2 đều khắc phục được những khuyết điểm của dịch vụ chia sẻ xe đạp trước đó của nhà nước: Tiếp cận xe đạp dễ dàng ở các trạm và tự động. "Những chiếc xe đỏ nhỏ của Mobike sớm xuất hiện trên mọi ngõ ngách của Thượng Hải sẽ được tìm qua ứng dụng di động và được sử dụng với chỉ 299 NDT tiền đặt cọc (khoảng 45 USD) thông qua thanh toán di động.

    Sự hưng thịnh rồi suy vong của tình trạng bùng nổ xe đạp ở Trung Quốc giống như phiên bản "quá nhanh, quá nguy hiểm' của bong bóng công nghệ - một ý tưởng kinh doanh không lợi nhuận sống sót nhờ những dự báo sai lầm, giàu trí tưởng tượng và nhờ vào sức mạnh của những công ty lớn.

    Viễn cảnh kinh doanh khá lạc quan về tiềm năng công nghệ di động vốn được hỗ trợ bởi ứng dụng thanh toán di động Alipay, Taobao, WeChat trở thành một thứ không thể thiếu với cuộc sống người Trung Quốc.

    Những người dùng muốn cách rẻ hơn để đi lại trong thành phố mà lại tự do có thể chọn xe đạp. Với chính phủ, việc bùng nổ ứng dụng chia sẻ xe đạp là cơ hội để biến họ trở thành quốc gia dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu và cũng hướng về thời kỳ vui vẻ, đơn giản và hài hòa hơn khi Trung Quốc còn là "vương quốc xe đạp".

    Câu khẩu hiệu của Mobike là "Mang xe đạp quay trở lại thành phố" cho thấy lý do tại sao chương trình này thu hút được các nhà chức trách địa phương để rồi họ cho các công ty như vậy quyền tự do thử nghiệm và phát triển. Trong khi Mobike và Ofo là những công ty đi tiên phong thì sau đó hàng tá công ty khác như Bluegogo và Xiaoming Bike cũng nổi lên.

    Tuy nhiên, ô tô vẫn không bị loại bỏ hoàn toàn trên các đường phố. Và vô số những chiếc xe đạp nhiều màu sắc đã không mất nhiều thời gian để bắt đầu chiếm hết vỉa hè, chỗ dành cho người đi bộ và cả diện tích đỗ xe ô tô.

    Đến năm 2017 - thời điểm lượng xe đạp bùng nổ nhất ở Bắc Kinh và Thượng Hải, có những nơi ở 2 thành phố này bắt đầu xuất hiện những "đống xe đạp" theo đúng nghĩa đen do người dân xếp chồng chất lên. Các xe tải bắt đầu được huy động để hàng ngày "dọn dẹp" những chiếc xe đạp đỗ sai quy định và công nhân phải sắp xếp lại cho gọn gàng. Dẫu vậy, mặc cho những nỗ lực đó những "bãi tha ma" xe đạp vẫn xuất hiện và nó khiến mối quan hệ giữa người dân thành phố và chính quyền thêm căng thẳng.

    Thời điểm này, phía người dùng và các nhà đầu tư lại vẫn tỏ ra "bình chân như vại", họ cho rằng đây chỉ là một giai đoạn trong quá trình phát triển của ngành công nghiệp, giống như những gì lĩnh vực thanh toán di động và vận chuyển đồ ăn đã trải qua.

    Người tiêu dùng thì hạnh phúc vì giá rẻ khi các công ty đua nhau giảm giá để thu hút người dùng. Nhiều startup thậm chí còn cung cấp những chuyến đi miễn phí và hơn ai hết người tiêu dùng là người hưởng lợi nhiều nhất những thứ đó. Trong khi đó các công ty nhỏ nhanh chóng đốt hết tiền của các nhà đầu tư và biến mất. Một số đầu hàng khiến nhiều người dùng không thể nhận lại tiền đặt cọc từ các công ty xe đạp khi họ phá sản, điều đã được dự đoán trước cho Ofo vào năm 2018.

    Ứng dụng chia sẻ xe đạp – Ý tưởng khởi nghiệp ‘sai’ nhất trong năm 2018, phiên bản fast and furious của bong bóng công nghệ - Ảnh 2.

    Cho đến tận bây giờ, vẫn không rõ dựa vào đâu mà nhiều công ty chia sẻ xe đạp cho rằng họ có thể có lãi. Theo một phân tích từ Xinhua, giá mỗi chiếc xe đạp tới hơn 200 USD và các công ty còn phải trả thêm khoảng 10 USD cho việc trang trí lại nhưng họ chỉ kiếm được 1 NDT (15 xu) tiền lãi cho mỗi chuyến đi kéo dài 2 giờ, cùng với khoản đặt cọc từ 15 – 45 USD. Quan điểm chính mà các nhà đầu tư đưa ra là dữ liệu người dùng - nhờ đó có thể thu hút quảng cáo. Tuy nhiên, dự tính đó vẫn mãi chưa xảy ra và không có bất kỳ khoản lợi nhuận trong ngắn hạn nào cho các công ty này để tồn tại cả và những hãng chia sẻ xe đạp nhỏ bắt đầu thất bại.

    Khoảng giữa tháng 6 và 11/2017, Kuqi Bikes, Bluegogo, Dingding Bikes, 3Vbikes và Wukong Bikes tất cả đều đóng cửa vì không thể trả tiền cho nhà cung ứng, duy trì hoạt động hay trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng. Cùng thời điểm, các nhà chức trách địa phương bắt đầu mất đi sự kiên nhẫn ban đầu và đề ra những quy định mới và thậm chí áp dụng các khoản phạt.

    Khi chính phủ thắt chặt quy định, các công ty và thậm chí ngay cả những người dùng xe đạp cũng phạt vì đi lên vỉa hè hoặc chỗ đậu xe sai quy định. Các biển cấm xe đạp chia sẻ bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi từ cổng các khu chung cư, công viên hay khu mua sắm sầm uất.

    Hóa ra, trong cuộc chiến đẫm máu giành thị phần và dữ liệu người dùng, chỉ những công ty nào có "ví dày" mới hy vọng giành chiến thắng. Trong những ngày đầu của ứng dụng chia sẻ xe đạp, tiền được rót từ nhiều nguồn như các công ty đầu tư mạo hiểm Black Hole Capital và hãng game Elex Technology, hay những công ty đầu tư.

    Từ năm 2016 – 2017, cứ 1 tuần là lại có thông báo mới về các khoản đầu tư vào ứng dụng chia sẻ xe đạp. Mobike bắt đầu huy động vốn từ các công ty quỹ đầu tư như Sequoia Capital, Sinovation Ventures và Panda Capital trước khi Tencent ra nhập đường đua. Các nhà đầu tư ban đầu của Ofo gồm Xiaomi và Didi Chuxing rồi cả Alibaba cũng tham gia vào.

    Tuy nhiên, đoạn kết của bong bóng công nghệ luôn là cái chết. Và người hưởng lợi hơn ai hết là những công ty có tiềm lực mạnh như Alibaba và Tencent. Họ sẽ bỏ tiền ra để thâu tóm, mua lại các công ty này nhằm sở hữu lượng cơ sở dữ liệu người dùng chứ không phải vì nền tảng hay dịch vụ họ cung cấp nữa.

    Tháng 4, Mobike đã được cứu nguy khỏi khủng hoảng tài chính khi được mua lại bởi Meituan Dianping – một ứng dụng giao đồ ăn được "chống lưng" bởi Tencent. Bất ngờ này đã biến ứng dụng gọi xe thành một cuộc chiến sống còn. Tình hình tài chính ổn định của Mobike đã cho phép họ có lợi thế hơn so với những đối thủ cạnh tranh hiện tại bằng việc loại bỏ toàn bộ tiền đặt cọc. Dẫu vậy thời điểm hiện tại, Mobike cũng đã mất đi ánh hào quang. Hiện tại đội ngũ xe đạp của Mobike đã giảm đi đáng kể và nhiều hoạt động mở rộng ra nước ngoài bị rút lại.

    Ứng dụng chia sẻ xe đạp – Ý tưởng khởi nghiệp ‘sai’ nhất trong năm 2018, phiên bản fast and furious của bong bóng công nghệ - Ảnh 3.

    Trong khi đó, Ofo chứng kiến dòng tiền không thể tồi tệ hơn, họ gặp khó khăn trong việc trả tiền cho các nhà cung ứng và duy trì hoạt động cũng như tập trung mọi nỗ lực vào việc sinh tồn hơn là phát triển hoạt động kinh doanh. Đầu năm nay, Ofo đã ngừng kế hoạch mở rộng quy mô và tốn kém của mình để tập trung vào thị trường nội địa.

    Sau một cơ hội bị bỏ lỡ về việc sáp nhập với Mobike và thất bại trong kế hoạch được Didi mua lại, Ofo đã đứng trên bờ vực khủng hoảng tài chính, họ chỉ còn cơ hội sống sót cuối cùng là được Alibaba mua lại. Nhưng điều đó có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra. Cảm nhận được dấu chấm hết của ứng dụng chia sẻ xe đạp này, những người dùng giận giữ xếp hàng dài bên ngoài văn phòng Ofo tại Bắc Kinh để đòi lại tiền đặt cọc của họ trong khi đó số người chờ được trả tiền trực tuyến đã lên tới 13 triệu người.

    Mặc dù Ofo khủng hoảng là vậy nhưng Hellobike vừa mới huy động được thêm 4 tỷ NDT (khoảng hơn một nửa tỷ USD) từ Primavera Capital và Ant Financial của Alibaba. Đây dường như là đối tượng hiếm hoi chưa gục ngã và đầu hàng trong trận chiến chia sẻ xe đạp.

    Hóa ra giấc mơ xây dựng được những công ty khổng lồ trong lĩnh vực chia sẻ xe đạp không hề "dễ xơi"!


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ