Vì sao nhiều người trẻ Nhật lại chọn lối sống ẩn dật, ở lì trong phòng và không giao tiếp với bất cứ ai?
Từ lâu, vấn nạn tự tử đã trở thành chuyện báo động trong giới trẻ Nhật Bản. Bên cạnh đó, đất nước này cũng đang phải đối mặt với một hiện tượng mới, gọi là Hikikomori, khi mà người trẻ tự thu mình và xa lánh xã hội.
Thế hệ thanh niên thu mình trong 4 bức tường
Hikikomori là hội chứng mà những người trẻ tự cách ly bản thân với thế giới bên ngoài, nhốt mình ở lì trong phòng và không giao tiếp với bất cứ ai. Thời gian tự cô lập có thể kéo dài trong vòng 6 tháng hoặc hơn.
Kết quả khảo sát của chính phủ Nhật Bản năm 2016 cho biết, khoảng 541.000 người trẻ đang mắc phải hội chứng Hikikomori. Trong đó, những người đã nhốt mình trong nhà từ 7 năm trở lên chiếm 34.7% tổng số.
Họ là những người đã không đi học, đi làm hay tham gia bất kỳ hoạt động xã hội nào suốt nhiều năm liền.
Hikikomori là hội chứng mà những người trẻ tự cách ly bản thân với thế giới bên ngoài, nhốt mình ở lì trong phòng và không giao tiếp với bất cứ ai.
Điều đáng nói ở đây là, con số trên chỉ thống kê với nhóm đối tượng dưới 39 tuổi, có nghĩa là ở nhóm lớn tuổi hơn, kết quả còn nhiều hơn gấp bội. Tuy nhiên, chúng ta rất khó để hình dung chính xác về những người bị hiện tượng Hikikomori, do họ luôn sống cô lập và từ chối giao tiếp.
Yuto Onishi, 18 tuổi và đã sống ở nhà suốt 3 năm chia sẻ với tờ ABC News: "Từ khi sống trong tình trạng Hikikomori, em đã mất dần cảm giác về thực tại rồi. Em biết điều này là không bình thường, nhưng em không muốn thay đổi nó. Em cảm thấy an toàn khi ở nhà".
Lần đầu tiên Hikikomori được biết đến là vào thập niên 1990. Đến nay, hiện tượng này vẫn chưa được xem là một dạng rối loạn bệnh lý và vẫn chưa có cách chữa trị chính thức nào.
Yuto Onishi: "Từ khi sống trong tình trạng Hikikomori, em đã mất dần cảm giác về thực tại rồi. Em biết điều này là không bình thường, nhưng em không hề muốn thay đổi nó. Em cảm thấy an toàn khi ở nhà".
Ông Takahiro Kato, giáo sư thần kinh học tại trường Đại học Kyushu cho biết, Hikikomori xuất phát từ những yếu tố tâm lý như lo âu, trầm cảm. Ngoài ra, những ảnh hưởng về văn hóa, xã hội cũng đã làm người trẻ chán chường và muốn tách li khỏi thế giới.
Áp lực về danh tiếng và sự lệ thuộc
Hide, một chàng trai trẻ người Nhật, giải thích với tờ BBC rằng, Hide quyết định sống ẩn dật từ khi anh bỏ học. "Tôi bắt đầu tự trách bản thân, bố mẹ cũng trách mắng tôi vì đã không đi học. Áp lực bắt đầu từ đây. Và rồi cứ thế dần dần, tôi trở nên ngại ra ngoài và sợ gặp mặt người khác. Sau đó, tôi cảm thấy không thể ra khỏi nhà được nữa.", Hide chia sẻ.
Hide hay rất nhiều thanh niên khác đang phải đối mặt với áp lực "sekentei". Đây là thuật ngữ chỉ danh tiếng của một cá nhân trong cộng đồng. Hiểu nôm na là mức độ ấn tượng của mỗi cá nhân khi giới thiệu với người khác.
Hikikomori xuất phát từ những yếu tố tâm lý như lo âu, trầm cảm
"Sekentei" là một cấu trúc xã hội vô cùng quan trọng trong xã hội Nhật Bản. Khi những thanh niên như Hide gặp thất bại, họ sẽ rất lo lắng, sợ hãi việc mình bị xã hội đánh giá như thế nào. Vậy nên khi càng cảm nhận sự thất bại, họ càng mất hết sự tự tin hay lạc quan vốn có và dẫn đến xu hướng trốn tránh mọi người xung quanh.
Một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra rằng, lý do nhiều người mắc chứng Hikikomori là vì họ gặp phải những vấn đề bế tắc trong cuộc sống. Chính vì họ không tìm thấy lối thoát cho mình, những vấn đề đó khiến họ cảm thấy bản thân vô cùng bất lực, vô dụng và trở nên tiêu cực.
Bên cạnh đó, những người này lại thiếu trang bị kỹ năng cần thiết để đương đầu với khó khăn. Vậy nên thay vì đối diện chúng, họ lại chọn cách khép mình và trốn tránh thực tại.
Những thanh niên trẻ lại là đối tượng dễ lâm vào tình trạng này nhất, vì họ phải đối mặt với nhiều áp lực nghề nghiệp sau khi ra trường.
Áp lực về danh tiếng (sekentei) và sự lệ thuộc (amae)
Ngoài ra, "sekentei" chưa phải là yếu tố duy nhất gây ra căn bệnh Hikikomori. Khi tìm hiểu về hội chứng này, một thuật ngữ luôn được nhắc đến chính là "amae", sự lệ thuộc. Đây là yếu tố đặc trưng trong mô hình gia đình Nhật Bản, khi con gái sẽ ở với cha mẹ đến lúc lấy chồng, còn con trai có thể chẳng bao giờ dọn ra ngoài sống.
Chính vì việc quá bao bọc con cái, một số người trẻ sẽ cảm thấy rất khó khăn để có thể tự lập.
Giáo sư Kato cho biết, tỉ lệ nam giới mắc Hikikomori cao hơn nữ giới rất nhiều, bởi vì xã hội Nhật có tư tưởng trọng nam. Nhiều bậc phụ huynh đặt rất nhiều kỳ vọng vào con trai của họ và còn ép chúng đi theo con đường nghề nghiệp mà chúng không thích.
Chính những mong muốn, kỳ vọng đó đã trở thành áp lực nặng nề đối với người trẻ Nhật Bản khiến họ chỉ muốn sống ẩn dật và không giao tiếp với ai.
Nguồn: Curiousity
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"