Việt Nam cần tính đến việc kiểm soát thuế trong lĩnh vực blockchain
Theo các chuyên gia, ngoài cơ chế sandbox cho blockchain, Chính phủ cần sớm tính đến việc kiểm soát thuế trong lĩnh vực này khi các giao dịch trên môi trường số đang ngày càng lớn.
Việt Nam là thị trường blockchain hấp dẫn
Theo ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về blockchain. Công nghệ này giúp nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nổi lên mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. “Việt Nam đang ghi tên trên bản đồ blockchain toàn cầu”, ông Văn nói.
Thời gian qua, blockchain nổi lên do ứng dụng mạnh trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số cho rằng đây cũng chỉ là một trong các ứng dụng và blockchain đang được đưa vào nhiều lĩnh vực khác như sản xuất chế tạo công nghiệp, logistic, giải trí... Chính phủ Việt Nam đang có chính sách cho phát triển CNTT thông qua nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động. Và blockchain cũng được xác định sẽ là công nghệ trọng điểm trong CMCN 4.0.
Đánh giá về thị trường blockchain Việt Nam, ông Hadi Malaeb, đồng sáng lập kiêm CEO của Agora Group nhận định: “Việt Nam là thị trường tiềm năng, có sức hút đầu tư với nhiều dự án và các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng blockchain. Với Agora, Việt Nam là thị trường chiến lược để phát triển”. Hiện có khoảng 3.000 dự án khởi nghiệp và khoảng 200 quỹ đầu tư sẵn sàng hỗ trợ cho các dự án trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam.
CEO Agora cũng cho rằng với hệ sinh thái có chất lượng như hiện nay, Việt Nam có thể trở thành Hub (trung tâm) quy tụ thông tin về công nghệ nói chung và blockchain nói riêng của khu vực. Do đó, cần hỗ trợ về hành lang pháp lý cho những dự án đầu tư. Từ sức mạnh cộng đồng và các nhà đầu tư, Việt Nam có thể xây dựng được nền tảng pháp lý để giúp các dự án blockchain vươn ra thế giới.
Chính phủ cần tính đến chuyện kiểm soát thuế blockchain
Theo ông Vũ Kiêm Văn, muốn thu hút được nguồn vốn đầu tư cho blockchain, Chính phủ nên có chính sách để các startup đăng ký doanh nghiệp ở Việt Nam thay vì đăng ký ở những quốc gia có chính sách thông thoáng hơn. “Cởi mở trong lĩnh vực công nghệ phải đi từng bước. Do đó, trước mắt Chính phủ nên có chính sách sandbox cho thử nghiệm dịch vụ mới để các doanh nghiệp tự tin khi triển khai; loại bỏ các giấy phép hay vấn đề pháp lý đôi khi đang quá khó khăn để các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội”, ông Văn nói.
Ngoài ra, ông Văn đề xuất Việt Nam cần sớm xây dựng hành lang pháp lý về tài sản số bởi đây là vấn đề quan trọng để các giao dịch trên môi trường số có thể được thừa nhận.
Để chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai, cần có nhiều chính sách nâng cao hơn nữa về nguồn nhân lực dành cho blockchain cả về số lượng và chất lượng.
Về phía mình, ông Hadi khuyến nghị, nhằm tạo nên hành lang pháp lý và hỗ trợ cho các dự án blockchain thì điều đầu tiên là cần có các mục tiêu và thước đo để đánh giá: “Chính phủ cần có chiến lược rõ ràng, có cột mốc đánh giá đã đạt được tầm nhìn của mình hay chưa”.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, với một quốc gia cập nhật và nắm bắt nhanh nhạy các xu hướng công nghệ mới như Việt Nam, Chính phủ phải tập trung vào việc kiểm soát các loại thuế. “Blockchain sản sinh ra nhiều tài sản số chưa được công nhận là các tài sản hữu hình. Do đó, làm sao blockchain có thể đóng góp vào sự phát triển được khi nó chưa được công nhận. Đây là vấn đề rất nhức nhối trong thời gian qua”, ông Hadi nói thêm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming