Việt Nam có thể thành cường quốc dẫn đầu Đông Nam Á trong một lĩnh vực: Hãng chip tỷ USD của Mỹ nói gì?

    Minh Hằng,  

    Tác động của lĩnh vực này rất to lớn đối với nền kinh tế và Việt Nam đang có nhiều lợi thế để trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á.

    Việt Nam có thể thành cường quốc dẫn đầu Đông Nam Á trong một lĩnh vực: Hãng chip tỷ USD của Mỹ nói gì?- Ảnh 1.

    Bán dẫn là ngành có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới trong hơn 20 năm qua. Cụ thể, từ năm 2001 - 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn toàn cầu được kỳ vọng là sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

    Việt Nam hiện đang trở thành điểm nóng đầu tư đối với ngành công nghiệp bán dẫn, khi thu hút nguồn vốn và sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp quốc tế. Nước ta đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Theo Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) dự báo, thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 – 2028.

    Vậy, liệu Việt Nam có thể vươn lên trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới về lĩnh vực bán dẫn?

    Câu trả lời phần nào được giải đáp trong tọa đàm " Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu ", diễn ra thuộc khuôn khổ SEMIExpo Viet Nam 2024.

    Việt Nam có những lợi thế hàng đầu gì ở Đông Nam Á?

    Việt Nam có thể thành cường quốc dẫn đầu Đông Nam Á trong một lĩnh vực: Hãng chip tỷ USD của Mỹ nói gì?- Ảnh 2.

    Ông C.S Chua, Chủ tịch kiêm Giám đốc Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương (trái) và ông Chong Chan Pin, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, Phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc sản phẩm và giải pháp, Kulicke & Soffa, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: MH

    Tại tọa đàm này, ông Chong Chan Pin, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI, Phó Giám đốc điều hành kiêm Tổng Giám đốc sản phẩm và giải pháp, Kulicke & Soffa, nhận định: "Tôi nghĩ rằng khu vực Đông Nam Á có những cơ hội rất tốt, bởi vì tình hình địa chính trị như hiện nay.

    Bản thân tôi đến Hà Nội hàng năm, tôi thấy rằng cơ sở hạ tầng, giao thông và tăng trưởng phát triển được cải thiện rất tốt. Cơ sở hạ tầng là một yếu tố rất quan trọng để phát triển các hệ sinh thái bán dẫn. Tôi nghĩ rằng trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 cũng chính là động lực để thúc đẩy điện tử bán dẫn".

    Chính phủ Việt Nam cũng rất chú trọng thúc đẩy đầu tư cho bán dẫn. Ông Chong Chan Pin chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng nguồn lực con người là yếu tố vô cùng quan trọng. Những người trẻ hiện nay rất sẵn sàng học tập và phát triển. Đó sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng để thúc đẩy cho sự phát triển của ngành bán dẫn. Chính phủ cũng đang thúc đẩy và các trường đại học ở Việt Nam đang vào cuộc. Mọi người đều có tinh thần cầu tiến rất cao.

    Hơn nữa, Việt Nam còn có vị trí địa lý rất tốt ở Đông Nam Á, cùng với khả năng thay đổi rất nhanh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6% là khá cao, mang lại tiềm năng vô cùng lớn cho sự phát triển của ngành bán dẫn . Tôi chắc chắn rằng những sự thay đổi này của Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới, nhất là về nhân sự".

    Việt Nam có thể thành cường quốc dẫn đầu Đông Nam Á trong một lĩnh vực: Hãng chip tỷ USD của Mỹ nói gì?- Ảnh 3.

    Ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam (thứ 3 từ trái sang), chia sẻ về những lợi thế của Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn. Ảnh: MH

    Đồng quan điểm với ông Chong Chan Pin, ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, chia sẻ: "Tôi nghĩ ngành bán dẫn của Việt Nam đã phát triển trong nhiều năm. Đó thực sự là một câu chuyện kỳ thú. Tôi nghĩ là có 3 thứ mà chúng ta có thể nhìn nhận ở Việt Nam. Thứ nhất, Chính phủ có kế hoạch chiến lược rất rõ ràng để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam trong ngắn hạn, dài hạn và trung hạn. Thứ hai, trong ngành giáo dục, trong những năm vừa qua, chúng ta thấy rằng có rất nhiều các chương trình mới ở các trường đại học để hỗ trợ cho chúng ta đào tạo lực lượng lao động, bao gồm các kỹ sư. Chỉ trong 1 năm, Việt Nam đã tăng số lượng kỹ sư lên tới 50%. Thứ ba, nếu nhìn vào những con số startup và những công ty mới ở Việt Nam thì quả thực rất lớn".

    Theo ông Lê Quang Đạm, đây là 3 thành tựu rất lớn, góp phần thúc đẩy cho sự cam kết của Việt Nam trong sự phát triển của ngành bán dẫn. Điều đó giúp cho Việt Nam trở thành đối tác rất đổi mới sáng tạo và có tính cạnh tranh.

    Trí tuệ nhân tạo (AI) là một động lực rất lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn. Về vấn đề này, theo ông C.S. Chua, Chủ tịch kiêm CEO Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương: "Nếu có AI trong các nhà máy, chúng có thể giúp chúng ta thực hiện được những quy trình tự động. Hiện nay, càng ngày càng có nhiều tổ chức và các công ty làm việc về bán dẫn áp dụng AI trong các cái chip. Do đó, ở Việt Nam, chúng ta không chỉ tập trung vào nguồn lao động giá rẻ hay lao động thủ công nữa. Tập trung vào AI cùng với lưu ý về sở hữu trí tuệ sẽ mang lại nhiều cơ hội. Với sự phát triển của AI cũng như sự xuất hiện của nhiều AI mới, sẽ ngày càng có nhiều cơ hội cho Việt Nam để tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn".

    Bàn về lợi thế của Việt Nam, theo ông Lê Đăng Dũng, Cố vấn cao cấp, Tập đoàn Sovico, nguyên quyền Chủ tịch và Giám đốc điều hành, Tập đoàn Viettel, Việt Nam có lợi thế về mặt địa chính trị, khi nằm trong khu vực tập trung lượng lớn các nhà sản xuất, chế tạo và có sản lượng chip lớn nhất thế giới. Trong khu vực này chiếm tới 70% tổng sản lượng các con chip và sản phẩm bán dẫn của thế giới. Việt Nam lại nằm đúng trung tâm của khu vực này. Một lợi thế nữa là Việt Nam có nguồn nhân lực rất trẻ trong các ngành khác nhau mà có thể phục vụ cho bán dẫn. Ngoài ra, Việt Nam còn có dự trữ khoáng sản tốt có thể sử dụng được cho ngành bán dẫn.

    Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam có chiến lược phát triển ngành bán dẫn đặt ra rất rõ về mục tiêu, mong muốn và kỳ vọng. Đây là những lợi thế giúp cho Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu trong khu vực về ngành công nghiệp bán dẫn.

    Việt Nam cần làm gì để trở thành cường quốc bán dẫn ở Đông Nam Á?

    Việt Nam có thể thành cường quốc dẫn đầu Đông Nam Á trong một lĩnh vực: Hãng chip tỷ USD của Mỹ nói gì?- Ảnh 4.

    Toàn cảnh tọa đàm "Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu". Ảnh: MH

    AI, tự động hóa là xu hướng hiện tại của thế giới. Tuy nhiên, theo ông Chong Chan Pin, cần phải có thời gian để công nghệ này chín muồi, từ đó các nhà máy chế tạo con chip của chúng ta mới có thể sử dụng được. Hiện nay ở Việt Nam đang xây dựng rất nhiều nhà máy mới ở nhiều nơi. Việc xây dựng mới này không chỉ tập trung vào thi công mà còn phải tập trung vào xây dựng các quy tắc hoạt động, thông tin liên lạc. Khi xây dựng mới từ đầu thì chúng ta sẽ có cơ hội tích hợp những công nghệ mới vào tốt hơn. Các nhà máy sẽ có cơ hội để trở nên tự động hóa thông minh hơn.

    "Dữ liệu và cách chia sẻ dữ liệu là điều rất quan trọng trong ngành bán dẫn. Ở Việt Nam, VinFast là một minh chứng cụ thể rất thành công trong thời gian vừa qua, nhờ việc tận dụng các cơ hội. Tôi thấy các xe VinFast rất đẹp và rất thành công trong thời gian qua. Điều này cho thấy là cơ hội ở xung quanh chúng ta có rất nhiều. Điều quan trọng là chúng ta có nắm bắt cơ hội đó như thế nào. Việt Nam hiện có hệ thống năng lượng cung cấp điện, các hệ thống cung cấp dịch vụ… Đây là những thành phần cần có của hệ sinh thái bán dẫn . Điều quan trọng là bây giờ chúng ta làm sao "sao chép" được mô hình sinh thái một cách thông minh và sao cho phù hợp với Việt Nam", Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khu vực Đông Nam Á của SEMI nhấn mạnh.

    Trong khi đó, theo ông Michael Phạm, Giám đốc điều hành và Nhà sáng lập Fab9: "Để nâng tầm ngành bán dẫn ở Việt Nam, việc đầu tiên cần phải quan tâm là về chính sách. Đó là các chính sách cần phải làm sao để hỗ trợ nhiều hơn trong các nhà đầu tư, nhất là về thủ tục đăng ký giấy phép và cấp giấy phép đầu tư. Trong chuỗi cung ứng bán dẫn có liên quan tới việc chế tạo các thiết bị, con chip, do đó cần phải sử dụng rất nhiều nhân lực, vật tư, nguyên liệu thô. Vì vậy, chúng tôi mong rằng các thủ tục hải quan để có thể nhập các vật tư, nguyên liệu này, sẽ được đơn giản hóa và hợp lý hơn".

    Tiếp quan điểm của ông Michael Phạm về hỗ trợ cho các nhà đầu tư, bà Nguyễn Thùy Ninh, Giám đốc điều hành phòng ngân hàng doanh nghiệp FDI, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết, bán dẫn đang là ngành rất "nóng" hiện nay. Chính phủ đã có chiến lược quốc gia để biến Việt Nam thành một trung tâm về ngành bán dẫn trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Ngoài ra, còn có các chính sách mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành kèm theo chiến lược quốc gia này.

    "Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là Việt Nam không chỉ tạo ra nguồn nhân lực tài năng mà còn tạo ra được môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư để họ có thể thực hiện được các hoạt động về sản xuất, chế tạo, kinh doanh con chip. Tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư thì chắc chắn phải có hệ thống ngân hàng ổn định để có thể hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài FDI, cho họ cảm thấy tin tưởng khi đầu tư vào Việt Nam", bà Nguyễn Thùy Ninh cho biết,

    Việt Nam có nhiều lợi thế trong để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, ông Lê Đăng Dũng, Cố vấn cao cấp, Tập đoàn Sovico, nguyên quyền Chủ tịch và Giám đốc điều hành, Tập đoàn Viettel, cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cho ngành bán dẫn, Việt Nam cần phải theo gương của một số quốc gia đã thành công trên thế giới. Chính phủ của họ đã cam kết những cam kết rất mạnh mẽ, bằng cách phân bổ những nguồn tài chính rất lớn cũng như cố gắng thu hút các nguồn tài chính rất lớn từ bên ngoài vào.

    " Tôi nghĩ là thủ tục hành chính sẽ là cái đầu tiên cần phải được cải thiện ", ông Lê Đăng Dũng cho biết.

    Nhân lực bán dẫn chỉ tập trung vào nam giới là chưa đủ

    Việt Nam có thể thành cường quốc dẫn đầu Đông Nam Á trong một lĩnh vực: Hãng chip tỷ USD của Mỹ nói gì?- Ảnh 5.

    Một lao động nữ làm việc tại nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch điện tử của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam. Ảnh: Intel Products Việt Nam

    Tiếp lời ông Lê Đăng Dũng, ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam cho rằng, lực lượng lao động là cực kỳ quan trọng trong ngành bán dẫn. Xây dựng, duy trì cũng như thiết lập các mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học với các doanh nghiệp để giúp đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao. Ngoài ra, cần phải có các chính sách rõ ràng của Chính phủ, với các chương trình ưu đãi, khuyến khích như về visa, nhà ở… để có thể thu hút nhiều hơn những tài năng, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam làm việc và có đóng góp cho sự phát triển của ngành bán dẫn.

    "Trong ngành bán dẫn ở Việt Nam, nhân lực chủ yếu hiện nay tập trung vào nam giới. Tôi nghĩ rằng bán dẫn là ngành rất quan trọng và chúng ta có chiến lược phát triển nó nhanh chóng, nên trong thời gian tới chúng ta cần có sự đa dạng trong nguồn nhân lực. Đó là có thể tạo thêm nhiều điều kiện cho các lao động nữ, nhóm các dân tộc thiểu số có cơ hội được đào tạo, làm việc và phục vụ cho ngành này", Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam chia sẻ.

    Cùng với Nvidia, Marvell hiện là một trong số ít các nhà thiết kế chip nổi bật của Mỹ trong thời đại AI lên ngôi. Sản phẩm của 2 hãng chip khổng lồ này mang tính bổ trợ nhau.

    Việt Nam có thể thành cường quốc dẫn đầu Đông Nam Á trong một lĩnh vực: Hãng chip tỷ USD của Mỹ nói gì?- Ảnh 6.

    Các đại biểu tham gia khai mạc Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024, ngày 7/11. Ảnh: MH

    Với chủ đề "Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu", SEMIExpo Viet Nam 2024 (diễn ra ngày 7 – 8/11) là Triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng SEMI tổ chức.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ