Vận xui khi bị Mỹ trừng phạt trở thành động lực thay đổi cho Huawei: Đổ tiền R&D, chú trọng bằng sáng chế, đầu tư vào dịch vụ đám mây, mạng 6G, xe điện…

    Ứng Minh, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 

    "Những thất vọng và khó khăn, lòng biết ơn và cảm xúc, sự kiên định và trách nhiệm… sẽ biến thành động lực, lòng dũng cảm để chúng ta tiến lên phía trước cho cuộc chiến toàn lực tiếp theo", phát biểu của bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) - Giám đốc tài chính của công ty Huawei, sau khi thoát khỏi những cáo buộc của Mỹ trở về Trung Quốc.

    Mỹ đã ban hành lệnh cấm sử dụng thiết bị Huawei trong chính phủ liên bang, các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei phải có giấy phép xuất khẩu, không cung cấp bất kỳ chất bán dẫn được thiết kế hoặc sản xuất bằng công nghệ của Mỹ để sử dụng cho thiết bị của Huawei.

    Các lệnh trừng phạt đối với Huawei đã có tác động mạnh mẽ đến cả hai mảng kinh doanh chính của họ - điện thoại thông minh và cơ sở hạ tầng viễn thông. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Huawei giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay.

    Doanh số bán điện thoại thông minh của hãng đã giảm hơn 47% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán trong cả năm, công ty sẽ mất tới 40 tỷ USD từ mảng kinh doanh điện thoại thông minh.

    Vận xui khi bị Mỹ trừng phạt trở thành động lực thay đổi cho Huawei: Đổ tiền R&D, chú trọng bằng sáng chế, đầu tư vào dịch vụ đám mây, mạng 6G, xe điện… - Ảnh 1.

    Để ứng phó, Huawei thay đổi hướng kinh doanh truyền thống cũ, tái tạo lại chính mình: tập trung đầu tư mạnh vào công nghệ 6G đang nổi để các công ty khác phụ thuộc vào các bằng sáng chế của họ thay cho các công ty công nghệ ở Mỹ; chuyển hướng từ phát triển và bán thiết bị mạng viễn thông và điện thoại thông minh sang các lĩnh vực ít phụ thuộc hơn vào nguồn cung cấp chip nước ngoài - chẳng hạn như dịch vụ đám mây và phần mềm cho ô tô thông minh.

    Mặc dù Huawei không thể mua chip dành riêng cho ứng dụng dùng trong sản phẩm viễn thông, nhưng hãng đã đảm bảo với các nhà phân tích rằng họ có đủ hàng tồn kho để duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian sắp tới.

    Mảng kinh doanh chính Huawei đang gấp rút xây dựng là dịch vụ đám mây. Huawei đang nhanh chóng phát triển các dịch vụ đám mây mới, cung cấp cho các công ty và cơ quan chính phủ. Tuần trước, công ty đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD trong ba năm tới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trên Huawei Cloud.

    Theo Canalys, mảng kinh doanh đám mây của Huawei tăng 116% trong quý đầu tiên trong năm nay, chiếm 20% thị phần ở Trung Quốc, xếp sau Alibaba Cloud nhưng trước Tencent.

    Kết quả của Huawei Cloud đã được thúc đẩy bởi các dự án của chính phủ, cũng như những thắng lợi quan trọng trong lĩnh vực ô tô.

    Vận xui khi bị Mỹ trừng phạt trở thành động lực thay đổi cho Huawei: Đổ tiền R&D, chú trọng bằng sáng chế, đầu tư vào dịch vụ đám mây, mạng 6G, xe điện… - Ảnh 2.

    Vào tháng 7/2021, truyền thông Trung Quốc đưa tin, Huawei bắt đầu giúp số hóa các ngành bị tụt hậu trong việc áp dụng công nghệ thông tin, cung cấp các thiết bị viễn thông và phần mềm cho các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực như khai thác than và khai thác cảng, cho phép họ giảm chi phí và tăng cường bảo mật.

    Ethan Qi, một nhà phân tích tại Counterpoint Research, cho biết: "Hoạt động kinh doanh này sẽ tiếp tục là một điểm tăng trưởng cho Huawei, doanh thu trong phân khúc đó sẽ tăng lên đến 15% mỗi năm trong vài năm tới"

    Tuy nhiên, đây chỉ là các biện pháp tạm thời, không bù đắp được những khoản doanh thu bị mất, chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu nói với các phóng viên vào tuần trước.

    Huawei đang đặt cược vào một trong những công nghệ lớn nhất là xe điện và xe tự động. Huawei đã thực hiện bước đột phá tại trung tâm R&D vào năm 2014. Trong năm nay, công ty đang xúc tiến kế hoạch thành lập một đội ngũ R&D gồm 5.000 người và đầu tư 1 tỷ USD vào phân khúc này.

    Vận xui khi bị Mỹ trừng phạt trở thành động lực thay đổi cho Huawei: Đổ tiền R&D, chú trọng bằng sáng chế, đầu tư vào dịch vụ đám mây, mạng 6G, xe điện… - Ảnh 3.

     Tính chung, Huawei đã đầu tư 141,9 tỷ nhân dân tệ (22 tỷ USD) vào R&D, chiếm gần 16% doanh thu của hãng. Động lực đằng sau sự tập trung vào nghiên cứu cao cấp này là sự mong muốn giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài - đồng thời tạo cơ sở cho việc tăng tiền bản quyền sở hữu trí tuệ.

    Đã có 5G, Huawei tiếp tục nghiên cứu 6G như một biện pháp phòng ngừa. Theo ông Nhậm Chính Phi, đây là cách để đón đầu lấy bằng sáng chế, để đảm bảo rằng một ngày nào đó khi 6G phổ biến, sẽ không phụ thuộc vào những người khác.

    Ngoài ra, công ty cũng đang khai thác ngày càng nhiều các hệ sinh thái khởi nghiệp đã đầu tư trong những năm gần đây.

    Một công ty khởi nghiệp về quang tử tích hợp có trụ sở tại Ipswich miền đông nước Anh đã được Huawei mua lại vào năm 2012. Gần đây, họ đã phát triển một tia laser trên một con chip có thể hướng ánh sáng vào một sợi cáp quang - một công nghệ thay thế cho công nghệ viễn thông lâu đời.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày