Nếu bạn không phải một người trẻ thì có lẽ bạn sẽ chưa từng nghe đến Musical.ly. Thế nhưng nếu đã nghe đến ứng dụng này thì rất có thể bạn sẽ muốn thử xài nó ngay lập tức. Vậy Musical.ly là cái gì vậy?
Ứng dụng tự làm video hát nhép này ra đời từ năm 2014 nhưng phải đến hè 2015 mới bắt đầu bùng nổ trên bảng xếp hạng của App Store, và kể từ đó Musical.ly không những chưa khi nào rời khỏi top 40 ứng dụng phổ biến nhất mà thậm chí còn cạnh tranh ngôi đầu bảng với những app đã khủng sẵn như Snapchat hay Instagram.
Những đoạn video dài 15 giây này thường là cảnh người dùng hát nhép hoặc nhảy theo các bài hit đang gây sốt. Gần đây, nhiều người dùng của Musical.ly cũng bỗng chốc vụt sáng thành ‘sao’ với sự nghiệp riêng không thua gì trên Youtube. Những ngôi sao âm nhạc như Jason DeRulo cũng đã cam kết sẽ tung bản các video nhạc mới nhất của họ lên Musical.ly đầu tiên chứ không phải lên Youtube.
Đội ngũ Musical.ly ở hai chi nhánh Thượng Hải và San Francisco
Hiện nay Musical.ly đã có hơn 10 triệu người dùng hàng ngày và cho ra lò một lượng video tương đương con số này mỗi ngày. Tính tổng số người đã đăng ký tài khoản trên Musical.ly, con số đã lên tới 70 triệu.
Mặc dù người dùng đến với ứng dụng vì những video ca nhạc thú vị tự tạo trên Musical.ly nhưng CEO Alex Zhu lại biết chính xác lý do vì sao họ liên tục sử dụng app. Anh đã xây dựng Musical.ly với tham vọng trở thành một mạng xã hội video giải trí mới cho tất cả mọi người.
Anh cho biết: “Hiện giờ, mục tiêu chính của Musical.ly không phải chỉ là tạo ra những video ‘hát nhép’ mà là trở thành một mạng xã hội, một cộng đồng. Mọi người sẽ quay lại dùng bởi trên đó có rất nhiều người khác.”
Từng được coi là thất bại
Ý tưởng tạo ra ứng dụng video nhạc này thực chất là chuyển dịch từ một ý tưởng ứng dụng giáo dục từ xa.
Từ lâu Zhu đã rất hứng thú với giáo dục, đặc biệt sau thời gian làm quản lý dự án tại công ty phần mềm khổng lồ SAP. Anh thậm chí còn được gọi là “nhà cải cách giáo dục tương lai.” Zhu cho rằng các khóa học trực tuyến mở cho tất cả mọi người (hay còn gọi là MOOCs - Massive Open Online Courses) rất tuyệt vời nhưng vấn đề là chẳng mấy ai đủ kiên nhẫn để hoàn thành hết một khóa học online dài dằng dặc.
Chính vì vậy mà năm 2014, anh nghĩ đến ý tưởng làm một nền tảng chia sẻ các video giáo dục dạng ngắn chỉ vài ba phút.
Zhu và người đồng sáng lập Louis Yang đã huy động được 250.000 USD từ các nhà đầu tư và dành 6 tháng xây dựng một ứng dụng tên Cicada. Ý tưởng đơn giản là các chuyên gia về các mọi lĩnh vực, từ kế toán cho đến pha chế, có thể tạo ra những video ngắn tầm 3-5 phút để giải thích gì đó một cách dễ hiểu.
Thế nhưng vấn đề ở chỗ những video không hề dễ làm chút nào. Những người thiếu kinh nghiệm thường phải dành rất nhiều thời gian mới làm xong video và cũng phải khó khăn lắm mới cô đọng được mọi thứ trong chỉ vài ba phút. Quá trình tạo ra video phải được gói gọn trong một thời gian ngắn thì mới mong có người dùng. Chính vì vậy mà ngay khi bắt đầu tung Cicada ra thị thường, Zhu đã biết chắc nó không thể cất cánh.
Khi chỉ còn 8% số tiền đầu tư, anh quyết định thay vì từ bỏ, sẽ tiếp tục chuyển sang thiết kế một thứ khác.
Chúng tôi đã gặp may!
Ý tưởng về ứng dụng Musical.ly bắt đầu lóe lên khi Zhu quan sát thấy một nhóm thiếu niên trên một chuyến tàu ở Mountain View gần nơi anh sống. Khi đó, một nửa nhóm này đang nghe nhạc trong khi một nửa lại đang ngồi chụp ảnh tự sướng hoặc quay video rồi gắn sticker share lên mạng xã hội.
Đây chính là lúc Zhu nhận ra mình cần làm gì đó kết hợp cả âm nhạc, video và mạng xã hội để lôi kéo được nhóm đối tượng trẻ này.
Nhóm của anh tiến hành thiết kế ứng dụng chỉ trong 30 ngày và tung ra vào tháng 7/2014. Ngay lập tức, con số người dùng ban đầu đã khá tuyệt vời. Ngày nào cũng có khoảng 500 người download và tuyệt hơn nữa là họ quay lại sử dụng liên tục. Zhu chia sẻ: “Bạn có thể mua người dùng chứ không thể mua được sự yêu thích của họ.”
Musical.ly hiện đứng thứ 24 trên bảng xếp hạng App Store của Mỹ, chỉ sau các ứng dụng bom tấn như WhatsApp, Spotify hay Pinterest
10 tháng tiếp theo, ứng dụng tiếp tục tăng trưởng nhưng lại quá chậm để công ty có thể hoạt động ổn định.
Nhóm của Zhu bắt đầu lo lắng. Anh chia sẻ: “Khi đó chúng tôi luôn tự hỏi mình nên làm gì, chẳng còn mấy đồng nữa. Đôi khi, thất bại nhanh còn tốt hơn vì ít nhất nó còn cho bạn biết phải chuyển ý tưởng ngay. Còn tăng trưởng chậm chạp kiểu này sẽ khiến bạn phân vân không biết có nên theo tiếp hay không.”
Tháng 4/2015, công ty chợt phát hiện ra một số lỗi thiết kế nhỏ trên ứng dụng và quyết định sửa lại. Kết quả thật bất ngờ là lượng người đã tăng đột biến sau đó.
Hiển thị logo và tên người dùng trên video sau khi sửa lại
Vấn đề của các video làm bằng Musical.ly là khi mọi người chia sẻ nó lên các mạng xã hội như Instagram, Facebook hay Twitter, phần logo của Musical.ly đã bị cắt mất và không ai biết đó là một video được làm bằng Musical.ly. Công ty sau đó đã chuyển vị trí logo thành dạng watermark kèm theo tên người dùng trên ứng dụng đó ở góc phải dưới của các video. Từ đây, những người khác khi nhìn thấy video có thể biết nó được làm từ công cụ gì và bắt đầu download sử dụng theo.
Tăng trưởng của Musical.ly tăng vọt sau khi sửa thiết kế
2 tháng sau khi sửa lỗi thiết kế nhỏ này, lượng người dùng tăng vọt, đưa Musical.ly lên top các ứng dụng hàng đầu trên App Store.
Nhìn lại, Zhu vẫn cảm thấy công ty anh đã khá may mắn khi có thời gian để suy nghĩ và sửa đổi ứng dụng một cách từ từ. Nếu thành công đến quá sớm, Musical.ly rất có thể chỉ là một ứng dụng phù phiếm sởm nở tối tàn.
MTV phiên bản mới?
Top các video nhạc hot tháng 6/2016 trên Musical.ly
Theo Zhe, Musical.ly không phải chỉ là một ứng dụng hát nhép thông thường sẽ đi theo hướng của Vine hay Dubmash. Công ty tin rằng mình đang xây dựng một mạng xã hội thực thụ về video.
Trên Musical.ly, thay vì có follower, bạn sẽ có BFF (Best Fans Forever). Chỉ các BFF của bạn mới có thể kết hợp thành các ‘cặp bài trùng’ cùng thể hiện ca khúc nào đó. Ứng dụng này cũng tự động ghép video nếu 2 người cùng thể hiện một ca khúc nào đó.
Thậm chí Musical.ly còn cho phép bạn hỏi về một video nhạc nào đó và ai đó sẽ trả lời lại bằng một video nhạc của họ. Đặc biệt là trong một mạng xã hội bạn buộc phải khác biệt nếu không muốn chìm nghỉm giữa một tá những người dùng tương tự. Càng nhiều video ‘độc’ bạn càng dễ nổi lên.
Nhiều ý tưởng thú vị trong số này không hẳn là ý tưởng của Zhu nhưng dần được phát triển qua việc thăm dò sở thích của người dùng tuổi teen trên các group chat khổng lồ trên ứng dụng.
Musical.ly cũng là ứng dụng đầu tiên được xây dựng và thiết kế hoàn toàn ở Trung Quốc nhưng lại trở nên phổ biến ở Mỹ. Phần lớn kỹ sư của Musical.ly đều ở Thượng Hải và chỉ một nhóm nhỏ nhân viên kinh doanh hoạt động ở San Francisco.
Musical.ly không chỉ là nơi giới trẻ quay và chia sẻ clip hát nhép mà còn là nơi họ thể hiện sự sáng tạo với những video nhạc chế đủ thể loại
Tính đến nay, Musical.ly đã huy động được hơn 16 triệu USD vốn mạo hiểm từ các nhà đầu tư như Greylock và GGV và đang được đồn thổi là sẽ được rót tiếp 100 triệu USD, tuy vẫn chưa có doanh thu. Thế nhưng Musical.ly vẫn được các nhà đầu tư kỳ vọng là có thể trở thành MTV phiên bản mới nơi giới trẻ tìm về để giải trí.
Musical.ly cũng là nơi ươm mầm cho khác nhiều tài năng âm nhạc và vũ đạo. Chẳng hạn như song sinh Lisa và Lena người Đức, dù chỉ mới 13 tuổi nhưng đã có 2,8 triệu fan trên Musical.ly. Gần đây, 2 cô bé đã tung ra dòng thời trang riêng và sở hữu một trong những tài khoản Instagram tăng trưởng nhanh nhất tại Châu Âu.
Video hát nhép của cặp song sinh Lisa và Lena
Hay như Baby Ariel, một cô bé 13 tuổi thậm chí còn chưa từng sử dụng mạng xã hội trước đây nay cũng đã là một cái tên phổ biến trên Musical.ly. Ngay cả những ca sỹ nổi tiếng như Selena Gomez cũng đã và đang chạy các chiến dịch quảng bá ca khúc mới trên nền tảng này.
Ứng dụng cũng rất dễ sử dụng với giao diện đơn giản và tinh tế, cho phép bạn lựa chọn nhiều loại nhạc khác nhau để hát nhép.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập
Meta đang gặp sự cố ngừng hoạt động lớn trên tất cả các nền tảng của mình, bao gồm Facebook, Instagram, Threads, Messenger và WhatsApp.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời