Trình duyệt của Google âm thầm và lặng lẽ thay đổi cách chúng ta lướt web, khiến chúng ta bị nghiện và tôn sùng nó.
Chrome không chỉ là một trình duyệt web, Chrome còn là lẽ sống, là “người tình”, là văn hóa, là một thứ không thể thiếu đối với nhiều người. Việc đầu tiên bạn làm sau khi cài Win là gì? Việc đầu tiên khi bạn mở máy tính là gì? Việc đầu tiên khi bạn muốn tìm kiếm một thứ gì đó là gì?
Câu trả lời đều là Chrome. Nếu như Facebook rõ ràng có một ảnh hưởng rất lớn đối với thói quen sử dụng internet của chúng ta, thì trình duyệt Chrome cũng tương tự chỉ có điều là chúng ta không nhận ra mà thôi.
Trình duyệt của Google âm thầm và lặng lẽ thay đổi cách chúng ta lướt web, khiến chúng ta bị nghiện và tôn sùng nó. Tất nhiên là có những lý do để chúng ta nghiện sử dụng Chrome, bất chấp việc trình duyệt này ngốn bộ nhớ RAM như đám zombie thèm não.
Thanh Omnibox thần thánh
Omnibox không chỉ đơn thuần là một thanh địa chỉ của trình duyệt Chrome, mà nó còn có rất nhiều tính năng khác. Cách đây 10 năm, các trình duyệt có một thanh địa chỉ và một thanh tìm kiếm riêng. Khi bạn muốn tìm kiếm thứ gì đó thì sẽ phải điền từ khóa vào thanh tìm kiếm. Bạn có tin được điều đó không?
Khi Chrome ra mắt vào năm 2008, Google đã nhấn mạnh vào một “giao diện người dùng đơn giản, sạch sẽ và hiệu quả”. Và ý tưởng kết hợp thanh địa chỉ và thanh tìm kiếm thành một trên Omnibox thực sự tuyệt vời.
Omnibox của Chrome cũng đề xuất các trang web mà bạn đã từng truy cập, ví dụ như bạn chỉ cần gõ F Enter để vào Facebook hay Y Enter để vào YouTube, thay vì phải gõ đầy đủ tên trang web cùng với .com.
Tôi là một gã lười, và tôi yêu Chrome vì tất cả những điều đó. Cho đến tận bây giờ, tôi cũng không thể tưởng tượng được việc sẽ phải gõ đầy đủ địa chỉ Facebook.com để truy cập vào trang mạng xã hội này. Ngay cả trên một chiếc máy tính mới, bạn cũng chỉ cần gõ FB vào thanh Omnibox của Chrome để tìm đến địa chỉ của trang Facebook.
Chế độ ẩn danh Incognito
Và đây là lý do tôi gọi Chrome là người tình, còn vì sao thì có lẽ các bạn đều biết. Trên thực tế thì Safari của Apple mới là trình duyệt đầu tiên có chế độ riêng tư (Privacy Mode), nhưng Chrome đã khiến cho chế độ ẩn danh (Incognito Mode) này trở nên thực sự hữu ích.
Hữu ích ở đây không chỉ là để tránh việc lưu lại các địa chỉ web mà bạn đã truy cập, mà Incognito Mode còn được sử dụng trong nhiều mục đích hơn. Ví dụ như bạn có thể sử dụng Incognito Mode để truy cập vào một số trang web với tư cách là một kẻ thứ 3 vô danh, hay thậm chí vượt qua paywall (thông báo yêu cầu trả phí) của một vài trang web tin tức.
Tốc độ duyệt web siêu nhanh
Không thể bàn cãi khi lý do đầu tiên khiến nhiều người lựa chọn Chrome chính là tốc độ duyệt web. Nhờ có những bộ mã hóa thông minh, Google đã khiến “động cơ V8” của Chrome có thể xử lý JavaScript nhanh hơn 10 lần so với Safari và Firefox, nhanh hơn 56 lần so với IE7.
Chrome khiến chúng ta quen với việc duyệt web, sử dụng email hay bảng tính với tốc độ cao, chạy các ứng dụng web không bị treo. Chính vì vậy mà ngay cả khi Chrome ngốn hàng tá GB RAM, chúng ta vẫn mỉm cười chấp nhận và cố gắng mua thêm một thanh RAM để phục vụ nó thay vì chuyển qua sử dụng một trình duyệt khác.
Mỗi tab trong Chrome được xử lý riêng
Nhiều năm trước, có lần tôi đã bật Task Manager khi đang mở Chrome và tá hóa khi nhìn thấy hàng chục trình duyệt Chrome đang chạy cùng lúc. Tôi còn tưởng máy tính bị nhiễm virus, nhưng sau này mới biết đó là một cơ chế xử lý cực kỳ thông minh của Chrome.
Mỗi một tab được mở ra trong Chrome là một quá trình xử lý hoàn toàn riêng biệt. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu một trang web bị lỗi, chỉ có duy nhất một tab đó bị treo và hàng chục tab còn lại vẫn sẽ hoạt động bình thường.
Đó cũng là lý do khiến cho Chrome ngốn rất nhiều tài nguyên bộ nhớ. Nhưng bù lại, các tab khi có đủ bộ nhớ RAM sẽ hoạt động rất mượt và không bị ảnh hưởng đến nhau. Sẽ rất phiền phức nếu như chỉ vì một tab không hoạt động và bạn phải tắt toàn bộ các tab trình duyệt quan trọng khác.
Tiện ích mở rộng Extension giống như gia vị không thể thiếu
Trình duyệt Internet Explorer lần đầu tiên giới thiệu khái niệm Extension trong phiên bản IE 5 vào năm 1999. Google Chrome phải đến năm 2010 mới hỗ trợ các tiện ích mở rộng trong phiên bản thứ 4 của mình. Tuy nhiên chính Chrome mới là trình duyệt khiến cho các Extension này trở thành những gia vị không thể thiếu khi duyệt web.
Các Extension trên Chrome thực sự tỏ ra hữu ích, khi chúng có thể giúp chặn quảng cáo, thay đổi giao diện, tải video, tích hợp khóa bảo mật hai lớp và rất rất nhiều tính năng khác nữa. Nếu sử dụng Chrome mà không có một vài Extension thì cũng giống như một món ăn mà đầu bếp 5 sao quên cho gia vị.
Chrome là trình duyệt đầu tiên trở thành một hệ điều hành
Firefox, IE, Safari hay Opera, không một trình duyệt nào có thể trở thành hệ điều hành hoạt động độc lập như Chrome. Mặc dù các ứng dụng vẫn còn hạn chế, nhưng nó cho thấy chúng ta có thể làm rất nhiều thứ trên trình duyệt này.
Hầu hết tất cả các tác vụ và công việc cơ bản đều có thể thực hiện trên Chrome, nhờ có bộ công cụ của Google. Cũng nhờ đó mà những chiếc Chromebook giá rẻ phục vụ học sinh sinh viên ra đời, và ngày càng phổ biến hơn.
Đó chỉ là một vài yếu tố nổi bật mà trình duyệt Chrome đã làm thay đổi cách chúng ta lướt web và sử dụng internet, cũng như khiến chúng ta bị nghiện sử dụng Chrome hơn so với các trình duyệt khác. Còn bạn, lý do nào khiến bạn thích sử dụng Chrome?
Tham khảo: Gizmodo
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín