Vì sao Ireland kiên quyết chống Ủy ban Châu Âu EC để không phải nhận khoản tiền 14,5 tỷ USD từ Apple?

    Lê Hoàng,  

    Nói một cách ngắn gọn thì bạn không nên "đổ thóc giống ra ăn". Ai-Len cũng vậy.

    Trong một diễn tiến kỳ lạ, chính phủ Ai-Len (Ireland) đã quyết định đấu tranh để không... nhận khoản bồi hoàn thuế lên tới 13 tỷ Euro từ Apple. Quyết định nói trên là kết quả của 2 lần vận động do Bộ trưởng Tài chính Ai-Len Michael Noonan thực hiện từ thời điểm Ủy ban Châu Âu EC ra phán quyết rằng Apple đã vi phạm luật thuế tại Châu Âu và buộc phải hoàn lại 13 tỷ Euro (tức khoảng 14,5 tỷ USD) cho Ai-Len.

    Đây không phải là một quyết định dễ dàng cho chính phủ Ai-Len, bởi khoản tiền bồi hoàn 14,5 tỷ USD cao gấp 2 lần tổng mức thuế kinh doanh mà Ai-Len thu về từ tất cả các doanh nghiệp trong năm 2015 và cũng sẽ giúp mỗi người dân nước này giảm được hơn 2.800 Euro tiền nợ công.

    Ở phía còn lại, Apple đang có 232 tỷ USD tiền mặt. Mức phạt 14,5 tỷ USD được EC đưa ra chỉ tương đương với 3 tuần doanh thu của Táo. Kể cả trong trường hợp bị giữ nguyên mức phạt, Apple vẫn sẽ sống tốt và sống khỏe trong nhiều năm nữa.

     Trụ sở của Apple tại Cork, miền nam Ai-Len.

    Trụ sở của Apple tại Cork, miền nam Ai-Len.

    Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Nói theo lời của Bộ trưởng Noonan, thu 14,5 tỷ USD tiền thuế của Apple chẳng khác gì "đổ khoai tây giống ra ăn".

    Không phải vô cớ mà một loạt các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Facebook, Intel, Dell và LinkedIn lại đặt trụ sở châu Âu tại Ai Len. Thuế suất đánh vào doanh nghiệp của Ai-Len thấp một cách đáng ngạc nhiên so với Anh, Đức, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác: mức thuế chỉ 12,5% của Ai-Len thấp bằng 1/2 Anh và... 1/3 của Pháp.

    Như đúng lời "đe dọa" của Tim Cook đưa ra gần đây, EU chỉ được chọn giữa một bên và việc làm và một bên là tiền thuế. Với Ai-Len, thuế suất chỉ 12,5% đã giúp cho quốc gia trực thuộc Liên Hiệp Anh này trở thành một trung tâm thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Hiện tại, khoảng 1.000 công ty nước ngoài đang tạo ra 100.000 việc làm cho người Ai-Len, tức là chỉ khoảng 5% tổng nhân lực tại quốc gia này. Ấy vậy nhưng 100.000 việc làm này lại kiếm cho người dân Ai-Len 6 tỷ Euro tiền lương; 1.000 công ty nước ngoài kể trên cũng mang đến cả 3 tỷ Euro tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, 4 tỷ Euro tiền doanh thu cơ sở dịch vụ.

    Năm ngoái, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh mà mức tăng trưởng GDP của Ai-Len đạt mức cao gấp 3 lần con số dự tính ban đầu. Nền kinh tế của Ai-Len trong năm 2015 vốn chỉ được dự báo tăng trưởng 7,8% bỗng dưng nhảy vọt lên 26% nhờ nguồn vốn ồ ạt từ nước ngoài.

    Thuế suất hấp dẫn của Ai-Len đã thu hút được Microsoft từ tận năm 1985. Ảnh: datacenter được Microsoft xây dựng tại ngoại ô Dublin.
    Thuế suất hấp dẫn của Ai-Len đã thu hút được Microsoft từ tận năm 1985. Ảnh: datacenter được Microsoft xây dựng tại ngoại ô Dublin.

    Kể từ khi EC tiến hành điều tra vấn đề thuế của Apple vào giữa 2014, ông Noonan đã kiên quyết giữ vững lập trường rằng Ai-Len phải bảo vệ các chính sách thuế đã thu hút được rất nhiều tập đoàn lớn đến làm ăn.

    Cách hoạt động của nền kinh tế Ai-Len chẳng khác gì một chiếc xe có động cơ là các doanh nghiệp ngoại bang. Quốc gia này không chỉ tập trung các tập đoàn phần cứng/phần mềm hàng đầu thế giới mà còn là nơi quy tụ của các tên tuổi lớn trong các lĩnh vực hàng không, dược phẩm và nhiều ngành nghề "trí thức khác". Nếu để mất nguồn vốn đầu tư và nguồn tiền lương dồi dào từ các tập đoàn tầm cỡ như Apple, Tyco và Allergan, Ai-Len sẽ mất khả năng duy trì tốc độ phát triển/hồi phục kinh tế vốn thuộc hàng bậc nhất tại Châu Âu.

    Đó là lý do vì sao chính phủ Ai-Len buộc phải đứng về phe Apple, dù rằng nếu Apple thua thì Ai-Len sẽ có đủ tiền để miễn thuế bất động sản cho người dân trong vòng 25 năm nữa. Nếu được thông qua, phán quyết của EC sẽ tạo ra một tiền lệ cực kỳ đáng sợ cho các tập đoàn nước ngoài – nói cách khác là tạo ra một viễn cảnh thảm họa cho chính Ai-Len khi Apple, Google, Facebook, Intel... lần lượt rời bỏ một thiên đường thuế hiếm có tại Châu Âu. 14,5 tỷ USD có thể là một khoản tiền lớn cho Ai-Len trong thời gian trước mắt nhưng vẫn là không đủ để đảm bảo cho tương lai lâu dài, nhất là khi nhân lực trẻ tại nước này càng ngày càng tụt hậu về khả năng kỹ thuật cũng như ngoại ngữ.

    Cơ sở hạ tầng tại Ai-Len phát triển mạnh nhờ thuế doanh nghiệp quá hấp dẫn. Ngay cả non trẻ như Facebook cũng đã lên kế hoạch xây dựng datacenter tại Dublin.
    Cơ sở hạ tầng tại Ai-Len phát triển mạnh nhờ thuế doanh nghiệp quá hấp dẫn. Ngay cả non trẻ như Facebook cũng đã lên kế hoạch xây dựng datacenter tại Dublin.

    Nhiều người Ai-Len cho rằng chính các tập đoàn nước ngoài mới là nhân tố làm nên cuộc hồi phục ấn tượng của đất nước này sau khủng hoảng tài chính 2008, còn các khoản viện trợ hay mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia EU khác lại chẳng mang đến hiệu quả gì đáng nói cả. Ai-Len buộc phải bảo vệ miếng Táo của mình trước chiếc gậy đang giơ cao của EU. Theo lời ông Noonan, từ chối khoản tiền 14,5 tỷ USD là để "gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng Ai-Len sẽ tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn và ổn định cho các nguồn vốn to lớn và lâu dài".

    Nhưng EC sẽ không dễ dàng bỏ cuộc vì một lý do đơn giản: bên cạnh thuế suất hấp dẫn, chính phủ Ai-Len cũng cung cấp nhiều cơ chế "thao túng" tài chính để doanh nghiệp nước ngoài có thể né tránh các khoản thuế lẽ ra nên được nộp cho các quốc gia khác trong EU. Cũng bởi lý do này mà EC luôn sẵn sàng nặng tay phạt Microsoft, Google hay các công ty Hoa Kỳ khác: nhờ có cơ chế thuế "độc đáo" tại Ai-Len, các tập đoàn này đã né tránh được hàng tỷ USD tiền thuế lẽ ra phải nộp cho Liên Minh Châu Âu.

    Đây sẽ là một cuộc chiến gay gắt bởi có quá nhiều bên liên quan và mỗi bên cũng có quá nhiều điều phải suy tính. EC có thể tạo ra một sân chơi pháp lý thực sự công bằng cho cả Liên Minh Châu Âu nhưng cùng lúc cũng đứng trước nguy cơ mất thêm một quốc gia thành viên. Apple "chỉ" đang đứng trước nguy cơ mất khoản tiền tương đương 3 tuần doanh thu, nhưng nếu Apple thua thì cả Microsoft, Google, Facebook, Intel... đều sẽ cùng ăn đủ trái đắng. Đứng trước nguy cơ EC tạo tiền lệ để bóp chẹt các công ty Mỹ trong tương lai, chính phủ Obama cũng đã tuyên bố sẽ mang vấn đề Ai-Len ra tranh luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.

    Nếu Apple thua EC, Ai-Len có thể mất luôn cả Google và nhiều gã khổng lồ công nghệ khác.
    Nếu Apple thua EC, Ai-Len có thể "mất" luôn cả Google và nhiều gã khổng lồ công nghệ khác.

    Còn Ai-Len có thể sẽ sớm nhận được một cục tiền to đùng nhưng cũng sẽ đối mặt với nguy cơ mất luôn nguồn sống cho tương lai. Thế mới hiểu vì sao ông Noonan không muốn nước này "đổ khoai tây giống ra ăn".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ