Do đó, người dân Venezuela thường chỉ sử dụng các điện thoại của Samsung, Huawei, Nokia... Với họ, như vậy chỉ đơn giản "mất thì đỡ tiếc".
Maria Veronica Fernandez đã phải đến 8 cửa hàng ở Caracas (Venezuela) để tìm mua chiếc điện thoại chính cô cũng không thích. Sau khi bị mất chiếc Galaxy S4 trong một vụ cướp vào tháng 5, Fernandez lại rơi vào cảnh thiếu thốn hàng hóa tại đất nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới (63%), lương thực thiếu thốn và tội phạm bùng phát.
"Đó là cảm giác tuyệt vọng khi bạn phải đi 3, 4 siêu thị mà không tìm nổi một cuộn giấy vệ sinh", Fernandez than thở. Sau vài tuần chờ đợi, cô đã mua một chiếc Samsung Galaxy Fame, đơn giản và ít chức năng hơn, "Ít ra nếu bị mất thì tôi cũng không tiếc lắm"
Hãy quên đi những chiếc điện thoại top-end. Một dự báo của Pyramid Research cho biết sẽ chỉ có 4,6 triệu chiếc điện thoại được bán ra tại nước này trong năm 2015. Con số này thấp hơn gần một nửa so với 9 triệu chiếc được bán ra trong năm 2012. Đó là một sự tăng trưởng ngược so với xu thế chung của cả khu vực Mỹ Latin hiện nay. Trong năm ngoái, thị trường điện thoại của khu vực này đã tăng trưởng 4%.
Nền kinh tế siêu lạm phát
Với người dân Venezuela, có nhiều thứ trong cuộc sống họ cần lo lắng hơn là một chiếc điện thoại di động. Với mức lạm phát cao nhất thế giới hiện nay, người dân nước này rơi vào tình trạng thiếu thốn lương thực và nhu yếu phẩm trong cuộc sống. Điều này còn trở nên tồi tệ hơn bởi sự thiếu thốn dẫn đến tình trạng cướp bóc và tội phạm xuất hiện ngày càng nhiều nơi đây.
Mọi việc xuất phát từ giá dầu thế giới giảm sâu trong suốt thời gian qua. Venezuela là một đất nước có nền kinh tế phụ thuộc vào dầu (chiếm 95% lượng hàng xuất khẩu của cả nước). Do đó việc giảm giá dầu khiến nước này rơi vào tình cảnh khan hiếm ngoại tệ, mà chủ yếu là USD. Điều này dẫn đến việc đồng tiền ở đây bị mất giá trầm trọng so với đồng USD. Đồng Bolivar bị mất giá liên tục do ảnh hưởng của mức lạm phát cao nhất thế giới của nước này.
Người dân nước này tìm đến đồng USD như một sự đảm bảo cho tài sản của họ khi đồng nội tệ bị mất giá nhanh chóng. Mặc cho những nỗ lực bình ổn giá của chính phủ, tỷ giá Bolivar/USD vẫn biến động không phanh. Tỉ giá này hiện đang công bố là khoảng 6,89 Bolivar/1 USD, thế nhưng đó chỉ là tỷ giá ưu tiên được chính phủ sử dụng cho việc mua sắm các trang thiết bị y tế và thực phẩm. Với giá chợ đen thực tế, con số này còn cao hơn thế rất nhiều.
Giá điện thoại trên trời
Với việc đồng tiền mất giá và nền kinh tế lạm phát, không quá khó hiểu khi việc mua những chiếc điện thoại ở nước này là một điều vô cùng khó khăn. Một chiếc iPhone 6 ở nước này được bán với giá khoảng 300.000 Bolivar (khoảng 1 tỷ VND) trên site thương mại điện tử Mercado Libre. Con số này cao gấp 41 lần mức lương tối thiểu hàng tháng của người dân Venezuela. Những chiếc smartphone khác cũng không khá hơn khi nguồn cung hàng ở đây là khá khan hiếm. Cô Maria Veronica Fernandez, người vừa bị mất chiếc Samsung Galaxy S4 của mình ở đây đã phải mua lại một chiếc Samsung Galaxy Fame với giá 17.000 Bolivar (khoảng 58 triệu VND).
Đắt là vậy, nhưng ngay cả khi bạn có tiền thì bạn cũng chưa chắc sẽ mua được những chiếc điện thoại này. Tại Caracas - thủ đô Venezuela, chỉ có khoảng 2, 3 cửa hàng phân phối những chiếc điện thoại cao cấp. Đó là chưa kể gần như không thể có những chiếc iPhone đời mới nhất tại đây. Những thương hiệu điện thoại phổ biến đều là của Trung Quốc, bao gồm: HuaWei, ZTE, một số ít những chiếc điện thoại của Samsung, Nokia và LG.
Sức tiêu thụ của những dòng điện thoại cao cấp hạn chế còn bởi tỉ lệ tội phạm cao ở đất nước này. Những chiếc smartphone giờ đây là mục tiêu số một của tội phạm trên đường. Bằng phương tiện tốc độ như xe máy, chúng sẵn sàng giật bất kì chiếc điện thoại nào đang được sử dụng hớ hênh trên phố. Nếu bạn cố gắng chống trả, nhiều khả năng thứ mà bạn mất sẽ không đơn giản là một chiếc điện thoại. Trong 2 năm qua, có ít nhất 240 vụ cướp xảy ra vào giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5, chỉ tính ở riêng Chacao. Con số thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều vì không phải tất cả các vụ đều được ghi nhận.
"Bạn không bao giờ biết cách phản ứng với những tình huống như thế" - Fernandez, người phụ nữ bị cướp điện thoại được đề cập ở đầu bài cho biết - "Cuối cùng, tất cả những gì bạn làm chỉ là chấp nhận, thật tồi tệ".
Tham khảo: BloomBerg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"