Vì sao giới công nghệ phát cuồng với ChatGPT - chatbot AI trả lời được mọi câu hỏi?
Không ít giám đốc điều hành tại các công ty công nghệ, cũng như các nhà đầu tư mạo hiểm đã khen ngợi ChatGPT hết lời và so sánh sự ra mắt của công cụ này sánh ngang với sự kiện Apple ra mắt iPhone vào năm 2007.
Vào năm 2016, những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google và Microsoft đã liên tục rào đón về sự ra mắt của các trợ lý ảo, vốn được coi là bước tiến tiếp theo của mối tương tác giữa con người và máy tính.
Vào thời điểm đó, các hãng công nghệ tự hào về tiềm năng của chatbot (chương trình kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với con người) trong việc như hỗ trợ đặt cuốc xe trên Uber, mua vé máy bay hay trả lời các câu hỏi của người dùng với không khác gì một trợ lý 'người thật'.
Tuy nhiên, 6 năm sau, sự phát triển của các công cụ chatbot đã chững lại. Phần lớn các chatbot phổ biến trên thị trường còn tương đối sơ khai. Chúng chỉ có khả năng trả lời các câu hỏi dạng đơn giản trên các trang chăm sóc khách hàng của các tập đoàn.
Mặc dù vậy, sự ra đời của công cụ chatbot mang tên ChatGPT vào thời điểm cuối tháng 11/2022 đã sớm thay đổi tất cả, khi tạo ra một cơn sốt mới trong làng công nghệ thế giới. Năm ngày sau khi ChatGPT được ra mắt, chatbot này đã vượt mốc 1 triệu người dùng. Ở thời điểm hiện tại, website của ChatGPT liên tục gặp lỗi kết nối do lượng người truy cập và sử dụng quá lớn.
Trong khi đó, không ít giám đốc điều hành tại các công ty công nghệ, cũng như các nhà đầu tư mạo hiểm đã khen ngợi ChatGPT hết lời trên Twitter. Một số thậm chí còn so sánh nó với sự kiện Apple ra mắt iPhone vào năm 2007.
ChatGPT là gì?
ChatGPT được phát triển bởi OpenAI - công ty nghiên cứu phát triển phần mềm có trụ sở tại San Francisco. OpenAI được đánh giá là một tên tuổi 'đáng gờm' trong mảng AI, khi công ty này được Microsoft, đồng sáng lập LinkedIn Reid Hoffman và Khosla Ventures tài trợ.
ChatGPT về cơ bản là một biến thể của mô hình ngôn ngữ GPT-3.5 của OpenAI, vốn cũng được thiết kế để thực hiện những cuộc trò chuyện tự nhiên với người dùng. So với những công cụ chatbot trước đây của các công ty tại Thung lung Sillicon, ChatGPT vượt trội ở vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau và sở hữu khả năng giao tiếp, tương tác với câu hỏi của người dùng rất ấn tượng.
Theo đó, một số tính năng của ChatGPT là trả lời các câu hỏi dạng tiếp nối (sau câu hỏi chính), đính chính hoặc sửa sai các giả thiết không chính xác, từ chối những truy vấn không phù hợp và thậm chí là tự thừa nhận lỗi sai của…chính mình, theo bản tóm tắt về mô hình ngôn ngữ của OpenAI.
Giống như các công cụ AI khác, ChatGPT cũng được đào tạo dựa trên một cơ sở dữ liệu khổng lồ, cụ thể ở đây là các dữ liệu dạng văn bản.
Bern Elliot, phó chủ tịch của công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner cho biết, ChatGPT sau khi được đào tạo có thể tạo ra một văn phong của riêng mình, vốn được tổng hợp từ các phong cách viết khác nhau.
OpenAI không tiết lộ dữ liệu chính xác nào đã được sử dụng để đào tạo ChatGPT, nhưng công ty này cho biết chatbot thường thu thập thông tin trên web, sử dụng các nguồn lưu trữ và số hóa sách, và Wikipedia.
Bách khoa toàn thư có thể trả lời mọi câu hỏi
Chỉ cần truy cập website của ChatGPT, người dùng có thể hỏi không giới hạn chủng loại câu hỏi và nhận được nhiều phản hồi hữu ích đến bất ngờ từ chatbot này. Chẳng hạn, bạn có thể đặt những câu hỏi về kiến thức chuyên sâu như "Giải thích định luật chuyển động của Newton" cho đến những đề tài mang tính triết học kiểu "Ý nghĩa cuộc sống là gì?", hay thậm chí là vấn đề cá nhân như "Hôm nay tôi nên mặc gì khi nhiệt độ ngoài trời 40 độ?".
Thậm chí, ChatGPT còn 'đa tài' đến mức có thể lập trình hoặc sửa lỗi những đoạn code ở đủ loại ngôn ngữ lập trình phổ biến, hay viết các luận văn học thuật nếu được yêu cầu.
Tobias Zwingmann - quản lý của một công ty tư vấn giúp khách hàng sử dụng trí tuệ nhân tạo, thậm chí còn sử dụng ChatGPT để soạn giáo án… cho các khóa học trực tuyến về AI. Theo đó, chuyên gia về AI đã 'nhờ' chatbot này giải thích "hộ" (?!) về cơ chế hoạt động của một công nghệ máy học được gọi là DBSCAN. Lý do cho hành động này của Zwingmann khá đơn giản: "Tôi quá lười để viết ra tất cả". Nói cách khác, Zwingman đánh giá ChatGPT đủ thông minh để làm thay công việc của một chuyên gia trong lĩnh vực AI.
"Tôi bật ChatGPT lên và viết, 'OK, hãy cho tôi biết chi tiết từng bước về cách thức hoạt động của thuật toán DBSCAN,' và nó đã chỉ cho tôi từng bước một," Zwingmann chia sẻ. Đáng chú ý, giáo án được tạo ra bởi ChatGPT có chất lượng tốt đến mức bất ngờ. Chỉ cần chau chuốt lại chút ít, Zwingmann đã có thể sử dụng tài liệu này để giảng dạy.
"Tôi chỉ mất khoảng 30 phút (để chau chuốt lại giáo án), trong khi bình thường tôi có thể mất cả ngày (để tự mình ngồi soạn tài liệu). "Không thể phủ nhận rằng, (nó) cực kỳ hữu ích", Zwingmann nói.
Cai GoGwilt, giám đốc công nghệ của công ty khởi nghiệp quản lý hợp đồng kỹ thuật số Ironclad, cho biết công ty của ông đang khám phá cách tận dụng ChatGPT để tóm tắt những thay đổi đối với các văn bản pháp lý. GoGwilt cho biết tính năng này sẽ hữu ích cho các khách hàng của công ty này, vốn thường xuyên chỉnh sửa tài liệu và sau đó mới thông báo cho đồng nghiệp của họ sau khi họ thực hiện các thay đổi.
Mức độ phổ biến ngày càng tăng của ChatGPT cho thấy có một bộ phận người dùng thích nhận thông tin qua câu hỏi và câu trả lời hơn là phương thức truy vấn tìm kiếm thông thường.
Krishna Gade, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp giám sát mô hình AI Fiddler, cho biết ChatGPT và các công nghệ ngôn ngữ liên quan có thể dẫn đến "sự gián đoạn lớn trong lĩnh vực tìm kiếm trên web". Đây cũng chính là một lĩnh vực Google đã thống trị từ lâu. Gade, người trước đây làm việc tại bộ phận tìm kiếm Bing của Microsoft, cho biết nếu mức độ phổ biến của ChatGPT hay các công cụ chatbot khác tiếp tục gia tăng, Google có thể sẽ phải cập nhật công nghệ tìm kiếm cốt lõi của mình để tập trung vào yếu tố tương tác với người dùng một cách nổi bật hơn.
Tham khảo CNBC, CNN, Wikipedia. CNET
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming