Người dùng ngừng tăng trưởng là một “chuyện lớn” đối với Facebook, mạng xã hội đông dân nhất hành tinh.
Điều quan trọng nhất trong mô hình kinh doanh mạng xã hội chính là hiệu ứng mạng lưới: Càng nhiều người tham gia một mạng lưới nào đó, càng nhiều người muốn gia nhập hơn. Đây là hiện tượng “kẻ thắng có tất cả” và là lý do Facebook luôn vững vàng 18 năm qua. Công ty không ngừng đón nhận người dùng mới và dùng họ cho quảng cáo mục tiêu.
Tuy nhiên, lần đầu tiên trong gần 2 thập kỷ, nền tảng người dùng của Facebook dừng tăng trưởng, thậm chí sụt giảm tại một số thị trường. Thông tin này, kết hợp với dự báo tăng trưởng doanh thu quý I thấp hơn dự báo, đã làm rung chuyển và đẩy giá cổ phiếu giảm 24% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 2/2.
CEO Meta (công ty mẹ Facebook) Mark Zuckerberg đã cảnh báo về khoảnh khắc ấy từ lâu. Ông giải thích, các nền tảng và xu hướng Internet có thể phai nhạt nhanh như cách chúng phát triển. Theo một nguồn tin, ông lo sợ hiệu ứng mạng lưới sẽ đi theo hướng ngược lại.
Người dùng có những lý do cụ thể để đến với Facebook. Có thể là một nhóm họ muốn truy cập, hay một người họ muốn gửi lời chúc mừng sinh nhật. Mỗi người rời đi là một lần giảm động lực ở lại của người khác.
Nguồn tin tiết lộ, Facebook trước đây từng chứng kiến hiệu ứng mạng lưới tiêu cực xảy ra trên nền tảng khi các lỗi trong sản phẩm mất thời gian quá lâu để khắc phục. Nhóm phụ trách tăng trưởng luôn theo sát hành vi của người dùng để nắm bắt vấn đề trước khi chúng lan rộng và ảnh hưởng đến Facebook. Ngoài ra, Facebook cũng dựa vào các thương vụ thâu tóm, chẳng hạn Instagram và WhatsApp, để mang hơi thở mới đến mạng lưới của mình.
Hầu hết người dùng Internet trên thế giới đã sử dụng Facebook. Meta còn phải cạnh tranh về thời gian của người dùng trước các đối thủ như TikTok. Nếu Facebook không còn ai gia nhập mạng lưới, sự tăng trưởng sẽ xuất phát từ lượng nội dung mà người dùng hiện tại tạo ra và tiêu thụ.
Facebook đã áp dụng một số đòn bẩy để “bơm” những loại nội dung mới vào bảng tin, ngay cả khi người dùng không theo dõi hay kết bạn với người mới. Ví dụ, Instagram nay hiển thị bài viết từ các tài khoản mà người dùng không theo dõi, còn Facebook thúc đẩy mọi người tham gia hội nhóm.
Trong cuộc họp từ xa với các nhà đầu tư, Zuckerberg cho biết tính năng Reel của Instagram là cơ hội tốt nhất để lôi kéo thêm người dùng trẻ đến với nền tảng. Công ty sẽ đầu tư vào phát triển nó nhanh nhất có thể, bất chấp thực tế nó mang về ít doanh thu quảng cáo hơn các sản phẩm tiêu biểu khác của Meta.
Meta không có nhiều lựa chọn, chủ yếu vì đối mặt với sự giám sát ngày một tăng của nhà chức trách, đồng nghĩa với những thương vụ mua bán lớn khó lòng thực hiện.
Những yếu tố kể trên giải thích phần nào vì sao Facebook lại dồn mọi tâm huyết vào vũ trụ ảo. Để thành công, nỗ lực sẽ mất hàng năm trời. Trong quý IV/2021, bộ phận chịu trách nhiệm Reality Labs báo lỗ hoạt động 3,3 tỷ USD.
Cựu nhân viên Facebook Nikita Bier viết trên Twitter: “Facebook đã bị trói tay. Hãy yên nghỉ”.
Theo Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"