(GenK.vn) - Những chiếc máy bay hiện nay được trang bị nhiều hệ thống liên lạc và định vị công nghệ cao, tuy nhiên vì nhiều lí do chưa thể xác định chúng vẫn bị mất tích mà không để lại dấu vết nào.
Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia chở theo 227 hành khách và 12 nhân viên phi hành đoàn bị mất liên lạc từ hồi hôm qua được dự đoán bị rơi trong khi tàu thuyền của những quốc gia trong khu vực tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay bị nạn.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Giao thông Malaysia đưa ra hôm nay thì không hề có dấu hiệu cho thấy chiếc máy bay bị gặp nạn và ông này bác bỏ tin tức nói rằng máy bay bị rơi ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Không chỉ có kích cỡ khá lớn, chiếc 777 còn mang trong mình rất nhiều thiết bị liên lạc, bao gồm thiết bị vô tuyến và đèn báo hiệu cấp cứu tự động, GPS, các hệ thống máy vi tính liên lạc. Theo CNN, không chỉ có cả thiết bị vô tuyến UHF và VHF, chiếc Boeing 777, vốn có giá 250 triệu USD một chiếc (5.275 tỷ đồng) còn được trang bị công nghệ Aircraft Communications Adressing and Reporting System (ACARS - Hệ thống Liên lạc và Báo cáo).
Được tích hợp trong hệ thống máy vi tính trên máy bay, ACARS sẽ liên tục gửi các tin ngắn thông báo về trình trạng của máy bay: tốc độ, nhiên liệu, lực cản. "Nếu có gì sai sót xảy ra, ACARS sẽ gửi tín hiệu về Malaysia Airlines ngay lập tức", biên tập viên hàng không Richard Quest của CNN khẳng định.
Không ít máy bay được trang bị thiết bị công nghệ cao như máy bay Malaysia Boeing B777-200 trong sự cố mới đây cũng từng mất liên lạc đột ngột một cách bí ẩn và khó lý giải.
Mất liên lạc vì thiên tai, lỗi phi công hay bị khủng bố
Một trong những vụ mất tích máy bay nổi tiếng nhất diễn ra vào năm 2009. Khi đó, chiếc Airbus A330của Air France trong chuyến bay chở theo 228 hành khách từ Brazil tới Pháp đã biến mất sau lúc gặp một cơn bão lớn trên Đại Tây Dương.
Phi hành đoàn trên máy bay đã gửi một tin nhắn từ động sau 4 giờ đồng hồ rời khỏi Rio de Janeiro và biến mất giữa đại dương, vượt ra ngoài phạm vi phủ sóng của radar trạm kiểm soát không lưu. Người ta cho rằng, chiếc máy bay đã bị sét đánh trúng.
Xác máy bay chỉ được tìm thấy sau 2 năm tai nạn. Theo điều tra của các nhà chức trách Pháp vào năm 2012, sự cố này lại do nguyên nhân phi công có trình độ kém trong xử lý các tình huống bất ngờ khi gặp sự cố thiên tai. Chế độ lái tự động đã bị tắt và phi công đã làm cho máy bay bị mất tốc độ mặc dù động cơ vẫn hoạt động.
Thậm chí khi máy bay có khả năng chống sét thì khi rơi vào vùng nhiễu động thời tiết có thể khiến cho máy bay bị rơi tự do hàng trăm mét và không cẩn thận thì hoàn toàn có thể rơi hẳn. Vào khoảng tháng 8.2013, một chiếc máy bay A321 hiệu VN615 từ Hà Nội sang Bangkok, Thái Lan, bay ở độ cao 36.000 feet (tương đương 10.973 mét) cũng gặp sự cố này khiến máy bay rơi tự do 200 mét. Tuy nhiên, sau đó máy bay đã vận hành trở lại và về tiếp đất an toàn.
Mới tháng trước, một vụ tai nạn máy bay khác cũng xảy ra khiến 18 người thiệt mạng sau khi chiếc máy bay của hãng hàng không Nepal mất liên lạc với trạm kiểm soát trên mặt đất. Ngay hôm sau sự cố, đống đổ nát của máy bay đã được tìm thấy trên một ngọn đồi và nguyên nhân dẫn tới tai nạn được cho là do thời tiết xấu.
Ngoài ra, nguyên nhân máy bay rơi còn được đề cập tới là do hiện tượng khủng bố máy bay. Những vụ tấn công ngay trên máy bay có thể bằng các loại vũ khí như lựu đạn, bom đã từng xảy ra trong lịch sử. Mới đây nhất, các nhà chức trách Mỹ đã từng hai lần cảnh báo về loại bom được giấu trong giầy của những kẻ khủng bố. Liên quan đến sự cố máy bay Malaysia Boeing B777-200, giả thiết này cũng đã được giới phân tích đặt ra.
Những vụ mất tích máy bay bí ẩn
Vào tháng 4.2012, một chiếc máy bay UTair mất liên lạc với trạm kiểm soát ngay sau khi nó cất cánh từ Tyumen, Nga. Sau đó nó đã bị rơi cách sân bay 40 km và làm chết 33 người mà không rõ nguyên nhân.
Bí ẩn hơn là trường hợp chiếc Boeing 727-223 cất cánh từ một sân bay ở Angola mà không hề có liên lạc gì với trạm kiểm soát vào năm 2003. Chiếc máy bay bay thẳng ra Biển Altanic rồi không bao giờ được nhìn thấy một lần nữa. Một kỹ sư người Mỹ cùng trợ lý của ông là người Congo trên chiếc máy bay này cũng biến mất vĩnh viễn từ đó. Cả FBI và CIA của Mỹ cũng tiến hành tìm kiếm chiếc máy bay nhưng đều bặt vô âm tín.
Trong khi đó, hàng loạt báo cáo về các máy bay, tàu biển bị mất tích trong một khu vực vô cùng bí hiểm là vùng Tam giác quỷ Bermuda, phía tây Bắc Đại Tây Dương mà vẫn chưa thể nào giải thích được rõ ràng.
Hàng loạt nguyên nhân gây sốc được đồn đoán
Trước những vụ mất tích máy bay bí ẩn trên, các chuyên gia khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết giải thích khác nhau. Trong đó đáng lưu ý là giả thuyết cho rằng, máy bay bị mất tín hiệu liên lạc với trạm kiểm soát không lưu do bị rơi vào “lỗ hổng thời gian”.
Theo lý thuyết này, “lỗ hổng thời gian” thực chất là “thế giới phản vật chất” đang tồn tại trong vũ trụ. Khi nó tiếp cận với thế giới vật chất dưới tác động qua lại của lực hấp dẫn đến một mức độ nhất định sẽ làm cả hai thế giới này bị đổ vỡ và sinh ra năng lượng cực lớn tạo thành áp lực chia đôi hai hệ thống gây ra hiện tượng máy bay bị mất tích khi rơi vào thời điểm đó cho đến khi trường lực hấp dẫn bình thường mới thôi.
Điều lưu ý ở chỗ, theo lý thuyết này máy bay có thể vẫn tồn tại và xuất hiện ở một thời gian khác trong tương lai hoặc quá khứ. Người ta cũng từng đồn đoán Airbus A330 của Air France đã rơi vào “lỗ hổng thời gian”. Dù máy bay sau đó được tìm thấy xác ở đại dương đã hé lộ một số nguyên nhân cụ thể. Nhưng nếu rơi vào lỗ hổng thời gian và mất tín hiệu radar thì hoàn toàn có thể làm cho phi công mất hướng lái máy bay và gây ra sự cố.
Thậm chí, một số người còn cho rằng, máy bay bị mất tích bị ẩn có thể do tác động liên quan đến UFO hay một điều gì đó của người ngoài hành tinh. Vào năm 1906, một phi công Frederick Valentich đã lái chiếc Cessna 182 bay từ King Island đến phía Nam Melbourne nhưng đã mất tích bí ẩn chỉ với dòng tin nhắn của phi công nhìn thấy 4 ngọn đèn xanh đuổi theo máy bay. Cha Valentich lúc đó cho rằng, sự mất tích của con trai ông do UFO gây ra, rằng từ 10 tháng trước sự cố con trai ông đã nhìn thấy vật thể lạ.
Một cách giải thích có tính thuyết phục hơn theo các nhà khí tượng học Pháp, tai nạn máy bay có thể xảy ra khi rơi vào khu vực thời tiết có nhiều biến động nằm dọc đường xích đạo vốn được gọi là Vùng hội tụ giữa hai chí tuyến (Intertropical Convergence Zone), một khu vực được coi là nỗi ám ảnh của phi công và được mệnh danh là “Chiếc nồi u ám”.
Mặc dù có nhiều giả thuyết xung quanh vấn đề máy bay bị rơi nhưng không ít nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các sự cố này là do con người hoặc do những lỗi kỹ thuật, thiên tai.
Tuy nhiên, thế giới bí ẩn hơn so với suy nghĩ của con người rất nhiều. Trường hợp, phi công Australia Frederick Valentich ở câu chuyện kể trên bị mất tích cùng chiếc máy bay lại đột ngột xuất hiện vào năm 1978 hay những báo cáo ở Tam giác quỷ Bermuda đến nay vẫn là những thách thức với các nhà khoa học.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android