Vi khuẩn ho gà đã kháng vắc-xin, chúng ta sẽ cần một vắc-xin mới trong thập kỷ tới

    zknight,  

    Những người tiếp xúc với trẻ em và phụ nữ mang thai cũng cần tiêm vắc-xin để tạo ra kháng thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi căn bệnh.

    Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Vaccine, chủng vi khuẩn gây bệnh ho gà mà chúng ta từng biết đến đã tiến hóa thành siêu vi khuẩn. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ cần một loại vắc-xin mới để chống lại căn bệnh hô hấp nguy hiểm này.

    Những đứa trẻ bây giờ vẫn đang tiêm vắc-xin ho gà thế hệ cũ, được phát triển từ năm 2000 nhắm vào ba loại kháng nguyên trong vi khuẩn. Tuy nhiên, báo cáo ở Úc cho thấy một số trẻ đã tiêm vắc-xin ho gà nhưng vẫn bị mắc bệnh.

    Từ năm 2008 đến năm 2012, Úc báo cáo tổng cộng 140.000 trường hợp mắc ho gà, với đỉnh điểm vào năm 2011 lên tới 40.000 ca bệnh. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi – đặc biệt là những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ chưa được chủng ngừa có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất, bởi chúng còn quá nhỏ để tiêm vắc-xin.

    Vi khuẩn ho gà đã kháng vắc-xin, chúng ta sẽ cần một vắc-xin mới trong thập kỷ tới - Ảnh 1.

    Vi khuẩn ho gà đã kháng vắc-xin, chúng ta sẽ cần một vắc-xin mới trong thập kỷ tới

    Vi khuẩn ho gà đã trở thành siêu vi khuẩn

    Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc thậm chí hơn 3 tháng. Ho gà vì vậy còn được gọi là "ho 100 ngày".

    Những cơn ho gà có đặc điểm đặc trưng làm nên cái tên của nó. Bệnh nhân thường rũ rượi không thể kìm hãm được, xen kẽ giữa những cơn ho đó là một giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho, người bệnh thường chảy nhiều đờm dãi hoặc nôn.

    Vi khuẩn gây ho gà có tên khoa học là Bordetella pertussis . Nó lần đầu được phát hiện vào năm 1906. Các nhà khoa học đã bào chế được vắc-xin ngăn chặn bệnh ho gà, từ đó cứu sống được hơn nửa triệu người mỗi năm.

    Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới của Đại học New South Wales, lần đầu tiên các nhà khoa học đưa ra bằng chứng cho thấy các chủng vi khuẩn ho gà đã biến đổi để sống sót tốt hơn trong vật chủ của chúng, bất kể đối tượng đã được tiêm chủng hay chưa.

    Hai đồng tác giả nghiên cứu, nhà vi trùng học, Tiến sĩ Laurence Lưu và Giáo sư Ruiting Lan, cho biết khả năng thích nghi để sống sót bên trong cơ thể người của vi khuẩn ho gà hiện tại là câu trả lời cho sự hồi sinh bất ngờ của căn bệnh này tại Úc, mặc dù nước này luôn duy trì được tỷ lệ tiêm chủng cao.

    "Chúng tôi đã tìm thấy các chủng ho gà đang tiến hóa để cải thiện khả năng sống sót của chúng, bất kể một người có được tiêm vắc-xin hay không. Chúng làm vậy bằng cách sản xuất nhiều protein liên kết và vận chuyển chất dinh dưỡng, và giảm sinh các protein bị phát hiện bởi hệ miễn dịch hoặc nhắm mục tiêu bởi vắc-xin", tiến sĩ Lưu nói.

    "Điều này cho phép vi khuẩn ho gà lấy được chất dinh dưỡng từ vật chủ hiệu quả hơn trong quá trình lây nhiễm, đồng thời trốn tránh được hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể".

    "Nói một cách đơn giản, vi khuẩn gây bệnh ho gà đang ẩn náu và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn - chúng đang biến thành một siêu vi khuẩn", tiến sĩ Lưu cảnh báo. Ông nói rằng ngay cả người đã được tiêm vắc-xin ho gà cũng vẫn có thể bị nhiễm vi khuẩn mà không có triệu chứng.

    "Vi khuẩn vẫn có thể xâm chiếm bạn và sống sót mà không gây bệnh - bạn có thể sẽ không biết mình đã bị nhiễm vi khuẩn ho gà vì bạn không có các triệu chứng", tiến sĩ Lưu nói. "Vì vậy, bây giờ chúng ta sẽ cần một loại vắc-xin mới có tính bảo vệ cao hơn, chống lại được các chủng ho gà tiến hóa, ngăn chặn sự lây truyền bệnh và cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài hơn".

    Vi khuẩn ho gà đã kháng vắc-xin, chúng ta sẽ cần một vắc-xin mới trong thập kỷ tới - Ảnh 2.

    Bordetella pertussis gây ho gà đã biến thành siêu vi khuẩn.

    Chúng ta vẫn phải tiêm phòng vắc-xin cũ song song với việc phát triển vắc-xin mới

    Giáo sư Lan cho biết bản thân ông mong đợi rằng một loại vắc-xin ho gà mới sẽ được phát triển thành công trong vòng 5-10 năm tới. Trong khi đó, các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin cũ nhất thiết vẫn cần phải được tiến hành.

    "Điều quan trọng là mọi người phải tiêm vắc-xin để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh ho gà - vắc-xin hiện tại vẫn có hiệu quả để bảo vệ chống lại căn bệnh này - nhưng về lâu dài, vắc-xin mới cần được phát triển", Giáo sư Lan nói.

    Chúng ta cần nghiên cứu nhiều hơn để hiểu rõ hơn đặc điểm sinh học của vi khuẩn ho gà, cách chúng gây bệnh và loại protein nào đã giúp vi khuẩn gây nhiễm trùng. Chỉ có vậy, chúng ta mới có thể nhắm mục tiêu vào các protein này và tạo ra được một loại vắc-xin cải tiến mới.

    Bác sĩ Lưu đồng ý rằng điều quan trọng cần làm lúc này vẫn là duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao hàng năm cho bệnh ho gà. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em từ 2 đến 18 tháng tuổi nên hoàn thành đủ 4 mũi vắc-xin ho gà. Sau đó, các mũi tiêm nên được nhắc lại mỗi 3-6 năm.

    "Mặc dù số ca mắc bệnh ho gà đã tăng lên trong thập kỷ qua, nhưng nó vẫn chưa tăng đến mức cao như trước khi chúng ta có vắc-xin", tiến sĩ Lưu nói. 

    "Do đó, chúng tôi nhấn mạnh rằng Úc phải duy trì được tỷ lệ tiêm chủng cao để bảo vệ những đứa trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương, những đứa trẻ không được bảo vệ bởi khả năng miễn dịch của người mẹ và chưa thể hoàn thành đủ các mũi tiêm chính, gồm ba liều cho đến khi chúng được sáu tháng tuổi".

    "Vì vậy, tiêm chủng đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, những người tiếp xúc với trẻ em và phụ nữ mang thai cũng cần tiêm vắc-xin để tạo ra kháng thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị ho gà trong vài tuần đầu đời".

    Ngoài những em bé dưới 6 tháng có nguy cơ mắc bệnh cao, người già, những người sống chung với người bị ho gà và những người chưa từng tiêm nhắc lại trong 10 năm qua, cũng có nguy cơ cao mắc ho gà.

    Đặc biệt, thời tiết vào mùa xuân tới sẽ là lúc ho gà dễ lây lan nhất, do vi khuẩn lợi dụng thời tiết ẩm để phát triển mạnh hơn. Ho gà rất dễ lây lan qua dịch tiết cơ thể, từ những đợt ho hoặc hắt hơi của người bệnh.

    Tham khảo Sciencedaily

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày