Vì sao camera "thò thụt" là ý tưởng tồi tệ: Cùng nhìn về "dế" nắp trượt, Android đời đầu và Nokia
Có một điều nhiều người chưa nhận ra về độ bền của Nokia: hãng điện thoại Phần Lan rất trung thành với thiết kế "thanh kẹo" và hạn chế các thành phần chuyển động trên thân điện thoại. Những chiếc điện thoại có camera "thò thụt" của OPPO và Vivo đang đi ngược lại nguyên tắc đó.
Trong một năm Samsung chỉ tập trung cải thiện cấu hình và Apple (cùng các “học trò” Trung Quốc) chỉ có thể thu hút sự chú ý bằng “tai thỏ”, chiếc camera “thò thụt” của OPPO và Vivo có thể coi là bước tiến công nghệ đáng chú ý nhất của toàn bộ làng camera smartphone. Đúng vậy, khi iPhone X vẫn chưa thể giải quyết vấn đề của cái “rãnh”, chính 2 công ty vốn thường xuyên copy Apple đã lại là những kẻ đầu tiên đưa ra lời giải.
Thoạt nhìn, đây quả thực là một bước tiến lớn cho smartphone Trung Quốc. Sau hàng năm trời núp bóng Apple, nay họ đã thực sự khai sáng ra một công nghệ hoàn toàn mới mẻ và chạm tay vào một cột mốc mà Apple vẫn chưa làm được. Smartphone của OPPO và Vivo vẫn có “cái cằm” khá lớn, song rõ ràng là so với Apple, 2 thương hiệu của BKK Electronics đang ở gần với cột mốc “toàn màn hình” hơn bao giờ hết.
Cơ chế thò thụt của Vivo.
Đáng tiếc rằng đây sẽ là một giải pháp không hoàn hảo. Muốn biết tại sao, bạn hãy nhìn vào những chiếc điện thoại đại diện cho quá khứ: bàn phím trượt và Nokia.
Từ nắp trượt cho đến camera “thò thụt”
Điện thoại bàn phím trượt của ngày trước và OPPO Find X hay Vivo NEX có một điểm chung: chúng có tính cơ học rõ rệt. Muốn bàn phím đóng mở hay muốn camera có thể “thò ra thụt vào” khi chụp ảnh, tất cả những chiếc điện thoại này đều cần phải chứa một cơ chế hỗ trợ chuyển động một số linh kiện nhất định.
Chính cơ chế cơ học này đã từng gây ra rất nhiều vấn đề cho điện thoại bàn phím trượt ngày trước. Từ những chú dế nắp trượt cho đến một danh sách dài những chiếc smartphone Android ẩn giấu bàn phím QWERTY dưới màn hình, các vấn đề liệt màn hình hay liệt phím không phải là hiếm gặp. Nói một cách đơn giản, khi một thành phần của smartphone chuyển động, các đầu kết nối có thể gặp sự cố bắt cứ lúc nào. Chuyển động cơ học bao giờ cũng phải đi kèm với bào mòn và các tai nạn rơi vỡ khi mở bàn phím chắc chắn sẽ là thảm họa.
Chính bởi vậy và những chiếc smartphone có quá nhiều chuyển động cơ học nay đã gần như biến mất. Android thời đại đầu tiên bao gồm rất nhiều model có bàn phím trượt (bao gồm cả điểm khởi đầu HTC G1 cũng như cú hit đầu tiên, Motorola Droid). OPPO đã từng ra mắt smartphone "xoay" camera mang tên N1. Samsung từng lắp cả ống zoom lớn vào một phiên bản Galaxy S4. Tất cả các dòng sản phẩm này đều đã bị khai tử. Đến BlackBerry vốn gắn liền tên tuổi với bàn phím vẫn không hề dùng cơ chế nắp trượt, thay vào đó gắn hẳn bàn phím... xuống dưới màn hình cảm ứng.
Nếu bất chấp lịch sử, Vivo và OPPO hiển nhiên sẽ phải trả giá. Ví dụ, Vivo tuyên bố cơ chế thò thụt trên NEX có thể “sống sót” được 50.000 lần mở/đóng: nếu được dùng để mở khóa khuôn mặt thì tuổi đời của NEX sẽ chỉ tồn tại được khoảng 1 năm 8 tháng, dựa vào số liệu thống kê là người dùng mở điện thoại khoảng 80 lần mỗi ngày. Với chiếc Find X đắt tiền của OPPO, tuổi đời sử dụng sẽ còn bị giảm hơn nữa do ngay cả camera mặt sau cũng bị tích hợp vào cơ chế "thò thụt".
Từ Nokia đến iPhone “toàn màn hình”
Tạm gác chuyện dùng bao nhiêu năm bao nhiêu tháng, ngay từ bây giờ camera "thò thụt" đã bộc lộ vấn đề. Theo báo cáo của nhiều người dùng, camera trên Vivo NEX có hiện tượng mở bất thình lình khi người dùng không mong muốn. Nếu camera bị mở khi người dùng đang nhét điện thoại vào túi quần, hoặc ví dụ trong lúc chụp ảnh bị vô tình đánh rơi, hậu quả để lại sẽ vô cùng nặng nề - nếu so với camera trên smartphone “thường”.
Có một điểm dễ thấy là sự cố với smartphone có camera “thò thụt” không chỉ đến từ chính cơ chế chuyển động phần cứng của camera mà còn đến từ lỗi người dùng (đánh rơi) hay từ phần mềm (mở bất thình lình). Nhưng chính những nguyên nhân này lại cho thấy rõ rệt nhất vì sao camera “thò thụt” thực sự thua kém camera thường.
Tại sao ư? Trong suốt 10 năm vừa qua, phần lớn những chiếc smartphone ra mắt đều sử dụng camera tích hợp bên trong thân máy. Trong tình huống phần mềm có bị lỗi và mở camera khi không cần thiết, rủi ro đối với chiếc máy vẫn... giữ nguyên bởi đơn giản là ống kính hay cảm biến vẫn nằm bên trong thân máy (và không di chuyển đi đâu cả). Trong tình huống bị đánh rơi, màn hình mới là thứ cần lo chứ không phải là màn hình và camera như OPPO Find X hay Vivo NEX.
Nói cách khác, nói về độ bền, thiết kế nguyên khối bản dẹt và hạn chế các bộ phận cơ học được iPhone tiên phong vào năm 2007 vẫn là thiết kế đúng đắn nhất cho chiếc “modern smartphone” – không nên có thứ gì thò ra thụt vào cả. Và thực chất là khi “modern smartphone” còn chưa ra mắt, thiết kế nguyên khối đã được chứng minh bởi tên tuổi đại diện cho điện thoại cơ bản: Nokia. Bạn có thể chưa nhận ra điều này, nhưng một phần vô cùng quan trọng giúp tạo ra danh tiếng của Nokia về độ bền là bởi phần lớn các mẫu Nokia đều sử dụng thiết kế “thanh kẹo” nguyên khối chứ không phải là vỏ sò hay nắp trượt. Nokia không hề có smartphone nắp gập.
Smartphone bàn phím trượt của Nokia thì sao ư? Chẳng đâu xa, ngay chiếc N95 cũng rất hay gặp lỗi màn hình do hỏng hóc dây tín hiệu (flex cable). Không có gì bất ngờ ở đây cả, bàn phím cứ trượt lên trượt xuống thì dây bị bong/lỏng là chuyện khó tránh khỏi.
Tương lai ở đâu?
Cuối cùng thì năm 2018 vẫn sẽ là năm của những giải pháp không hoàn thiện. Samsung vẫn có 2 “cái cằm” dày cộm trên và dưới màn hình, Apple vẫn có tai thỏ, và OPPO/Vivo cũng chỉ có thể dừng ở camera “thò thụt” (và 1 cái cằm dày cộm).
Nhưng điều này không có nghĩa rằng các ông lớn sẽ dừng lại. Apple và Samsung hiện tại đều đã nắm bằng sáng chế về camera đặt dưới màn hình (Apple từ 2009, Samsung từ 2017).
Liệu đến khi đó OPPO và Vivo có còn có thể chống đỡ? Hãy chờ xem.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín