VOV.VN - Mới đây, Thủ tướng Séc Petr Fiala ra tuyên bố, Chính phủ Séc đã chính thức cấm sử dụng tất cả các sản phẩm từ Công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc DeepSeek với lý do lo ngại rủi ro an ninh mạng.
Quyết định này được đưa ra sau khuyến nghị của Cơ quan An ninh mạng và Thông tin Quốc gia, trong đó cảnh báo rằng, các hoạt động xử lý dữ liệu của DeepSeek có thể cho phép các cơ quan của Trung Quốc truy cập trái phép.
Động thái này đã đưa Cộng hòa Séc vào danh sách các quốc gia áp đặt các hạn chế mạnh tay hoặc cấm việc sử dụng đối với các sản phẩm của DeepSeek như Italy, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc,... Các quốc gia này cũng lên tiếng báo động về các hoạt động của DeepSeek và nguy cơ tiềm ẩn của tổ chức này trong các hoạt động tình báo nước ngoài.

Cảnh báo của các quốc gia về việc thu thập và sử dụng dữ liệu từ DeepSeek
Theo thông tin từ chính quyền Séc, cảnh báo của cơ quan an ninh mạng của Séc đã đánh giá mức độ rủi ro cao từ các sản phẩm của DeepSeek, nêu rõ khả năng xâm phạm quyền riêng tư về dữ liệu người dùng và các nguy cơ rủi ro an ninh khác. Cơ quan này cũng dựa trên phân tích từ những nghiên cứu thu thập được và các thông tin tình báo do các đối tác nước ngoài cung cấp. Báo cáo cũng chỉ rõ môi trường pháp lý của Trung Quốc - có thể bắt buộc các công ty như DeepSeek phải hợp tác với các cơ quan chính phủ, từ đó tạo ra lỗ hổng khá lớn cho người sử dụng, đặc biệt là trong khu vực công.
Đại diện Cơ quan an ninh mạng của Séc cũng cảnh báo những mối lo ngại về tính bảo mật và việc sử dụng các dữ liệu này vào mục đích khác nhau, đồng thời ra thông báo hướng dẫn các tổ chức chịu sự quản lý của luật an ninh mạng Séc phải tính đến mối đe dọa này trong các đánh giá rủi ro nội bộ và áp dụng các chiến lược phù hợp. Cơ quan này cũng khuyến cáo công dân nên cân nhắc kỹ lưỡng cách thức và thời điểm sử dụng các ứng dụng DeepSeek, đặc biệt đối với những cá nhân nắm giữ các vị trí nhạy cảm về chính trị, công chúng hoặc các nhóm nghiên cứu chiến lược.
Một số nguồn tin từ các cơ quan an ninh cũng nêu bật các quốc gia châu Âu cho rằng, các hạn chế cứng rắn được áp đặt đối với các sản phẩm DeepSeek vì những lo ngại về việc sử dụng dữ liệu cá nhân, thiếu minh bạch trong hoạt động thu thập và lưu trữ dữ liệu của DeepSeek đã gây ra nhiều báo động. Các nhà chức trách lo ngại những rủi ro an ninh quốc gia về khả năng bị giám sát từ nước ngoài và truy cập trái phép vào dữ liệu nhạy cảm.
Bên cạnh đó, cơ quan an ninh cũng cảnh báo các hoạt động của DeepSeek có thể không tuân thủ các quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) hoặc các khuôn khổ tương tự ở các quốc gia khác. Cuối cùng, một trong những vấn đề then chốt được đặt ra là các quan chức lo ngại công cụ AI này có thể bị khai thác cho mục đích do thám mạng hoặc trích xuất dữ liệu trái phép.
Các sản phẩm AI của DeepSeek đang bị giám sát toàn cầu
DeepSeek, một công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc đã tạo nên tiếng vang vào đầu năm 2025 khi đánh bại ChatGPT để giành vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất của Apple. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng trên toàn cầu của công ty này đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng từ các chính phủ phương Tây. Các chuyên gia bảo mật đã cảnh báo về mối liên hệ của ứng dụng này với những tác động đến dữ liệu cá nhân.
Trước đó, Australia đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng các ứng dụng DeepSeek trên các hệ thống chính phủ. Italia trở thành quốc gia đầu tiên chặn hoàn toàn việc tải xuống phần mềm DeepSeek. Một số các quốc gia Phương tây khác như Đức và Hà Lan cũng đã áp đặt các hạn chế khác nhau đối với sản phẩm của DeepSeek, xuất phát từ lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Chính phủ Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo về an ninh vào tháng 6. Một quan chức Bộ Ngoại giao cho rằng, DeepSeek có liên quan đến các hoạt động quân sự và tình báo của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ chưa có lệnh cấm toàn quốc, nhưng nhiều cơ quan liên bang và một số bang đã cấm hoặc hạn chế sử dụng DeepSeek trên các thiết bị và mạng lưới của mình.
Ngay cả Hàn Quốc cũng đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với DeepSeek. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng nước này đã ra thông báo lệnh cấm tạm thời các sản phẩm này đối với nhân viên chính phủ vì lo ngại về an ninh.
Thủ tướng Séc Fiala đã nhắc lại những lo ngại này trong thông báo của nội các, nhấn mạnh rằng, dữ liệu của DeepSeek được lưu trữ trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc và Nga, nơi dữ liệu này không được bảo vệ đầy đủ, đồng thời cảnh báo những mối liên hệ giữa công ty này với các cơ quan nhà nước Trung Quốc.
Lệnh cấm của Séc là dấu hiệu mới nhất cho thấy, các hạn chế ngày càng nghiêm ngặt đối với các nhà cung cấp công nghệ nước ngoài bị coi là mối đe dọa an ninh của các quốc gia. Trước đó, năm 2018, cơ quan an ninh mạng của Séc cũng đưa ra khuyến cáo rủi ro an ninh về việc không sử dụng phần cứng và phần mềm của hai gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE.

NỔI BẬT TRANG CHỦ
Từng tuyên bố AI không cần phần cứng mới, tại sao giờ đây CEO Sam Altman lại nói, máy tính hiện nay không dành cho thế giới có AI?
Có lẽ đã đến lúc thế giới nên chuẩn bị đón chờ một thế hệ máy tính mới, tiến bộ vượt xa so với những gì chúng ta đang có ngày nay.
Hàng loạt trình duyệt AI ra mắt: Thế giới internet mà chúng ta từng biết có phải sắp kết thúc?