USB 2.0: Từ “vua tốc độ” năm 2000 đến biểu tượng bền bỉ sau 25 năm

    Ánh Viên,  

    Dù được giới thiệu vào năm 2000, phải mất vài năm sau USB 2.0 mới thực sự phổ biến trên các máy tính cá nhân.

    Ngày 27/4/2000, Diễn đàn USB (USB-IF) chính thức giới thiệu chuẩn USB 2.0, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lĩnh vực kết nối và truyền dữ liệu. Tròn 25 năm sau, USB 2.0 vẫn để lại dấu ấn sâu đậm khi từng đưa giao tiếp USB trở thành tiêu chuẩn phổ biến toàn cầu.

    Ở thời điểm ra mắt, USB 2.0 mang đến tốc độ truyền dữ liệu 480 Mbps với phiên bản Hi-Speed USB – nhanh gấp hơn 40 lần so với giới hạn 12 Mbps của USB 1.1, và thậm chí còn vượt trội so với FireWire 400 của Apple. Quan trọng hơn, việc triển khai USB 2.0 có chi phí thấp hơn FireWire, khiến các nhà sản xuất bo mạch chủ ưu tiên tích hợp chuẩn này.

    USB 2.0: Từ “vua tốc độ” năm 2000 đến biểu tượng bền bỉ sau 25 năm- Ảnh 1.

    Dù được giới thiệu vào năm 2000, phải mất vài năm sau USB 2.0 mới thực sự phổ biến trên các máy tính cá nhân. VIA Technologies là công ty đầu tiên tích hợp USB 2.0 với chipset VT8235 (dùng cho nền tảng P4X333 và KT333) ra mắt năm 2002. Apple cũng nhanh chóng theo sau, trang bị USB 2.0 trên các máy Mac vào năm 2003. Phải đến năm 2004, Intel – một trong những "cha đẻ" của USB – mới trình làng chipset Pentium 4 hỗ trợ USB 2.0.

    Hệ điều hành cũng là một rào cản lớn lúc bấy giờ. Windows XP chỉ hỗ trợ USB 2.0 sau bản cập nhật Service Pack 1 vào tháng 8/2002, trong khi Windows 2000 phải đợi đến Service Pack 4 (tháng 6/2003). Các phiên bản cũ hơn như Windows 95 và Windows 98 không hỗ trợ USB 2.0 nguyên bản, dù Windows 98 SE cho phép cài driver bên thứ ba.

    Trước khi USB 2.0 xuất hiện, người dùng phải sử dụng cổng song song (parallel port) và cổng nối tiếp (serial port) – những giao diện vừa cồng kềnh, vừa chậm chạp, chỉ đạt tốc độ tối đa khoảng 20 Mbps và 256 Kbps tương ứng. USB 2.0 không chỉ nhỏ gọn hơn nhiều mà còn hỗ trợ tính năng "hot-swap" – cắm thiết bị ngoại vi mà không cần khởi động lại máy tính.

    Nhờ mức phí cấp phép thấp và sự tiện lợi vượt trội, USB 2.0 nhanh chóng trở thành phương thức kết nối chủ đạo cho các thiết bị ngoại vi như máy in, chuột, bàn phím, ổ cứng gắn ngoài. USB-IF sau đó cũng giới thiệu thêm các chuẩn nhỏ gọn hơn như USB Mini và USB Micro, mở đường cho việc ứng dụng trên điện thoại và máy tính bảng.

    Ngày nay, tiêu chuẩn nhanh nhất là USB4 Phiên bản 2.0 với tốc độ lên tới 80 Gbps – cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên dữ liệu bùng nổ. Tuy vậy, USB 2.0 vẫn hiện diện rộng rãi, đặc biệt với các thiết bị không cần băng thông cao như chuột và bàn phím. Thậm chí, mẫu iPhone 16e mới nhất của Apple cũng chỉ hỗ trợ tốc độ USB 2.0.

    Sau 25 năm, USB 2.0 vẫn bền bỉ đóng vai trò quan trọng, và nhiều khả năng sẽ còn được sử dụng trong nhiều năm tới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ