Sản phẩm vĩ đại tiếp theo sẽ không đến từ Apple?

    Nguyễn Hải,  

    Apple đang rất thành công với chiến lược kinh doanh và tập người dùng trung thành hiện tại và họ không còn nhiều động lực để sáng tạo nên các công nghệ đột phá mới nữa.

    Apple có khoảng 1,4 tỷ thiết bị được kích hoạt trên toàn cầu – tương đương 1/5 dân số thế giới – nhưng với những người đang trông chờ vào các sản phẩm đột phá tiếp theo từ Apple, những gì họ đang chứng kiến vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ.

    Những năm gần đây, Apple vẫn tiếp tục ra mắt nhiều thiết bị phần cứng mới - các phụ kiện cho những sản phẩm thành công nhất của mình: Apple Watch, tai nghe AirPods hay loa thông minh Homepod. Tuy nhiên kết quả thu được từ các sản phẩm này rất trái ngược nhau.

    Theo nhiều chuyên gia, bao gồm cả Warren Buffet, để duy trì được lợi thế của mình, Apple cần đưa công nghệ của mình trở thành vai trò nền tảng và mở rộng danh mục sản phẩm sang lĩnh vực dịch vụ, ví dụ như streaming, thanh toán, thẻ tín dụng và chăm sóc sức khỏe – một động thái đang được CEO Tim Cook cụ thể hóa khi biến các dịch vụ tiêu dùng thành cốt lõi của mình.

    Sản phẩm vĩ đại tiếp theo sẽ không đến từ Apple? - Ảnh 1.

    Điều đó nghĩa là càng có ít khả năng để người dùng thấy được những sản phẩm đột phá do Apple ra mắt trong thời gian tới. Nhưng nhận định của các chuyên gia dưới đây càng cho thấy, việc tập trung vào dịch vụ đang trở thành lựa chọn hàng đầu của Apple vào lúc này.

    Thiếu động lực sáng tạo

    Apple vừa trải qua một quý 2 thành công nhất trong lịch sử khi doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước 1%. Dù iPhone không chiếm đến một nửa doanh thu quý của Apple, nhưng phần sụt giảm này đã được tăng trưởng từ mảng phụ kiện – bao gồm Apple Watch cùng tai nghe AirPods và Beat – cũng như mảng dịch vụ bù đắp.

    Lợi nhuận sụt giảm, nhưng đây có thể là một dấu hiệu tốt với việc gia tăng đầu tư cho hoạt động R&D. Chi tiêu cho R&D chiếm 7,9% tổng doanh thu Apple, tỷ lệ cao nhất từ năm 2003 cho đến nay, khi Apple vẫn đang chú trọng vào iPod và máy Mac. Nhưng Quý 2 năm 2019 cũng là lần đầu tiên từ năm 2012 đến nay iPhone không chiếm đến một nửa doanh thu quý của Apple.

    Nhưng theo Dan Ives, giám đốc phân tích của Wedbush Securities, con số quan trọng nhất của Apple không phải doanh thu hay lợi nhuận trong một quý, mà là 1,4 thiết bị đã được cài đặt trên toàn cầu. Điều này sẽ giúp cái tên của Apple "được khắc sâu" vào sân chơi thiết bị tiêu dùng "trong nhiều thập kỷ tới ngay cả khi họ chẳng làm thêm gì nữa."

    Sản phẩm vĩ đại tiếp theo sẽ không đến từ Apple? - Ảnh 2.

    Ra đời sau các sản phẩm khác và không có nhiều khác biệt về công nghệ, HomePod đang được xem như một thất bại của Apple.

    Do vậy, ông Ives cho rằng kết quả kinh doanh thành công và tập người dùng khổng lồ của Apple có thể là con dao hai lưỡi đối với việc tạo nên các sản phẩm đột phá, khi nó cho phép công ty từ bỏ mục tiêu "trở thành người đầu tiên trên thị trường" trong việc phát triển sản phẩm mới – vốn đang trở thành một chiến lược đầy rủi ro trong thế giới ngày nay.

    Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là những kết quả trái ngược nhau trong những lần ra mắt sản phẩm mới gần đây của Apple. Trong khi loa thông minh HomePod đang bị xem như một thất bại, các phụ kiện khác như AirPods hay Apple Watch lại đạt được thành công rực rỡ.

    Tuy nhiên, tập người dùng khổng lồ trên vẫn mang lại cho Apple một vị thế đáng mơ ước, khi nó trở thành một nền tảng phân phối nội dung. Đây cũng là tầm nhìn của CEO Tim Cook khi tập trung vào mảng kinh doanh dịch vụ trong những năm gần đây và mới đây nhất là nỗ lực đầu tư cho dịch vụ streaming TV.

    Sản phẩm vĩ đại tiếp theo sẽ không đến từ Apple? - Ảnh 3.

    Với hàng loạt dịch vụ mới được Apple ra mắt, rõ ràng trọng tâm cho tăng trưởng của công ty đang được đặt vào mảng dịch vụ.

    Tuy nhiên, liệu Apple có thành công với công thức này hay không vẫn là điều chưa rõ ràng khi họ đang đi sau nhiều đối thủ sừng sỏ khác như Netflix hay Disney. Apple đang buộc phải rót tiền để có nhiều nội dung đặc sắc hơn nữa, nhưng con số 1 tỷ USD của họ đang quá nhỏ bé so với tổng số 20 tỷ USD mà các đối thủ họ đang chi ra để có được nội dung.

    Các đột phá của Apple đến từ những nhu cầu khổng lồ chưa được đáp ứng của người dùng

    Theo quan điểm của ông David Robertson, một chuyên gia đổi mới và hiện đang là giám đốc của chương trình điều hành tại trường MIT, sẽ thật sai lầm khi nghĩ rằng Apple là một công ty công nghệ đơn thuần. Điều này nhìn thấy rõ với chiếc iPod đầu tiên ra mắt năm 2001.

    Ông Robertson cho biết: "Mọi người nghĩ về nó như thể công nghệ đột phá này sẽ thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc. Đây thực sự là một hiểu nhầm về những gì họ đang cố gắng làm. Họ chỉ nhận thấy người tiêu dùng đang cố gắng quản lý đời sống kỹ thuật số của mình, và những gì họ xây dựng lên đều dựa trên sự hiểu biết về người tiêu dùng. Đó là công nghệ và các nền tảng giúp mọi người quản lý cuộc sống số của họ hiệu quả và hoàn thiện hơn. Công nghệ chỉ để phục vụ cho ý tưởng đó."

    Đó chính là kim chỉ nam cho hoạt động nghiên cứu công nghệ của Apple. Công ty có một lịch sử dài của việc tìm kiếm các "nhu cầu vĩ đại của người tiêu dùng chưa được đáp ứng", và nỗ lực dùng công nghệ của mình để đáp ứng các nhu cầu đó. Đây chính là nền tảng cho việc xây dựng nên iPod và iPhone của Apple.

    Sản phẩm vĩ đại tiếp theo sẽ không đến từ Apple? - Ảnh 4.

    iPod và iPhone, những thành công của Apple đến từ việc tìm ra các nhu cầu vĩ đại chưa được đáp ứng của người tiêu dùng.

    Nhưng  so với những gì Apple đã làm được với iPod và iPhone, thành công của Apple Watch hay AirPods vẫn chưa thể so sánh được. Chúng là những sản phẩm bán chạy, nhưng nó không thể tạo ra một nền tảng tăng trưởng lớn như những người tiền nhiệm.

    Ông Robertson cũng cho rằng, vẫn còn nhiều lĩnh vực khác Apple có thể thành công, đặc biệt trong ngôi nhà của bạn, đối đầu với các sản phẩm nhà thông minh như của hãng Nest hay những nhà sản xuất khác trên thị trường. Tuy nhiên, Apple "đang mất quá nhiều thời gian để làm được điều đó."

    Một doanh nghiệp cũng gặp tình trạng tương tự như Apple đó là hãng đồ chơi Lego. Từng là một hãng tạo nên đột phá trong việc tạo ra một nền tảng đồ chơi kích thích sáng tạo, hấp dẫn không chỉ trẻ nhỏ mà cả những người trưởng thành, nhưng doanh số 3 năm gần đây của Lego đều đi ngang. Và cũng giống như Apple, Lego hướng đến tăng trưởng bằng các lĩnh vực không liên quan đến sản phẩm, như phim ảnh và công viên giải trí.

    Sản phẩm vĩ đại tiếp theo sẽ không đến từ Apple? - Ảnh 5.

    Thành công của Apple Watch hay AirPods vẫn còn mờ nhạt so với những gì iPhone và iPod từng làm được.

    Ông Robertson cho biết: "Đó là thách thức của người tiêu dùng, không phải là thách thức về công nghệ. Tiếp tục tập trung vào những nhu cầu chưa được đáp ứng trong tập khách hàng hiện tại và tìm những giải pháp tuyệt vời để đáp ứng những nhu cầu đó."

    Đó là lý do ông Robertson cho rằng Apple có cơ hội trong lĩnh vực truyền hình hiện nay: "Ai đáp ứng được nhu cầu của họ đối với truyền hình hiện nay? Nó thật là một lĩnh vực lộn xộn."

    Chi tiêu R&D của Apple quá ít cho các sản phẩm đột phá

    Những thách thức từ nhu cầu tiêu dùng không phải là yếu tố duy nhất ngăn cản Apple ra mắt các sản phẩm đột phá mới.

    Paul Meeks, nhà quản lý danh mục đầu tư tại quỹ Wireless Fund, cho rằng, chi tiêu R&D của Apple không đủ lớn để mang lại các sản phẩm giá trị. Ngay cả khi có những thành công đối với một số sản phẩm phụ kiện, ông Meeks vẫn cho rằng các khoản đầu tư của Apple đang rót vào sai lĩnh vực.

    Sản phẩm vĩ đại tiếp theo sẽ không đến từ Apple? - Ảnh 6.

    Chi tiêu của Apple tuy có tăng nhưng vẫn chậm hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu và chưa mang lại các kết quả tương xứng.

    "Tôi không tự tin cho rằng Apple sẽ thành công với sản phẩm vĩ đại tiếp theo, đặc biệt là nhiều khả năng nó sẽ đến từ lĩnh vực phần mềm và dịch vụ và những thứ họ không có truyền thống trong đó. Họ phải thực hiện một thương vụ thâu tóm lớn trong lĩnh vực này càng sớm càng tốt."

    Không những thế, thành quả từ những khoản chi tiêu cho R&D của Apple cũng không làm các nhà phân tích an lòng, dù Apple đang là hãng chi tiêu cho R&D lớn thứ 5 tại Mỹ vào năm ngoái với 16 tỷ USD.

    Ông Dan Ives cho biết: "R&D là mạch máu của tương lai. Nó từng là điều thúc đẩy cho thành công của Cupertino, nhưng điều đáng thất vọng là với những gì họ đang chi tiêu cho R&D hiện nay, họ lại không có được các sáng kiến tăng trưởng vượt trội. Những thành công mới đây nhất là AirPods, Apple Watch. Ngoài những sản phẩm đó, có rất ít thành quả từ một công ty đang chi hàng tỷ USD cho R&D, và điều đó đang làm các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng."

    Tham khảo CNBC


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ