Theo các chuyên gia, hệ thống phòng không của Syria hiện nay hoạt động hiệu quả hơn bất kỳ hệ thống phòng không nào mà quân đội Mỹ từng phải đối mặt kể từ khi họ tổ chức một chiến dịch oanh kích Serbia hồi năm 1999.
25 lữ đoàn phòng không, 150 dàn tên lửa
Theo ước tính của các nhà phân tích phương Tây trước khi cuộc nội chiến nổ ra, Syria có khoảng 25 lữ đoàn phòng không cùng khoảng 150 dàn tên lửa đất đối không. Các hệ thống này đã liên tục được củng cố trong những năm gần đây và mức độ suy giảm do chiến sự vẫn chưa được xác nhận.
Syria hiện vẫn có nhiều hệ thống tên lửa phòng không di động và điều này có nghĩa là quân đội của ông Assad có thể di chuyển đến những vị trí mà Mỹ không thể ngờ tới.
Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng, nếu thực sự muốn hạ gục được sức mạnh của hệ thống phòng không Syria, cuộc tấn công này cần kết hợp sức mạnh của ít nhất 2 tàu sân bay Mỹ.
4.000 khẩu pháo phòng không
Said Amminov, một chuyên gia quân sự Nga cho rằng: hiện nay, khả năng phòng không của Syria là rất mạnh với hơn 900 hệ thống phòng không và 4.000 khẩu pháo phòng không các loại, tạo thành hệ thống phòng không dày đặc nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều tổ hợp hiện đại như: hệ thống Pantsyr-S1; hệ thống Pechora 2M; 2 hệ thống Buk M-2E và 48 tổ hợp S-200 “Angara” do Liên Xô cũ sản xuất và một số bệ phóng được cho là của loại tên lửa phòng không tối tân S-300 của Nga.
Pechora 2M là biến thể nâng cấp rất hiện đại của hệ thống S-125 Neva/Pechora (hay SAM-3, tên ký hiệu NATO là SA-3 Goa). Trong quá khứ, hệ thống S-125 Neva/Pechora của Nam Tư đã bắn hạ một chiếc máy bay tàng hình F-117 Nighthawk vào ngày 27-3-1999 và một chiếc F-16 của NATO vào ngày 2-5 trong chiến tranh Kosovo.
Hệ thống tên lửa phòng không S-125 Neva/Pechora
Trong các cuộc chiến tranh khác, SA-3 và các hệ thống SAM khác đã bắn hạ nhiều máy bay không người lái của NATO và Mỹ.
Pechora 2M được nâng cấp mạnh về radar và tên lửa, nó sử dụng tên lửa 5V27D và 5V27DE, tầm bắn từ 3,5 đến 35 km, độ cao tối đa trên 20 km.
Hệ thống Buk M-2E là biến thể hiện đại nhất của hệ thống Buk, ra đời năm 2008, có khả năng ngắm bắn cùng lúc 4 mục tiêu trong khi đang theo dõi 24 mục tiêu khác. Nó sử dụng tên lửa 9M317 (Nato gọi là SA-17 Grizzly) có tầm bắn 3 - 50km, độ cao tối đa 25km với vận tốc đạt tới Mach4.
Hệ thống tên lửa phòng không Buk M-2E
Một tiểu đoàn Buk tiêu chuẩn bao gồm 1 xe chỉ huy, 1 trạm trinh sát/khóa mục tiêu và điều khiển đặt trên xe TAR, 6 xe phóng tên lửa, mỗi xe mang 4 quả tên lửa trên bệ, cùng 4 quả dự trữ. Hệ thống này chỉ cần 5 phút để triển khai chiến đấu và rút khỏi trận địa sau khi phóng. Thời gian phản ứng của tổ hợp từ khi theo dõi mục tiêu tới khi phóng tên lửa là khoảng 22 giây.
Còn hệ thống Pantsyr-S1 (Nato gọi là SA-22 Greyhound) là tổ hợp phòng không tích hợp pháo phòng không tự động 30mm 2A72, radar và tên lửa đối không 57E6-1. Loại tên lửa này có vận tốc 1300m/s (tương đương mach4), tầm bắn 20km, trần bắn tối đa 15km. Các nhà sản xuất vũ khí Nga khẳng định hệ thống này có thể bắn hạ cả máy bay tàng hình, UAV tàng hình và tên lửa hành trình.
Hệ thống phòng không hỗn hợp pháo – tên lửa Pantsir-S1
Ngoài ra, còn có thông tin Trung Quốc bán hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ 9 (HQ-9) cho Iran vào năm 2007 khi hợp đồng mua S-300 của Nga đổ vỡ và Iran đã cung cấp loại tên lửa này cho Syria
HQ-9 được coi là có tính năng tiệm cận với Patriot của Mỹ và S-300 của Nga, với tầm bắn tối đa 200km, vận tốc siêu âm 4.2 Mach, độ cao tác chiến tối đa 30km. Mỗi tiểu đoàn tên lửa được trang bị 32 quả đạn (chưa tính đạn dự phòng) và 1 lữ đoàn có số lượng là 192 quả.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9
Với độ cao, tầm bắn xa và hiệu quả tác chiến, HQ-9 có thể bắn hạ nhiều máy bay tối tân trên thế giới, đồng thời có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình ở giai đoạn cuối với khoảng cách tác chiến 30km. Trong thử nghiệm nó đã bắn hạ tên lửa M-9 (phiên bản xuất khẩu của tên lửa DF-15) với chiến thuật đánh chặn hình chữ T, không đón đầu.
100.000 quả tên lửa
Theo ước tính từ phía Israel, quân đội Syria sở hữu khoảng 100.000 quả tên lửa. Hàng ngàn quả trong số đó, như tên lửa Scud D, được cho là rất mạnh mẽ, có thể chạm tới bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ Israel. Ngoài ra, quân đội Syria còn có tên lửa đất đối đất tầm trung SS-23 của Nga, có thể mang 120 kg vật liệu nổ.
Tên lửa Scud
Mặc dù cuộc nội chiến chống lại lực lượng phiến quân trong 2 năm rưỡi đã khiến quân đội của chính phủ Assad tiêu hao nhiều vũ khí. Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục chuyển nhiều vũ khí cho Syria như các loại rocket, tên lửa chống tăng, các loại vũ khí hạng nhẹ và đạn dược. Bên cạnh đó, quân đội Syria cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Iran.
Trong một động thái mới nhất, Hải quân Mỹ đang tăng cường số lượng tàu khu trục mang tên lửa hành trình tại Địa Trung Hải từ ba lên bốn tàu, sẵn sàng can thiệp quân sự vào Syria.
Với cách triển khai lực lượng như vậy, các chuyên gia cho rằng cuộc tấn công nhiều khả năng sẽ được tiến hành từ tàu chiến Mỹ hoặc máy bay chiến đấu có khả năng bắn tên lửa từ bên ngoài không phận Syria, do đó tránh được hệ thống phòng không của nước này. Từ đó cũng có thể thấy, hệ thống phòng không mạnh mẽ của Syria đã phần nào khiến Mỹ và đồng minh bất an.
Theo Soha.vn
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?