Ra mắt ngôn ngữ lập trình riêng là điều mà không phải một ông lớn công nghệ nào cũng có thể làm được.
Gần một năm về trước, tại WWDC 2014, Apple đã chính thức giới thiệu đến giới lập trình viên ngôn ngữ lập trình Swift mới nhất của họ. Swift được hứa hẹn sẽ giúp các lập trình viên làm việc dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn so với ngôn ngữ Objective-C đang được sử dụng hiện nay. Nhìn xa hơn một chút, Google cũng ra mắt ngôn ngữ nguồn mở Google Go của mình vào năm 2009. Vậy tại sao họ lại phải bỏ tâm sức để làm những điều như vậy?
Sự ảnh hưởng đối với các nền tảng
Khi nhắc đến ngôn ngữ lập trình riêng, chúng ta sẽ nhớ đến những hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Lí do đơn giản là vì chỉ có họ mới đủ tài lực lẫn nhân lực để tạo ra những thứ như vậy. Microsoft vào năm 1991 đã phát hành ngôn ngữ lập trình Visual Basic (VB) như một sự hợp lí hóa trong việc phát triển phần mềm. Nó nằm trong số những ngôn ngữ lập trình xuất hiện đầu tiên và nhanh chóng đạt được những thành công cho riêng mình. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, bên cạnh những ngôn ngữ lập trình quá phổ biến như C, C , C#, Java,... thì người ta sẽ nói nhiều đến ngôn ngữ lập trình riêng của Apple và Google.
Craig Federighi - Phó Chủ tịch cấp cao của Apple giới thiệu Swift tại WWDC 2014
Trước khi ra mắt Swift, Apple vẫn trung thành với việc sử dụng ngôn ngữ lập trình đã hơn 35 năm tuổi Objective-C để xây dựng các ứng dụng cho máy Mac và các i-Devices của họ. Ngôn ngữ lập trình này trở thành một điều kiện tiên quyết cho các lập trình viên muốn tham gia vào việc lập trình ứng dụng cho App Store của Mac, iPhone, iPad,... Ngôn ngữ lập trình được đánh giá là khá đơn giản và nhỏ gọn này hiện là "xương sống" của hầu hết các ứng dụng đình đám mà các bạn đang sử dụng trên các thiết bị của Apple ngày nay. Nhưng nó lại không phải do Apple tạo ra.
Còn về Google, họ đã bắt đầu ý tưởng xây dựng ngôn ngữ lập trình của riêng mình khi ra mắt Google Go vào năm 2009. Tuy vậy khác với Apple, Google thử nghiệm rất nhiều ngôn ngữ lập trình khác nữa như Google Dart (rất ít phổ biến) hay mới đây nhất là Weave dành cho các thiết bị Internet of Things. Hệ sinh thái của Google khác với Apple, và mỗi ngôn ngữ của họ được sinh ra thường chỉ nhằm cải thiện một điều gì đó mà các lập trình viên cần tới cho công việc của họ.
Sự lớn mạnh của các công ty công nghệ lớn dẫn đến việc mỗi đơn vị có hẳn một hệ sinh thái công nghệ riêng, nơi mà hệ điều hành của họ là nền tảng chủ lực kết nối tất cả. Chúng ta đều biết yếu tố cực kì quan trọng để đánh giá sự thành công của các thiết bị công nghệ thương mại hiện nay là ứng dụng phần mềm. Một khi bạn kiểm soát được các công cụ tạo ra chúng, bạn sẽ kiểm soát được chất lượng của nền tảng phần mềm và thậm chí là cả sự hài lòng của người sử dụng.
Giá trị về nhân lực
Giữa các nhà cung cấp như Apple và Google với các đơn vị phát triển phần mềm luôn tồn tại mối quan hệ Win-Win huyền thoại. Trong khi các công ty công nghệ có được các ứng dụng tốt cho chợ ứng dụng của mình thì bản thân các đơn vị lập trình sẽ có được tiền bạc, thậm chí là danh tiếng nếu sản phẩm của họ thành công.
Vậy nên việc ra mắt các ngôn ngữ lập trình riêng sẽ giúp các ông lớn công nghệ có thể hỗ trợ "đến tận răng" cho các nhà sản xuất phần mềm và ứng dụng. Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy các ngôn ngữ ngày nay đang được xây dựng theo hướng đơn giản hóa và logic nhất có thể. Lí do là bởi nó sẽ giúp các lập trình viên cũ có thể dễ dàng chuyển qua nền tảng mới, cũng như các lập trình viên mới có thể dễ dàng làm quen và gia nhập cái thế giới "code app" này. Thậm chí sẽ có hàng tá các tài liệu kiểu như "Lập trình iOS trong vòng 7 ngày", "Xây dựng ứng dụng Android trong chớp mắt",... mà chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet (Nhưng không phải tài liệu nào cũng miễn phí).
Việc hỗ trợ này sẽ giúp những công ty như Apple và Google dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm những nhân sự giỏi trong lập trình, vì một khi bạn đã làm quen được với ngôn ngữ lập trình của họ thì việc làm việc cùng nhau là rất dễ dàng. Mặc dù vậy, nếu bạn là một lập trình viên xuất sắc, cơ hội để bạn thành công trên những nền tảng như iOS hay Android là không hề thiếu chứ chẳng cần phải chờ đến lời mời của Apple hay Google.
Và giờ thì hãy tưởng tượng: khi mà những ngôn ngữ lập trình dễ tiếp cận, dễ tạo ra ứng dụng và thậm chí là dễ kiếm tiền từ chợ ứng dụng này xuất hiện, những lập trình viên mới sẽ chọn gì? Tất nhiên giỏi lập trình thì kể cả những ngôn ngữ "đồ cổ" như C cũng có thể giúp bạn giàu có, nhưng lợi thế quá rõ ràng sẽ giúp các ngôn ngữ lập trình như Swift của Apple nhanh chóng thu hút giới lập trình viên. Và bạn biết đấy, càng nhiều lập trình viên thì sẽ có càng nhiều ứng dụng, mà càng nhiều ứng dụng thì cả Apple lẫn người dùng iPhone, iPad, Macbook,... đều có lợi.
Tầm nhìn và tương lai
Có một câu hỏi mà có lẽ nhiều người thắc mắc: vậy Apple và Google có thu được tiền từ việc ra mắt ngôn ngữ lập trình không?
Câu trả lời là không, ít ra là không trực tiếp. Bạn có thể dễ dàng lập trình với Swift hay Google Go mà không cần phải trả mất kì một khoản phí nào cả, cũng như các ngôn ngữ lập trình truyền thống vậy. Nhưng như đã nói ở trên, một nền tảng lập trình ổn định và phát triển mới là thứ "lợi nhuận" tốt nhất của các công ty này.
Kể từ khi ra mắt, Swift đã phát triển một cách vô cùng nhanh chóng. Xuất hiện từ tháng 6 năm ngoái, đến nay đã có rất nhiều lập trình viên trên toàn thế giới dõi theo và dần chuyển đổi sang ngôn ngữ lập trình này thông qua những địa chỉ nổi tiếng(Như Topcoder chẳng hạn). Ngay cả ứng dụng xuất sắc nhất năm 2013 trên App Store: Duolingo cũng là một trong những ứng dụng tiên phong chuyển đổi sang ngôn ngữ lập trình mới này.
Tuy vậy những ngôn ngữ lập trình mới như vậy vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Swift còn bị cho là quá đơn giản và chưa đủ mạnh để hỗ trợ lập trình cho nền tảng Mac OS X, trong khi các ngôn ngữ của Google khiến người ta đặt câu hỏi liệu họ có thật sự muốn xây dựng muốn thứ gì đó "quy chuẩn" cho việc lập trình trên nền tảng của mình? Cả Apple và Google vẫn cần phải bổ sung sức mạnh cho những đứa con này, đơn giản là vì chúng chính là nền móng cho sự thành công trên các thiết bị của họ. Ngày nào họ còn nắm được những ngôn ngữ lập trình này trong tay, ngày đó họ vẫn còn có thể đảm bảo cho tương lai của hệ sinh thái công nghệ của họ.
Dự kiến Apple sẽ tiếp tục ra mắt những cập nhật mới cho Swift tại WWDC 2 ngày tới.
Tham khảo: BusinessInsider
>>Yahoo sẽ khai tử “những cột mốc quan trọng trong lịch sử internet” của công ty
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android