Video ghi lại cảnh thỏ ăn thịt đồng loại làm bất ngờ giới khoa học

    Dink,  

    Đừng vội sợ hại chú thỏ cưng sống trong lồng: thỏ ăn thịt chỉ khi vào đường cùng, thức ăn cạn kiệt, chúng mới tìm tới xác thối để kiếm bữa.

    Video ghi lại cảnh thỏ ăn thịt đồng loại làm bất ngờ giới khoa học - Ảnh 1.

    Đằng xa, có một chú thỏ nhỏ nhắn đáng yêu, trắng màu bông và xù lông chống rét trên nền tuyết lạnh. Chú ta đang gặm dở một cái gì đó màu đỏ. Trời lạnh như vậy thì lấy đâu ra cà rốt? Mà thứ đỏ đỏ kia lại trông quá mềm để là một củ cả rốt giòn tan. Giới khoa học ngã ngửa khi biết rằng đó là hình ảnh đầu tiên của thỏ ăn thịt. Hóa ra thỏ là loài ăn thịt.

    Loài thỏ chân tuyết – snowshoe hare tại vùng Yukon, Canada ăn thịt để sống qua mùa đông giá rét, tại một trong những vùng có mùa tuyết rơi khắc nghiệt nhất Trái Đất. Suốt những tháng hè dài, con thú có vú này ăn rau củ nhưng khi trời trở lạnh, chúng phải tìm tới nguồn năng lượng khác. Thỏ tìm tới xác những con thỏ xấu số khác, và đôi khi ăn một số loài chim nhất định.

    Và dường như tự nhiên chưa đủ trớ trêu: đôi khi thỏ còn ăn thịt cả mèo rừng Canada – thiên địch của chúng tại khu vực địa phương. Đó là khẳng định của Michael Peers, ứng cử viên thạc sĩ ngành sinh thái học tại Đại học Aberta, người dẫn dắt nghiên cứu hành vi ăn thịt của thỏ.

    "Tôi thực sự sốc khi lần đầu tiên chứng kiến hành vi kỳ lạ này của thỏ", anh Peers nói. "Tôi chưa bao giờ nghĩ thỏ là loài ăn xác thối".

    Video ghi lại cảnh thỏ ăn thịt đồng loại làm bất ngờ giới khoa học - Ảnh 2.

    Việc anh Peers phát hiện ra hành vi ăn thịt của thỏ là hoàn toàn ngẫu nhiên. Anh đặt camera ngoài tự nhiên, gần xác một con thỏ trên núi Thánh Elias, gần Alaska để quan sát hành vi xung quanh cái xác. Anh đã mong một loài ăn xác thối nào khác, bất kì một loài nào khác ngoài thỏ. Vậy mà trước ánh mắt ngạc nhiên của anh, đoạn phim thu được trong suốt 2 năm rưỡi cho thấy thỏ cũng ăn thịt.

    Những chứng cứ mới cho thấy ta không thể đơn giản phân loại một loài là ăn thịt hay ăn cỏ dựa trên những hành vi thường thấy được. Thỏ chân tuyết ăn thịt rất thường xuyên, và khi hoàn cảnh ép buộc, nhiều loài thú khác cũng phải tự tìm cách sinh tồn bằng cách tìm tới những nguồn thức ăn mới, những thứ mà bình thường chúng không bao giờ động tới.

    Từ hồi 1921, đã có những báo cáo, đúng hơn là các giai thoại khi đi thực tế, về việc thỏ ăn thịt. Nhưng đoạn video ngắn mới là bằng chứng xác đáng về chuyện đã xảy ra. Có những nhà khoa học khác tiến tới rất gần khẳng định khoa học gây sốc – thỏ ăn thịt, nhưng mới chỉ rất gần thôi: năm 2010, khi nhà sinh vật học Kevan Cowcill đặt một hộp cá sardine ngoài tự nhiên, camera đã không bắt được hình ảnh loài nào khác, mà chính là thỏ.

    Video ghi lại cảnh thỏ ăn thịt đồng loại làm bất ngờ giới khoa học - Ảnh 3.

    "Chúng đứng bằng hai chân sau, với lên hộp cá được đính lên thân cây", nhà khoa học Cowcill nhớ lại, nói thêm rằng ông đã không đăng tải nghiên cứu của mình lên tạp chí khoa học nào. "Tôi đã từng thấy một con thỏ lởn vởn quanh xác thú, nhưng đã cho rằng nó chị gặm xương thôi, tôi nhìn thấy rất nhiều dấu răng thỏ và răng loài gặm nhấm trên xương xác thú. Nhưng liệu rằng chúng có ăn cả thịt".

    Nghiên cứu mới từ anh Peers cho thấy hóa ra thỏ ăn thịt thật. Nếu như nhà sinh vật học Kevan Cowcill đào sâu nghiên cứu sự lạ, ta có thể biết được mẩu tin gây sốc này sớm hơn.

    Một trong những khám phá mới, không kém phần kỳ lạ từ anh Peers là thỏ ăn cả lông vũ từ xác chim. Chưa rõ dạ dày thỏ xử lý lông ra sao, nhiều khả năng đó là nguồn chất xơ của thỏ trong hoàn cảnh thiếu thốn thực phẩm. "Việc nhiều loài động vật trở thành loài ăn thịt tạm thời rất phổ biến. Nhưng chính việc ăn cả lông chim mới khiến nghiên cứu của tôi có giá trị mới mẻ. Rất nhiều nhà sinh vật học ngỡ ngàng trước sự thật đó", anh Peers nói với National Geographic.

    Việc ăn lông chim, thứ thực phẩm chứa chủ yếu keratin và chẳng mấy protein trong đó, cực kỳ hiếm gặp trong nhóm động vật có vú.

    Video ghi lại cảnh thỏ ăn thịt đồng loại làm bất ngờ giới khoa học - Ảnh 4.

    Còn một chi tiết thú vị nữa: con thỏ ra sức bảo vệ bữa ăn của mình trước những con thỏ khác. Anh Peers giải thích rằng thỏ không lại gần những cái xác lớn hơn (như xác hươu chẳng hạn), đơn giản là vì kích cỡ thỏ quá bé, không thể lại gần tranh giành bữa ăn với những con thú lớn: có khi thỏ lại biến thành bữa tươi cho những con vật to lớn khác không chừng! Với một con gấu hay một con cáo, có gì tuyệt vời hơn một miếng thịt thỏ mềm mại, ấm mùi máu trong ngày đông rét buốt.

    Nhưng một cái xác thỏ sẽ là miếng mồi có kích cỡ hoàn hảo cho một con thỏ cũng nhỏ bé.

    Không cần tới sự can thiệp của anh Peers, nhiều nghiên cứu khác cũng đã và đang làm mờ ranh giới giữa loài ăn thịt và loài ăn cỏ. Các báo cáo ghi lại gồm có: thỏ đuôi bông – cottontail rabbit đã từng xuất hiện bên cạnh xác gà gô tại vùng núi Appalachia tại Mỹ, bò ăn trứng chim và gà nhỏ tại Wisconsin, rái cá ăn cá hồi chết tại Alaska, hươu đuôi trắng tại Dakotas tìm tới tổ chim để kiếm thực phẩm.

    Một số loài ăn cỏ sống tại vùng lạnh cũng thường xuyên đổi khẩu phần ăn từ thực vật sang thịt. "Rất đáng chú ý", anh Rudy Boonstra, đồng tác giả nghiên cứu về loài sóc đất Bắc Cực săn cả lemmut để ăn thịt, nói. "Những loài vật này không phải loài ăn cỏ thuần túy".

    Video ghi lại cảnh thỏ ăn thịt đồng loại làm bất ngờ giới khoa học - Ảnh 5.

    Sóc đất Bắc Cực.

    Những con sóc đất vừa nêu ĐI SĂN chứ không chỉ ăn xác thối. Và hành vi đó khiến anh Boonstra thắc mắc liệu thỏ chân tuyết cũng vậy? Chúng cũng sẵn sàng đi săn sinh vật nhỏ khi khẩu phần ăn mùa lạnh thiếu thốn protein trầm trọng?

    Chưa có bằng chứng cho thấy thỏ đi săn, nhưng đã có bằng chứng như đinh đóng cột cho thấy thỏ ăn thịt. Anh Peers sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, sẽ tiếp tục chứng minh con thỏ chân tuyết không đơn giản (và đáng yêu) như vẻ ngoài của nó.

    Điều này không có nghĩa là thỏ cưng nhà bạn có thể và sẵn sàng ăn thịt đâu nhé! Trường hợp thỏ, hay bất kì động vật ăn cỏ nào khác, đổi khẩu phần ăn khi và chỉ khi điều kiện môi trường khắc nghiệt ép chúng phải làm vậy. Hãy cứ cho thỏ cưng nuôi tại nhà ăn thực vật, như cách các loài gặm nhấm khác vẫn sinh tồn hàng triệu năm nay.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ