Vấn đề của Stack Overflow hay những quy định cực đoan đang bào mòn cộng đồng lập trình lớn nhất thế giới
Stack Overflow từng được coi là nguồn thông tin lập trình mở và miễn phí hàng đầu, thế nhưng giờ đây lại đang bị một nhóm nhỏ thành viên lạm quyền để kiếm điểm uy tín, “huy hiệu” và danh xưng “mod”, để tỏ ra là “chuyên gia” khi đi tìm dự án freelance bên ngoài.
Stack Overflow được Jeff Atwood và Joel Spolsky thành lập năm 2008 với mục tiêu trở thành một nền tảng hỏi đáp mở chuyên về lập trình, thay thế cho các site hỏi đáp đương thời. Nhiều năm nay, Stack Overflow đã là một trong những nguồn tham khảo phổ biến nhất của giới lập trình viên; các câu hỏi trên Stack Overflow cũng thường xuất hiện đầu trang tìm kiếm Google về hầu hết các vấn đề liên quan tới lập trình.
Hai nhà sáng lập Stack Overflow
Tới năm 2015, Stack Overflow đã có hơn 4 triệu người dùng đăng ký cùng khoảng 10 triệu câu hỏi được đặt ra (không tính những câu đã bị xóa). Tuy nhiên, theo một thống kê năm 2013, 77% tổng số người dùng Stack Overflow chỉ hỏi duy nhất 1 câu, 65% người dùng chỉ trả lời 1 câu và chỉ 8% ít ỏi trả lời trên 5 câu. Bài viết dưới đây sẽ lý giải tại sao một tỷ lệ tương tác thấp như vậy lại có thể tồn tại trên nền tảng hỏi đáp lập trình lớn nhất thế giới.
Stack Overflow “không ưa” người dùng mới
Người dùng mới không hề được chào đón trên Stack Overflow (SO). Lập trình viên có tên Jonash Bishop từng than phiền trên blog cá nhân:
“Nỗ lực giữ site quy củ và không bị spam của ban quản trị đã khiến người dùng mới có rất ít quyền lợi khi mới đăng nhập. Về lý thuyết thì điều này cũng hay, nhưng nó cũng khiến cho việc kiếm thêm người dùng mới của trang trở nên rất khó khăn.
Hôm nay tôi có đọc qua vài câu hỏi và muốn viết vài comment vào đó. Thế nhưng không may là tôi chẳng thể comment được bởi người dùng mới không được phép comment vào các bài không phải do họ đăng (bạn phải tích đủ điểm “uy tín” mới có quyền làm vậy). Đăng comment vào bài post gốc rõ là khó nên tôi cũng không buồn làm nữa.
Nhìn khắp lượt site, tôi cũng thấy có rất ít câu cảm giác có thể trả lời. Ngay khi tôi vừa vào trả lời những câu đó, một ai đó (thậm chí có thể là một vài người) đã nhảy vào "đấm cho phát" rồi. Tôi chẳng bao giờ có cơ hội được đưa ra câu trả lời hữu ích. Bạn không chỉ phải cực kỳ hiểu biết về một chủ đề nào đó mà còn phải cực kỳ tốc độ khi đưa ra câu trả lời.
Sau đó tôi cũng cố viết được một câu trả lời, nhưng cũng sớm nhận ra nó chẳng hiệu quả chút nào. Trước khi tôi kịp hành động và sửa câu trả lời thì vài người đã vào downvote nó, thậm chí một số còn để lại comment chê bai khiếm nhã. Quả là một màn chào đón ấm áp! Tôi đã xóa luôn câu trả lời của mình đi.”
Stack Overflow cũng không ưa gì những người dùng khác
Hóa ra không chỉ riêng thành viên mới mới có những trải nghiệm tồi tệ. Một lập trình viên đã lên Hacker News chia sẻ về chuyện tham gia SO khó khăn như thế nào (với cả coder có lẫn không có kinh nghiệm).
“Tôi từng rất vui sướng được cộng 25 điểm đầu tiên vào profile khi ai đó chấp nhận câu trả lời tôi đưa ra trên site. Thế nhưng giờ đây, nếu tôi có đặt câu hỏi (tất nhiên là sau khi đã dành thời gian xem xét chán chê mà không giải quyết nổi), mọi chuyện sẽ diễn ra thế này:
1 - Tôi đặt câu hỏi, post đoạn code cùng thông báo lỗi mà tôi nhận được
2 - Câu hỏi bị downvote
3 - Tôi phải vào trả lời các comment nói câu hỏi của tôi bị trùng với câu từng được hỏi (thực chất là không trùng, tôi đã giải thích rõ là chúng gần giống chứ không trùng).
4 - Trả lời các comment về một dấu chấm phẩy đã bị xóa mất khi tôi cut/paste/sửa code (cho dù thông báo lỗi cho thấy dấu chấm phẩy đó không phải là vấn đề).
5 - Câu hỏi được upvote
6 - Câu trả lời đâu tiên! Nói rằng tôi phải đọc một tài liệu gì đó rồi ném cho một đường link dẫn tới một bài viết chẳng liên quan gì
7 - Cuối cùng cũng có một câu trả lời hữu ích! Tôi đã thử và giải quyết xong vấn đề. Tôi chấp nhận câu trả lời và upvote nó.
8 - Chợt thấy một câu hỏi trùng được đăng lên không đến 1 phút sau khi câu trả lời hữu ích kia được post lên. Người đăng câu hỏi trùng phàn nàn rằng họ mới là người post trước. Tôi nhắn họ rằng thời gian hiển thị cho thấy rõ ràng tôi mới là người đăng trước, nhưng họ vẫn cãi là do…lệch múi giờ.
9 - Sau đó, tôi sẽ nhận được một tin nhắn báo: “Câu hỏi bị đóng (không thể tiếp tục nhận câu trả lời) do mơ hồ và không thể trả lời được”
10 - Kiểm tra lại lần nữa và thấy ai đó đã downvote câu hỏi của tôi
11 - Gửi email tới quản trị viên để nhờ gỡ bỏ downvote
Việc đặt những câu hỏi có phần "không chuyên" luôn khiến chủ topic nhận lại nhiều lời chế giễu
Một lập trình viên có tên Steven K Hicks cũng đưa ra một số lý do khiến anh cảm thấy không thể tham gia nổi vào cộng đồng này:
- Các câu hỏi chung về phát triển phần mềm nhưng không liên quan trực tiếp đến yếu tố kỹ thuật thường bị downvote hoặc đóng không cho trả lời. Ví dụ như một câu hỏi xin tài liệu phục vụ mục đích luyện tập từng bị xóa vì “không phù hợp với cộng đồng”.
- Downvote câu hỏi chính là một hình thức đóng nó lại. Để có quyền downvote đóng câu hỏi, một người dùng cần tích đủ 250 điểm uy tín – mức điểm hoàn toàn không khó kiếm. Thực tế, downvote chỉ nên được dùng để chỉ ra câu hỏi đã đưa thông tin sai lệch hoặc không hữu ích.
- Downvote có thể bị lạm dụng với những câu trả lời đúng nhưng chưa thực sự chính xác, đặc biệt là ở những câu hỏi có thể có nhiều phương án. Chẳng hạn với câu hỏi về tối ưu hóa một ứng dụng Java, câu trả lời thường gặp sẽ là sử dụng một thuật toán hiệu quả hơn – và có lẽ cũng dễ là câu được vote nhiều nhất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một hướng trả lời khác là viết lại code bằng một ngôn ngữ tầm thấp hơn rồi kết nối với app chính qua pipe (Socket, inproc, JNI,..). Cách trả lời thứ hai phù hợp hơn với những trường hợp cụ thể và vẫn có thể coi là chấp nhận được, tuy nhiên khả năng cao sẽ bị downvote. Tôi có hỏi một quản trị viên thì anh ta có xác nhận là chuyện downvote một câu trả lời đúng là hoàn toàn hợp lệ.
Trên blog của Machael’s Techbox, một người có để lại comment đại ý rằng SO từng được coi là nguồn thông tin lập trình mở và miễn phí hàng đầu, thế nhưng giờ đây lại đang bị một nhóm nhỏ thành viên lạm quyền để kiếm điểm uy tín, “huy hiệu” và danh xưng “mod” (quản trị viên), để tỏ ra là “chuyên gia” khi đi tìm dự án freelance bên ngoài.
Một coder khác cũng comment đồng tình trên blog The Programming Works: “SO bây giờ không còn được như xưa. Giờ đây, khả năng bạn nhận được câu trả lời hữu ích trên SO gần như là bằng 0. Thay vào đó, bạn sẽ nhận được cả tá comment kêu ca đại loại là câu hỏi của bạn không phù hợp hay không hữu ích với cộng đồng SO."
Trên đây là một số vấn đề hiện tại của SO. Một vài thông tin đáng chú ý khác về quyền hạn nổi bật của thành viên trên site:
- 39.000 thành viên có điểm uy tín từ 2.000 trở lên có quyền chỉnh sửa câu hỏi của người khác
- 26.000 thành viên có điểm uy tín từ 3.000 trở lên có thể vote đóng câu hỏi. Chỉ cần bị 5 người vote đóng là câu hỏi sẽ được “put on hold” – chờ duyệt mới được mở lại.
- 6.900 thành viên có điểm uy tín từ 10.000 trở lên có thể…xóa câu hỏi.
Trong số hàng nghìn thành viên có đặc quyền như vậy, ai dám đảm bảo họ sẽ luôn làm đúng trách nhiệm và quy định với những người đặt câu hỏi không đúng “phong cách” của họ, nhất là khi quyền hạn này được ban ra mà chẳng cần đến bất cứ kinh nghiệm chuyên môn nào liên quan đến nội dung câu hỏi? Nhiều người dùng phàn nàn họ gặp phải các “thánh troll” liên tục downvote câu hỏi vì những lý do không đâu, thậm chí là không thèm đọc kỹ nội dung câu hoặc để lại comment chế giễu chính người hỏi.
Ai sẽ là người giám sát chính các thành viên quản trị và có đặc quyền trên Stack Overflow?
Tệ hơn, SO còn có quy định tự động xóa câu hỏi một cách không mấy dễ chịu, áp dụng với các câu:
- Đã bị đóng quá 9 ngày trước
- Điểm vote bé hơn hoặc bằng 0
- Không có câu trả lời nào được vote điểm lớn hơn 0
- Không có câu trả lời nào được chấp nhận
- Không có vote yêu cầu mở lại nào đang chờ
- Không được chỉnh sửa trong suốt 9 ngày gần đây
Hậu quả tai hại là nhiều câu hỏi hữu ích không chỉ bị đóng trước khi có người kịp trả lời mà nhiều câu trong số này cũng biến mất vĩnh viễn chỉ sau 9 ngày.
Nền tảng thay thế?
Dù không chuyên về lập trình nhưng Quora có vẻ như là một lựa chọn rõ ràng với nhiều người. Tuy nhiên, nền tảng này cũng mắc phải vài vấn đề tương tự SO, dù có phần nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như việc các câu hỏi "dính" downvote thường sẽ bị ẩn đi với hầu hết người dùng lướt feed Quora, và chuyện câu hỏi bị xóa mà không được đưa ra một lời giải thích hay thông báo nào cũng không hề hiếm gặp.
Chính vì vậy mà mặc dù Quora có vẻ dân chủ và hoạt động hợp lý hơn thì đó cũng chỉ là bề nổi. Tình trạng độc đoán của một nhóm người dùng có đặc quyền cũng đã diễn ra trên site, trong khi nhiều câu hỏi vô cùng ngớ ngẩn vẫn có đất tồn tại.
Tuy nhiên, dẫu có thể nào thì SO và Quora vẫn đang là hai nền tảng hỏi đáp hàng đầu hiện nay. Ranh giới giữa sự quy củ và tính chuyên quyền có vẻ như vô cùng mong manh.
Liệu chúng ta còn những lựa chọn thay thế tiềm năng nào không? Hãy để lại ý kiến của các bạn dưới comment nhé.
Tham khảo Medium
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI