Vẻ đẹp nguyên bản của Xenomorph trong phim Alien - Một trong những con quái vật mang tính biểu tượng nhất ngành điện ảnh
Sau gần 40 năm, kiệt tác Alien của đạo diễn Ridley Scott vẫn giữ nguyên giá trị như thuở ban đầu.
Bài thử thời gian là một thứ gì đó khắc nghiệt, không chút nhân từ, cứ tiếp tục diễn ra mà không đoái hoài gì đến những sự vật bị nó ảnh hưởng. Con người nhỏ bé chúng ta không nằm ngoài tầm ảnh hưởng mãnh liệt của nó, nhưng ta có một cách để “gian lận” trong bài thử đó: đó là tạo ra những tuyệt tác, những tuyệt phẩm đứng vững với thời gian. Bộ phim Alien từ đạo diễn Ridley Scott và con quái vật không gian mang tên Xenomorph là một minh chứng rõ ràng vậy.
Công sức của đạo diễn và nhà thiết kế tài ba, cũng đội ngũ làm phim và kĩ xảo đã tạo ra được con quái mang tính biểu tượng bậc nhất lịch sử điện ảnh và có lẽ, cả lịch sử của nghệ thuật và sáng tạo.
Câu chuyện trong bộ phim Alien đầu tiên của năm 1979 rất đơn giản: trong không gian chật hẹp của con tàu chở hàng Nostromo, một phi hành đoàn đối mặt với một sinh vật gớm ghiếc đáng sợ - một kịch bản chẳng khác mấy so với những bộ phim có bối cảnh là nhà ma ám, chẳng qua là diễn ra trên vũ trụ. Thế mà gần 40 năm sau, bộ phim ấy vẫn là một trải nghiệm sợ hãi tuyệt vời.
Một phần lớn, đó là nhờ công sức của cố nhà thiết kế H. R. Giger. Ông đã tạo ra một nhân vật phản diện dù chẳng có lời thoại nào, nhưng vẫn có thể gây những chấn động tâm lý mạnh mẽ tới khán giả.
Cuộc đời của H. R. Giger – Người kiến tạo Xenomorph
Hans Rudolf "H.R." Giger (5/2/1940 – 12/5/2014) là một họa sĩ, một nghệ sĩ thuộc trường phái siêu thực và là một nhà thiết kế trong kiến trúc và công nghiệp.
Hans Rudolf "H.R." Giger.
Lớn lên trong những căn phòng tối tại Chur, Graubünden Canton, Thụy Sĩ, tuổi thơ của ông không đau khổ nhưng cũng chẳng tươi sáng như nhiều đứa trẻ khác. Ông bị giày vò bởi một căn bệnh được biết tới với cái tên “Ác mộng Ban đêm – Night Terror”, khiến ông gặp cảm giác khủng khiếp và đáng sợ vài giờ trước khi ngủ. Ông kể lại rằng chính kệ thuật, những bức tranh mà ông vẽ đã là một liều thuốc an thần vô cùng hữu hiệu.
Và một đêm, giấc mơ định mệnh đã đến. H. R. Giger kể lại rằng vào một đêm năm 1970, ông thấy cảnh mình đang bị giam cầm trong một nhà vệ sinh tại Zurich. Cái bệ xí cũ khí ngáp dài một cách uể oải, những đồ vật bắt đầu rung lên, ống nước biến thành một thứ da thịt gì đó đầy vết thương. Trên tường, một con quái vật không rõ nguồn gốc đang nhìn ông qua khe nứt. Khi ông quay đầu bỏ chạy, ông bật dậy trong sợ hãi. Và Giger bắt đầu vẽ lại những hình ảnh đáng sợ ấy: ông đã vẽ nên sinh cơ học – biomechanic.
Giger trong phòng làm việc của mình.
Ông luôn gọi những tác phẩm biomechanic của mình không chỉ đơn giản là một cách trấn an tinh thần. Mặc dù những bức vẽ đầy kinh sợ của ông luôn làm người ta e dè, ông vẫn luôn khuyến khích họ nhìn lại một lần nữa, họ sẽ thấy nhiều thứ mang dáng dấp nghệ thuật tươi đẹp hơn. “Những thứ đó gần như là nền tảng xây dựng nên tất cả những tác phẩm sau này của tôi”, Giger nói.
Rất hiếm để những tác phẩm được cho là ghê tởm, đen tối, gợi lên những góc khuất của sinh vật lại vừa lôi cuốn đến vậy. Thứ nghệ thuật của Giger độc đáo đến mức có một tính từ riêng để chỉ những sự vật ấy – một tính từ được đặt theo tên của H. R. Giger, từ “gigeresque”. Nó là sự kết hợp của “giger” và đuôi “-esque”, có nghĩa là mang hơi hướng, phóng cách nghệ thuật của Giger.
Giger-esque.
Khi đạo diễn Ridley Scott và người viết kịch bản Dan O'Bannon xem quyển sách Necronom IV của Giger – tác phẩm về những sinh vật quái dị, họ đã biết ngay rằng đây chính là giống loài sẽ xuất hiện trong bộ phim Alien của mình. Năm 1977, họ gặp mặt H. R. Giger để bàn bạc công việc. Tác phẩm Necronom IV và V đã tạo nên sinh vật Xenomorph cho bộ phim Alien. Đạo diễn Scott vô cùng ấn tượng với những thiết kế của Giger, khăng khăng rằng ông muốn lưu giữ hoàn toàn sinh vật đó lên màn ảnh, chỉnh sửa ít nhất có thể.
Hình ảnh sinh vật quái dị từ cuốn sách Necronom IV.
Sự kết hợp hoàn hảo của khoa học giả tưởng, cơ chế sinh học của loài quái vật không gian, hơi hướng kỹ nghệ của các thiết kế đã tạo nên một bộ phim Alien đầy sức hút.
“Tôi luôn muốn con quái vật ngoài hành tinh của mình là một sinh vật tuyệt đẹp, một thứ có giá trị thẩm mỹ cao. Một con quái vật không chỉ là một thứ gì đó kinh tởm – nó có thể có vẻ đẹp của riêng mình”, H. R. Giger nói về đứa con tinh thần của mình như vậy. “Tôi đã không thể thành công được như vậy khi không có bộ phim Alien này”.
Con quái vật Xenomorph – Vẻ đẹp của sự sợ hãi tột cùng
Thuở bé, loạt phim Alien luôn có một sức hút mãnh liệt với tôi. Chuỗi những đêm không ngủ, trốn bố mẹ xem phim muộn luôn để lại cho tôi một cơn ác mộng ám ảnh tuổi thơ theo cách tuyệt vời nhất. Ngày ấy, tôi sợ con quái vật Alien nhưng ngày nay, năm nào tôi cũng xem lại loạt phim Alien ít nhất là một lần.
Trailer nguyên bản của Alien 1979 - Bạn không hề thấy con quái vật xuất hiện ở đâu.
Khó có thể tưởng tượng ra cái thời điểm của năm 1979, con quái vật Xenomorph đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với khán giả như thế nào.
Ngày đó, người ta kinh sợ với những con quái vật của tự nhiên như nhện khổng lồ hay kiến ăn thịt người, của một sự kết hợp đáng kinh tởm giữa con vật và con người như người sói hay người ruồi, người ta chưa thấy một thứ gì đó thực sự ghê tởm tới từ “ngoài hành tinh”. Nhà thiết kế Giger đã không bị trói buộc bởi bất kì nguyên tắc làm phim nào, và đã tạo ra được một sinh vật đặc biệt như thế.
Sinh vật facehugger nguyên bản.
Không giống như những sinh vật ngoài hành tinh “cùng trang lứa khác”, con Xenomorph không phải là một giống loài vô cùng thông minh với những công nghệ vượt trội với con người, bay xuyên không gian trong những con tàu vũ trụ bóng loáng. Không, chúng là loài kí sinh ghê tởm với bản năng nguyên thủy, tấn công và chiếm hữu loài khác để sinh sôi. Theo lời Giger, bản năng này chính là thứ đại diện cho loài người, cho cơ chế sinh tồn cơ bản nhất – nỗ lực sống sót một cách máy móc, lạnh lùng.
Hình mẫu con Xenomorph trong phim được tạo nên từ một chiếc sọ người thực.
Cái đẹp trong bộ phim Alien cũng đến từ những chuỗi hình ảnh tuyệt vời. Ta hiểu được hoàn toàn quá trình con quái vật được sinh ra mà chẳng cần tới lời thoại nào giải thích, rằng trứng thế này rồi quái vật sinh ra thế kia. Ta học được nó qua chính những hình ảnh trực quan và qua trải nghiệm kinh hoàng của những nhân vật trong phim. H. R. Giger cũng là người tạo nên toàn bộ những sinh vật ấy.
Đầu tiên, từ quả trứng bật ra một sinh vật có tên là facehugger (face – mặt, hugger – ôm), bám lấy mặt của vật chủ và đẻ vào bụng họ một bào thai. Sau một thời gian ấp ủ, con quái vật chestburster (chest – ngực, burster – xuyên phá) sẽ phá tung lồng ngực của vật chủ xấu số, bò ra ngoài. Sau khi kiếm ăn và lột xác liên tục, chúng sẽ biến thành một con Xenomorph trưởng thành, có hình dáng của sinh vật mà chúng đã kí sinh. Trong Alien, thì đó là cố diễn viên John Hurt trong vai chàng Kane xấu số.
Cái chết của nhân vật Kane trong Alien.
Bản thân con quái vật lại không xuất hiện quá nhiều trong bộ phim. Với việc giấu đi con quái vật không gian trong không gian chật hẹp, đầy chỗ trốn và những đường thông gió của tàu Nostromo, đạo diễn Ridley Scott đã để khán giả tự mò đoán, tự tưởng tượng và chắp nối những cảnh nhỏ lại để tưởng tượng ra con quái vật ấy có hình thù gì. Như ông Scott nói, không có yếu tố sợ hãi nào lớn bằng trí tưởng tượng của con người, và không có gì đáng sợ với con người hơn là một điều bí ẩn.
Và thế là họ đã có một tuyệt tác. Bộ phim Alien – Quái vật Không gian đã kiếm được số tiền hơn 10 lần ngân sách bỏ ra, khiến cái tên Ridley Scott trở nên vô cùng nổi tiếng (Alien mới là dự án lớn thứ hai của Scott, sau bộ phim Blade Runner cũng gặt hái được rất nhiều thành công), khiến nữ diễn viên Sigourney Weaver trở thành minh tinh màn bạc và khiến con quái vật Xenomorph, đứa con của H. R. Giger trở thành tác phẩm đáng giá nhất của cố nhà thiết kế này. Năm 1980, Giger đã giành được một giải Oscar nhờ thiết kế tuyệt vời trong phim.
Giải Oscar xứng đáng của H. R. Giger.
Trong vũ trụ, không ai có thể nghe thấy bạn gào lên trong sợ hãi
Còn rất nhiều điều để nói về bộ phim tuyệt vời này. Ví dụ như cảnh sinh vật chestburster chui ra từ lồng ngực đã làm các diễn viên giật mình như thế nào, khi mà họ chỉ biết rằng “con quái vật sẽ chui ra từ ngực của Kane”. Đội ngũ sản xuất phim muốn nắm bắt những yếu tố sợ hãi trong chính những ánh mắt của diễn viên, khi mà họ đang e sợ điều bí ẩn và không rõ chuyện gì xảy ra.
Hay một ví dụ khác, khi đạo diễn Ridley Scott nói rằng trong nguyên bản của Alien, nữ diễn viên chính Ripley sẽ bị con Xenomorph xé xác, con tàu sẽ cứ thế trôi dạt trong vũ trụ.
Con quái vật Xenomorph trong Aliens.
Càng nói thêm, ta lại càng thấy được rằng bộ phim Alien không hề mất đi chút giá trị nào sau gần 40 năm dài tồn tại, và con quái vật Xenomorph đáng sợ, ghê tởm nhưng lại đẹp vô cùng – một cơn ác mộng tuyệt đẹp.
Sắp tới, bộ phim Alien: Covenant – phần tiếp theo của Prometheus, bối cảnh đều diễn ra trước tuyệt phẩm Alien năm 1979 sẽ ra rạp. Tại Việt Nam, ta sẽ có thể xem trước khu vực Bắc Mỹ tới 1 tuần, chính xác là ngày 12/5 tới, Alien: Covenant sẽ khởi chiếu. Nếu bạn là fan của loạt phim về loài quái vật không gian hung hãn này, bạn sẽ không muốn bỏ lỡ phần phim này đâu.
Hãy đi xem để một lần nữa chiêm ngưỡng tuyệt phẩm của H. R. Giger trên màn bạc, để tưởng nhớ tới cố nhà thiết kế tài ba này, khi ông đã đem lại cho ta một con quái vật ghê sợ nhưng vô cùng đáng nhớ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming