1,5 năm trước, trước khi TS. Bùi Hải Hưng rời bỏ Google DeepMind về Việt Nam theo lời mời của ông Phạm Nhật Vượng để lập ra VinAI Research, Việt Nam vẫn là số 0 trên bản đồ AI thế giới...
Chia sẻ tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020 sáng 29/9, TS. Bùi Hải Hưng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo ( VinAI Research ) -cho biết một trong những sứ mệnh của viện này là đưa Việt Nam lên bản đồ AI (trí tuệ nhân tạo) toàn cầu.
1,5 năm trước, trước khi TS. Hưng rời bỏ Google DeepMind về Việt Nam theo lời mời của ông Phạm Nhật Vượng để lập ra VinAI Research, Việt Nam vẫn là số 0 trên bản đồ AI thế giới. Ông Hưng kể lại: "Trong cuộc gặp với ông Vượng, tôi nói: ‘Nếu anh muốn làm cái gì đó ở mức độ Việt Nam thì em sẽ không về, nếu anh muốn làm tương đương mức độ thế giới thì em sẽ về’".
Vị thế về AI của Việt Nam nay đã khác.
Ông Hưng cho biết, tại Hội nghị Quốc tế về Máy học (ICML) 2020 - sự kiện mà Viện trưởng VinAI Research ví như "sân chơi World Cup" của giới AI, thông qua VinAI Research, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 21 trên bản đồ AI thế giới, sánh ngang với các nền kinh tế tương đối phát triển như Hongkong, Brasil, Phần Lan...
VinAI Research cũng lọt vào top 30 doanh nghiệp có các nghiên cứu AI.
"Tất nhiên Top 4 vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Canada, Anh. Nhưng việc chúng ta bắt đầu công cuộc nghiên cứu mang tính chất chuyên sâu và bài bản là việc quan trọng để khẳng định năng lực về AI của chúng ta trên trường quốc tế", TS. Hưng chia sẻ.
VinAI Research đã hình thành được 1,5 năm và phát triển với tốc độ rất nhanh - tốc độ thường thấy ở Vingroup. Hiện đơn vị nghiên cứu này có hơn 100 nhân sự, trong đó gần 20 tiến sỹ đã có kinh nghiệm làm việc ở các nước Mỹ, Châu Âu, Úc...
"Hiện chúng tôi có văn phòng ở cả Hà Nội và TPHCM, có tham vọng trở thành viện nghiên cứu với năng lực nghiên cứu AI ở mức độ hàng đầu thế giới", TS. Hưng bày tỏ.
Về tầm quan trọng của AI, TS. Hưng cho rằng công nghệ này có tiềm năng giải quyết các thách thức toàn cầu và mang đến sự phát triển bền vững cho Việt Nam.
Bên cạnh việc giải quyết các "bài toán" của Việt Nam như ứng dụng chữ viết và tiếng nói của Tiếng Việt, ứng dụng trong giao thông đô thị, y tế, giáo dục, sản xuất..., giải quyết các vấn đề về an ninh quốc gia như bảo mật thông tin, AI có thể tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trên trường quốc tế khi làm chủ công nghệ mới.
Nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam Vingroup, VinAI Research một mặt giúp tăng giá trị cho các sản phẩm của họ nhà Vin như Vinfast, Vsmart..., đồng thời đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trong và ngoài nước.
Một trong những sản phẩm tiêu biểu của VinAI Research là công nghệ VFace Pass, hiện ứng dụng vào tính năng mở khóa bằng nhận diện gương mặt (Face Unlock) cho hơn 1 triệu điện thoại Vsmart. Công nghệ này cũng có thể ứng dụng tại các tòa nhà, khu văn phòng hay doanh nghiệp để kiểm soát ra vào, nhận diện khách hàng. Ông Hưng cho biết công nghệ này là một trong những công nghệ đầu tiên trên thế giới nhận diện được mặt người đeo khẩu trang.
Một ứng dụng khác được ông Hưng đề cập là camera ẩn (Camera Under Display - CUD) tạo nên màn hình "vô khuyết" cho dòng điện thoại Aris của VinSmart, dự kiến ra mắt tháng 10 tới, hay công nghệ lọc tiếng ồn ứng dụng khi gọi/nghe điện tại nơi công cộng...
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập