Vì sao Malaysia ra quy định bắt buộc xe máy phải trang bị phanh ABS từ năm 2025?

    Ánh Viên,  

    Hệ thống phanh ABS được cho là sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ. Quy định mới này dự kiến có hiệu lực với xe máy dung tích xi-lanh từ 150cc trở lên.

    Theo Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi, quốc gia này sẽ bắt buộc trang bị hệ thống phanh ABS cho xe máy từ ngày 1/1/2025. Phát biểu tại Hội nghị An toàn đường bộ châu Á (CARS), ông Zahid cho biết chính sách này áp dụng cho xe máy có dung tích xi-lanh từ 150cc trở lên.

    Ông Zahid, cũng là Chủ tịch Ủy ban Nội các Malaysia về An toàn đường bộ và Ùn tắc giao thông, cho biết phanh ABS trên xe máy có thể làm giảm 31% số người điều khiển xe máy tử vong do tai nạn giao thông. Ông tin rằng sáng kiến này sẽ truyền cảm hứng cho các nước ASEAN khác thực hiện điều tương tự. Điều này góp phần nâng cao sự an toàn cho xe máy trong toàn khu vực.

    "Tôi tin rằng sáng kiến này sẽ làm giảm tử vong do tai nạn giao thông đường bộ ở Malaysia và khuyến khích các quốc gia ASEAN khác thực hiện các biện pháp tương tự", ông Zahid phát biểu.

    Vì sao Malaysia ra quy định bắt buộc xe máy phải trang bị phanh ABS từ năm 2025?- Ảnh 1.


    Trước đó, Indonesia cũng đã xem xét áp dụng chính sách tương tự. Theo đó, nước này muốn sửa đổi Peraturan Pemerintah Nomor 55 Tahun 2012 về Phương tiện giao thông. PP 55 Tahun 2012 có hiệu lực từ tháng 5/2012 và là cơ sở để điều chỉnh chung về xe cơ giới tại Indonesia. Việc sửa đổi PP này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cấp công nghệ xe cơ giới tại Indonesia, bao gồm cả công nghệ an toàn.

    Ông Yusuf Nugroho - Trưởng phòng Kiểm tra Kiểu xe Cơ giới thuộc Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải Indonesia) cho biết: sự phát triển của công nghệ xe cơ giới là cần thiết để giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ. "Bộ Giao thông Vận tải sẽ áp dụng ít nhất 19 hạng mục công nghệ, bao gồm công nghệ phanh như Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), theo khuyến nghị của Liên Hợp Quốc", ông Yusuf cho biết.

    Theo Kompol Deni Setiawan - Trưởng phòng Gunranmor thuộc Tiểu ban Ditgakkum (Cảnh sát Giao thông Quốc gia Indonesia), 44% số vụ tai nạn xảy ra ở Indonesia là do lỗi hệ thống phanh. Ông đề xuất 6 công nghệ có thể được xem xét áp dụng, bao gồm Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), Cảnh báo điểm mù, Hệ thống kiểm soát lực kéo, Hệ thống hỗ trợ người lái nâng cao (ARAS), Công nghệ xe được kết nối và Hệ thống cân bằng điện tử. "Chúng tôi đề xuất rằng công nghệ xe cộ cũng nên được áp dụng vào hệ thống quy định của chúng tôi. Cảnh sát ủng hộ việc sửa đổi PP 55 Tahun 2012 cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Indonesia", ông Deni nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày