Vì sao danh sách các thủ lĩnh công ty, tập đoàn ngày càng có nhiều người Ấn Độ?

    Truật Xích,  

    Người Ấn sở hữu những tính cách, đặc điểm cực kỳ phù hợp với vị trí thủ lĩnh của một tập thể lớn.

    Với sự bổ nhiệm mới nhất cho Sundar Pichai vào vị trí Giám đốc Điều hành, Google đã gia nhập vào Câu lạc bộ đang mạnh lên từng ngày mang tên “Những công ty đa quốc gia có quản lý là người gốc Ấn”. Danh sách những quản lý gốc Ấn này bao gồm:

    Nhìn chung, đặc điểm của các CEO gốc Ấn đó là họ đều đang ở độ tuổi cuối 40, đầu 50, giai đoạn được xem là đạt “đỉnh” trong sự nghiệp một nhà quản lý. Tất cả đều tốt nghiệp từ các trường Đại học của Anh, Mỹ, Ấn Độ, điều không có gì đáng ngạc nhiên vì họ đều là những người nhập cư muốn thay đổi bằng cách gia nhập một nền văn hóa mới. Nhiều người bắt đầu công việc ở Ấn Độ, trong các tập đoàn đa quốc gia. Điều này là dễ hiểu vì nếu tham gia vào  những doanh nghiệp gia đình có cơ cấu đa phần là người Ấn, cơ hội bước ra thế giới sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

    Ít nhất 3 người bao gồm Nadella, Shantanu Narayen và Prem Watsa (Chủ tịch Fairfax Financial, “người cứu rỗi BlackBerry”) từng học chung trường tại Hyderabad (thành phố phía Nam Ấn Độ). Họ cũng là những người chứng kiến sự bùng nổ về công nghệ diễn ra tại đất nước tỷ dân này, bắt đầu bằng việc Microsoft đặt Trung tâm phát triển ra ngoài biên giới nước Mỹ.

    Nhưng quê quán và gốc học hành của họ rất khác nhau. Họ đến từ những nơi khác nhau trên đất Ấn: nơi chôn rau cắt rốn của đồng CEO Deutsche Bank, ông Anshu Jain cách Chenai, quê quán của bà Indra Nooyi, CEO Pepsi tới 1300 dặm. Một số ít các CEO bao gồm Sundar Pichai, Indra Nooyi, Ajay Banga và Ivan Menezes cùng học tại Học viện Quản lý Ấn Độ, ngôi trường được chính phủ Ấn hậu thuẫn để tạo ra một thế hệ những nhà quản lý xuất chúng. Nhưng không phải ai cũng học chuyên ngành quản trị. Pichai, Narayen, Kalesh Kapoor và Nadella học chuyên ngành kỹ sư. Một số khác như Jain, Menezes và Ajay Banga lại tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế.

    Phải có một lý do nào đó tại sao rất nhiều người Ấn, và có lẽ là cả Brazil, Nga và Trung Quốc đang đạt được những thành công trong sự nghiệp lớn lao đến như vậy. Câu trả lời có thể được tìm thấy trong chính nền văn hóa quản trị của người Ấn Độ.

    Theo nghiên cứu từ năm 2004 của Đại học St.Gallen ở Thụy Sĩ, những nhà quản lý người Ấn luôn có xu hướng quản trị theo hướng xây dựng, đóng góp và có khả năng tạo được mối quan hệ êm đẹp với đồng nghiệp: “Phong cách lãnh đạo của họ được kế thừa từ truyền thống quan hệ khăng khít với đồng nghiệp và cấp trên của đất nước Ấn Độ. Nhân viên có cảm giác công ty đang thực sự quan tâm đến mình có thể tạo ra lòng trung thành mạnh mẽ và một mối lương duyên bền vững, điều đó còn quý báu hơn cả những phần thưởng vật chất”.

    Và trong “Câu lạc bộ người Ấn” đã kể ở trên, không có một vị quản lý nào có phong cách độc tài cả. Nooyi từng nói: “Bạn cần phải nhìn vào nhân viên và nói rằng tôi coi trọng anh như một con người, tôi biết anh có một cuộc sống ở bên ngoài Pepsi và tôi sẽ tôn trọng anh đến hết đời chứ không chỉ coi anh là một nhân viên mang số 4567 nào đó”.

    Khi Nadella thay thế Steve Ballmer tại ghế nóng của Microsoft, vị thế của ông, sự kính trọng và yêu mến của đồng nghiệp dành cho ông chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến quyết định thăng cấp quan trọng đó.

    Một báo cáo khác vào năm 2007 do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Nam New Hampshire đã so sánh các quản trị viên người Mỹ với Ấn Độ và nhận thấy rằng: Người Ấn luôn khiêm nhường hơn rất nhiều. Không phải là bỗng dưng khi Nadella viết bức thư đầu tiên cho nhân viên của Microsoft, dưới tư cách một Giám đốc Điều hành lại bắt đầu một cách nhỏ nhẹ: “This is a very humbling day for me” - "Hôm nay chỉ là một ngày khiêm nhường của tôi".

    Báo cáo này cũng cho thấy người Ấn luôn có xu hướng nhìn xa trông rộng, tập trung vào các chiến lược phát triển lâu dài mạnh mẽ hơn người Mỹ. Narayen từng cho biết: “Nếu bạn có thể kết nối được mọi điểm giữa những gì bạn đang thấy ngày hôm nay và những gì bạn muốn làm, thì như vậy là chưa đủ tham vọng và cảm hứng”. Trong khi đó, Nadella cũng nhấn mạnh điểm tương tự: “Chúng ta cần phải tin vào điều không thể và loại bỏ đi những thứ không còn phù hợp”.

    Có lẽ điều quan trọng nhất để những người quản lý gốc Ấn luôn biết cách leo tới đỉnh sự nghiệp là bởi họ rất kiên nhẫn. Tất cả những nhân vật được nhắc tới trong bài viết đều kiên trì học hỏi ở mọi góc độ và được thăng chức từng bước một, gắn bó với công ty rất lâu dài. Nooyi gia nhập Pepsi từ năm 1994, một năm sau đó, Jain bắt đầu làm việc tại Deutsche Bank, Menezes đã ở Diageo được 18 năm. Narayen được Adobe tuyển dụng từ năm 1998 và vị trí CEO của Nadella có được sau 22 năm trời gắn bó với Microsoft. Chỉ duy nhất Sundar Pichai là mới gia nhập Google được... 11 năm.

    Có lẽ những ước mơ thì ở đâu cũng giống nhau nhưng rõ ràng, có những tính cách của riêng người Ấn đã, đang và sẽ còn giúp “Câu lạc bộ người Ấn” phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên toàn thế giới.

    Và ở đâu đó trong những vùng nông thôn nghèo khó của Ấn Độ, vẫn có những đứa trẻ đang ngày đêm ôn luyện bài vở để một ngày kia, trở thành CEO của một Tập đoàn đa quốc gia khổng lồ.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ