Vấn nạn rác thải nhựa ngày càng nhức nhối: Một con nai vừa chết chỉ vì ăn phải 7kg nhựa
Trong dạ dày của con nai vừa chết tại một công viên bảo tồn ở Thái Lan có chứa rất nhiều loại rác thải nhựa bao gồm túi nhựa, vỏ gói mì ăn liền và thậm chí cả đồ lót của con người.
Rác thải nhựa từ lâu đã trở thành một vấn nạn nhức nhối trên toàn cầu. Vấn nạn này âm ỉ qua từng năm tháng và đang vô tình giết chết cuộc sống của nhiều loài vật, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người.
Nhưng có lẽ không ai nghĩ, vấn nạn ấy lại tràn lan tới mức đáng báo động như hiện nay. Mới đây, một con nai bị phát hiện chết ở Thái Lan và sau khi mổ bụng của nó, người ta tìm thấy khoảng 7kg nhựa bên trong dạ dày của nó. Con nai được tìm thấy trong công viên quốc gia Khun Sathan ở quận phía bắc Na Noi, cách Băng Cốc khoảng 630km.
Theo BBC, con nai có thể đã chết vì ăn phải rác thải nhựa, khiến cơ quan tiêu hóa của nó không thể tiêu thụ.
Kriangsak Thanompun, giám đốc vườn quốc gia và Cục bảo tồn động vật hoang dã, thực vật Thái Lan cho biết: "Chúng tôi tin rằng, nó đã ăn phải đồ nhựa trong một thời gian dài trước khi bị chết".
Trong số rác thải nhựa được tìm thấy trong dạ dày của con nai 10 tuổi này có những vật dụng rất quen thuộc với đời sống con người như găng tay cao su, một chiếc khăn nhỏ, túi đựng rác, gói mì ăn liền và thậm chí cả đồ lót.
Cái chết của con nai chỉ cách một tháng sau khi một con cá cúi bị chết do biến chứng liên quan đến nhựa trong dạ dày.
Thái Lan được biết đến là một trong những quốc gia tiêu thụ nhiều túi nilon nhất. Chính phủ Thái Lan hiện đang nỗ lực giải quyết vấn đề nhựa. Nằm một phần trong sáng kiến đó, một số nhà bán lẻ và cửa hàng bách hóa lớn nhất nước này đã tuyên bố sẽ ngừng sử dụng túi nhựa vào năm tới. Chính phủ cũng có kế hoạch cấm bốn loại nhựa sử dụng một lần, gồm túi nhựa nhẹ, hộp xốp đựng thức ăn, cốc nhựa và ống hút nhựa vào năm 2022.
Hôm thứ Tư, một nhóm các nhà nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature đã cảnh báo, hơn một nửa hệ thống môi trường Trái Đất hiện đang trải qua những thay đổi tiêu cực không thể đảo ngược. Nếu đạt tới điểm giới hạn, chúng ta sẽ không thể đảo ngược tình thế nữa. Điều này sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho hệ sinh thái và tạo ra hiệu ứng nhà kính nguy hiểm.
Theo một nghiên cứu khác của Trung tâm luật môi trường quốc tế, toàn bộ quá trình từ sản xuất đến xử lý nhựa dùng một lần đều góp một lượng lớn khí thải nhà kính.
Từ các hóa chất được thải ra trong quá trình xử lý rác thải nhựa đến việc xử lý không đúng cách có thể dẫn tới lượng khí thải CO2 hàng năm tăng lên tới 2,75 tỷ tấn vào năm 2050.
Tham khảo Vice
NỔI BẬT TRANG CHỦ
CEO Xiaomi Lôi Quân thừa nhận ảnh nằm ngủ trên sàn nhà máy xe điện chỉ là dàn dựng
"Sống ảo" là vậy, nhưng thành tích ấn tượng mà Xiaomi đạt được lại hoàn toàn là thật.
Bkav sử dụng trái phép chứng chỉ quốc tế để quảng cáo cho phần mềm diệt virus