Vì sao CEO của start-up giá trị nhất thế giới từ chức ở tuổi 38?
Zhang Yiming, người sáng lập 38 tuổi kiêm CEO công ty mẹ của TikTok là Bytedance, đã công bố kế hoạch rời khỏi vị trí đứng đầu tập đoàn công nghệ trị giá khoảng 400 tỷ USD vào hôm thứ Tư vừa qua.
"Kể từ đầu năm nay, tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về cách thúc đẩy tốt hơn những đột phá thực sự trong dài hạn, điều này không thể chỉ dựa vào sự tiến bộ ổn định mà phải gia tăng", Zhang nói trong một bức thư gửi nhân viên, thừa nhận mình "còn thiếu một số kỹ năng để trở thành một nhà quản lý lý tưởng".
Zhang cho biết quyết định từ chức CEO công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới sẽ giúp anh "có tác động lớn hơn đến các sáng kiến dài hạn". Người đồng sáng lập ByteDance và đứng đầu bộ phận nhân sự hiện tại, Liang Rubo, sẽ đảm nhận vị trí CEO vào cuối năm nay, sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 6 tháng.
Mặc dù lời lẽ trong thư của Zhang với các nhân viên là thẳng thắn một cách đáng ngạc nhiên, nhưng sự ra đi đột ngột của tỷ phú trẻ này xảy ra trong bối cảnh môi trường hoạt động khó khăn hơn đối với các CEO công nghệ Trung Quốc. Các cơ quan quản lý đã tăng cường giám sát những gã khổng lồ công nghệ từng được ưa chuộng của Trung Quốc và các công nhân trong lĩnh vực công nghệ vất vả đang phản đối lịch làm việc vắt kiệt sức của họ.
Lèo lái công ty vượt qua làn sóng thay đổi một cách thành công là một nhiệm vụ khó khăn đối với bất kỳ CEO nào, chứ đừng nói đến một người không quan tâm đến việc "thực sự quản lý con người" như Zhang thừa nhận.
Thành công nhờ công nghệ
Zhang thành lập Bytedance vào năm 2012 dưới dạng một trang web tổng hợp tin tức có tên là Today’s Headlines, hay còn được gọi là Toutiao. Các thuật toán thông minh của trang web có khả năng tùy chỉnh trang chủ để phù hợp nhất với sở thích của bất kỳ người xem nào là một thành công rực rỡ và Bytedance nhanh chóng trở thành một trong những start-up công nghệ có giá trị nhất Trung Quốc.
Zhang đã tận dụng sự phát triển của Toutiao để tung ra TikTok - ứng dụng chia sẻ video đã trở thành mạng xã hội hàng đầu cho thanh thiếu niên Mỹ - cũng như một loạt sản phẩm khác. Tuy nhiên, không phải tất cả các dịch vụ của Bytedance đều phổ biến đối với người tiêu dùng hoặc cơ quan quản lý như TikTok.
Vào năm 2018, Bắc Kinh đã ra lệnh cho Bytedance đóng cửa trang web chia sẻ trò đùa của mình vì đã lưu hành "nội dung thô tục và không phù hợp", khiến Zhang ân hận. "Sản phẩm này đã đi sai con đường và có nội dung lệch lạc với các giá trị cốt lõi của xã hội", Zhang viết trên tài khoản cá nhân của mình.
Tuy nhiên, mặc dù có một số xung đột về nội dung, Bytedance hầu như đã thoát khỏi sự giám sát của các cơ quan quản lý Trung Quốc, vốn đang trong chiến dịch kiềm chế nhóm Big Tech, mà khởi đầu là khi các nhà quản lý chặn đợt IPO trị giá 310 tỷ USD của Ant Group, một chi nhánh của Alibaba, vào tháng 11 năm ngoái, sau khi người sáng lập Jack Ma than phiền rằng các quy định tài chính của Trung Quốc là lạc hậu.
Kể từ đó, Cục quản lý nhà nước về quy chế thị trường (SAMR) - cơ quan giám sát chống độc quyền của Trung Quốc - đã đưa một số gã khổng lồ công nghệ vào diện xem xét, bao gồm cả Alibaba của Jack Ma và nhà lãnh đạo dịch vụ theo yêu cầu Meituan. Mặc dù cơ quan quản lý vẫn chưa loại bỏ Bytedance khỏi các công ty cùng ngành, nhưng start-up này đã bị đưa vào danh sách 34 công ty công nghệ mà SAMR cảnh báo cần phải điều chỉnh hành vi cạnh tranh vào tháng Tư.
Bàn tay hữu hình
Dưới sự dẫn dắt của Zhang, Bytedance đã làm được nhiều điều hơn bất kỳ công ty công nghệ Trung Quốc nào khác trong việc khai phá Mỹ, thống trị thị trường với ứng dụng TikTok cực kỳ thành công của mình.
Năm ngoái, khi Mỹ đe dọa sẽ cấm TikTok trừ khi Bytedance bán ứng dụng này cho một công ty Mỹ, Bắc Kinh đã tạo ra một quy định mới yêu cầu Bytedance cần phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý trước khi thực hiện giao dịch bán.
Theo The Information, Zhang đã bị "che mắt" trước sự can thiệp của Bắc Kinh, vì công ty anh "đã không chủ động" vun đắp mối quan hệ với các cơ quan quản lý Trung Quốc và hỏi ý kiến họ về tương lai của TikTok. Những khó khăn trong việc quản lý những yêu cầu của các cơ quan quản lý Trung Quốc và Mỹ cũng đã buộc Bytedance phải hoãn lại một đợt IPO.
"Để thành công và phù hợp, CEO của các nhà cung cấp công nghệ cần phải dành nhiều năng lượng để duy trì mối quan hệ tốt với chính phủ. Không phải CEO nào cũng đều muốn dành thời gian và năng lượng của họ cho nhiệm vụ này hoặc có kỹ năng phù hợp để làm việc đó", Lian Jye Su, nhà phân tích chính tại ABI Research ở Singapore, cho biết.
Tiếp theo là gì?
Zhang không phải là doanh nhân công nghệ trẻ duy nhất ra đi bất ngờ trong năm nay. Hồi tháng 3, người sáng lập kiêm chủ tịch Pinduoduo, Colin Huang, đã rút khỏi hội đồng quản trị ngay khi Pinduoduo vượt qua Alibaba để trở thành trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc tính theo người dùng. Tháng 07/2020, Huang tiếp tục từ chức CEO.
Khi rời hội đồng quản trị, Huang nói với các cổ đông rằng anh từ chức để khám phá các lĩnh vực tăng trưởng trong tương lai của Pinduoduo. Zhang cũng đang làm điều tương tự.
"Sau khi chuyển giao vai trò CEO và loại bỏ trách nhiệm quản lý hàng ngày, tôi sẽ có không gian để khám phá các chiến lược dài hạn, văn hóa tổ chức và trách nhiệm xã hội, với cái nhìn khách quan hơn về công ty", Zhang nói. Điều này cho thấy anh có ý định vẫn duy trì tầm ảnh hưởng đến tương lai của Bytedance.
Theo Fortune
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"