Vì sao Uber và Google từng là bạn thân lại bắt buộc phải có ngày trở thành tử thù như bây giờ

    Lê Hoàng,  

    Đừng quá chú ý vào cuộc chiến gay gắt trên tòa án Mỹ liên quan đến việc trộm cắp công nghệ. Mâu thuẫn nằm ở tham vọng của Google và cách sống sót duy nhất của Uber.

    Ít ai nhớ được rằng Uber và Google đã từng là "bạn thân". Google đã từng rót tới 200 triệu USD tiền vốn vào Uber. Bên cạnh các phương tiện giao thông thông thường, Uber là dịch vụ gọi xe duy nhất được tích hợp trong Google Maps. Và ban đầu, ứng dụng Uber cũng sử dụng nền tảng Google Maps cho bản đồ và định tuyến.

    Thế rồi, mối quan hệ giữa 2 bên xấu dần. Uber bị loại khỏi Google Maps và cũng tự đi tìm các đối tác công nghệ khác. Căng thẳng nhất, từ đầu năm tới nay, Google lôi Uber ra tòa với cáo buộc rằng trưởng bộ phận xe tự lái của Uber, Anthony Levandowsky, đã đánh cắp gần 10GB dữ liệu tuyệt mật khi còn làm việc Google. Khi vụ việc chưa có hồi kết, Uber mới đây đã sa thải Levandowsky.

    Vậy, tại sao Google và Uber từ chỗ hai người bạn lại trở nên bất hòa? Rõ ràng là các dịch vụ của Google và Uber không trực tiếp cạnh tranh với nhau. Dù có chung tham vọng xe tự lái nhưng về bản chất, Google vẫn là tìm kiếm, bản đồ, Uber vẫn là chia sẻ hành trình - lý do gì khiến họ quay ra đối chọi nhau một cách gay gắt như vậy?

    Câu trả lời nằm ở các tham vọng của tương lai.

    Đầu tiên, hãy nhìn lại tình cảnh của Uber: dù liên tiếp gây bão nhưng Uber đến nay vẫn là một cỗ máy đốt tiền kinh hoàng. Chỉ trong năm ngoái, Uber đã "đốt" tới 2,8 tỷ USD, tương đương với một nửa doanh thu của NVIDIA trong cùng một năm. Từ tháng này qua tháng khác, công ty của Travis Kalanick liên tiếp gặp phải các rắc rối pháp lý liên quan đến quyền lợi của người lái xe, quy định của chính quyền sở tại, các vụ biểu tình của giới lái xe taxi v...v... Các chương trình marketing, khuyến mại giá cũng như hạ tầng IT cũng khiến Uber phải gánh chịu những khoản chi phí khổng lồ.

    Uber có thể đã cách mạng hóa giao thông, nhưng không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại bằng các khoản lỗ. Sớm hay muộn, Travis Kalanick cũng phải tìm thấy lối ra.

    Và lối ra của Uber nằm ở lĩnh vực xe tự lái: khi AI đủ hoàn thiện, đủ "hiểu" các con đường, Uber sẽ không còn vướng phải các rắc rối liên quan đến con người. Chuyện lái xe đòi quyền lợi nhân viên sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Thay vì phải "nuôI" nhân sự như hiện nay, Uber chỉ cần đầu tư kinh phí vào quản lý, bảo trì hạ tầng IT của mình. Như lịch sử từ trước đến giờ vẫn chứng minh, máy móc bao giờ cũng "đốt" ít tiền, gây ra ít rắc rối hơn con người.

    Google, hay nói chính xác hơn là công ty mẹ Alphabet, cũng có tham vọng xe tự lái. Song, về bản chất Google chỉ đầu tư nghiên cứu dữ liệu, công nghệ để các hãng xe có thể sử dụng trên sản phẩm của chính họ. Khách hàng trực tiếp của Google/Waymo là các hãng xe. Các đối tác của Google càng bán được nhiều xe thì công nghệ của Google càng phổ biến, Google càng thu được nhiều tiền.

    Nhưng nếu Uber phát triển thì người tiêu dùng sẽ không cần phải mua xe riêng nữa. "Chia sẻ hành trình" sẽ thay đổi ý nghĩa từ "người lái Uber" và "khách đi Uber" trở thành "Uber" và "người dùng Uber". Công ty của Travis Kalanick sẽ sở hữu (và lái) hàng nghìn chiếc xe trong mỗi đô thị, và hàng triệu khách hàng sẽ lần lượt "chia sẻ" dịch vụ do những chiếc xe ấy mang lại. Lúc ấy, Uber sẽ nắm quyền uy hiếp các hãng sản xuất xe hơi - cũng chính là đối tượng khách hàng hiện tại của Google/Waymo.

    Tóm lại, mâu thuẫn chủ chốt của Uber và Google nằm ở chỗ đường sống duy nhất của Uber lại xâm phạm trực tiếp tới doanh thu tương lai của Google. Muốn Waymo phát triển tốt thì xe tự lái của Uber phải thất bại. Còn nếu Uber đã thành công, không mấy ai sẽ cần xe tự lái của Google nữa.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày