Việt Nam thành công với "tuyệt tác công nghệ" trong dự án 15.000 tỷ: Sắp làm điều đầu tiên trong lịch sử!
Với thành công này, Việt Nam đang từng bước tiến cao hơn, đưa vị thế của mình từ con số 0 lên top đầu Đông Nam Á.
- Chó và trí tuệ nhân tạo hợp lực để phát hiện ung thư với độ chính xác 94%
- 5 loài động vật tiền sử luôn bị hiểu nhầm là khủng long nhưng thực tế chúng hoàn toàn không phải là khủng long
- Bí ẩn về những mẫu hóa thạch được bay vào vũ trụ trên tàu vũ trụ New Shepard của Blue Origin
- Ô tô Trung Quốc vẫn loay hoay tìm hướng đi tại thị trường Việt Nam
- 'Tôi nghĩ mình đã chết': Câu chuyện được kể lại từ người chèo thuyền kayak bị cá voi lưng gù nuốt chửng
Theo Đài truyền hình Myanmar (MRTV), vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam mang tên LOTUSat-1 sẽ được phóng lên vũ trụ vào nửa đầu năm 2025. Sự kiện này cũng sẽ đánh dấu cột mốc lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam phóng vệ tinh radar tự chế tạo.
Trước đó, vào tháng 1 năm nay, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), PGS.TS Phạm Anh Tuấn, cho biết LOTUSat-1 đã hoàn tất chế tạo, toàn bộ hệ thống mặt đất phục vụ việc vận hành vệ tinh cũng đã được thiết lập, sẵn sàng đón nhận tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh này.

Công nghệ chế tạo của Việt Nam đang từng bước đi lên (Ảnh minh họa. Nguồn: BI)
Thông tin trên website của Cục Viễn thám Quốc gia - Bộ tài nguyên và môi trường vào tháng 7/2024 cho biết, lịch phóng dự kiến của LOTUSat-1 rơi trong khoảng tháng 12/2024 đến tháng đầu tháng 3/2025.
Sau 3 tháng thử nghiệm trên quỹ đạo, khoảng tháng 6/2025, vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được bàn giao cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vận hành toàn bộ hệ thống trong vòng 5 năm.
Theo MRTV, vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam có công nghệ radar mới nhất, có thể phát hiện các vật thể nhỏ có kích cỡ chỉ 1 mét trên bề mặt Trái Đất và cung cấp khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm.
Vệ tinh loại này cho phép cung cấp thông tin chính xác để giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, từ đó hỗ trợ quản lý hiệu quả tài nguyên và giám sát môi trường.
"Không giống như vệ tinh quang học, vệ tinh radar có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, ngay cả trong điều kiện nhiều mây, sương mù hoặc ánh sáng yếu. Dữ liệu do vệ tinh radar này cung cấp sẽ rất có giá trị đối với Việt Nam, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nhiều mây" – Myanmar TV nhận định.
Đáng lưu ý, với việc đầu tư bài bản và tầm nhìn chiến lược, Việt Nam đang từng bước tiến cao hơn trong cuộc đua không gian, đưa vị thế của mình từ con số 0 lên top đầu Đông Nam Á.
"Tuyệt tác công nghệ" trong dự án 15.000 tỷ
LOTUSat-1 là hợp phần trong Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Đây là dự án có vốn đầu tư 600 triệu USD (hơn 15 nghìn tỷ đồng), bao gồm chi phí cho vệ tinh, đào tạo nhân lực và các trạm vận hành mặt đất.
Chương trình phát triển vệ tinh LOTUSat-1 được triển khai từ năm 2021, quá trình đào tạo và chuyển giao công nghệ được thực hiện tại nhà máy sản xuất vệ tinh của Tập đoàn NEC (Nhật Bản).

Vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam dự kiến sẽ được phóng vào đầu năm nay. Ảnh: NEC
Trước đó, để từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh, các nhà khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã dồn nhiều nỗ lực nghiên cứu và chế tạo 3 mẫu vệ tinh PicoDragon (1kg), MicroDragon (50kg) và NanoDragon (4kg).
Các bước tiến của Việt Nam được thể hiện rõ trong từng giai đoạn: PicoDragon được chế tạo hoàn toàn ở Việt Nam nhưng vệ tinh còn đơn giản, mất 7 năm mới hoàn thành và cần sự giúp đỡ - hỗ trợ nhiều của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
MicroDragon do 36 kỹ sư của VNSC được cử tới 5 trường Đại học hàng đầu Nhật Bản nghiên cứu, chế tạo dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật. Chỉ khoảng 1 tiếng được tên lửa đẩy Epsilon số 4 của Nhật Bản đưa lên vũ trụ vào ngày 18/01/2019, MicroDragon đã tách thành công và đi vào quỹ đạo.
Những hình ảnh do vệ tinh này chụp lại đã giúp các nhà khoa học Việt Nam phân tích chất lượng nước, phục vụ ngành đánh bắt, nuôi trồng hải sản.
Tới NanoDragon, toàn bộ quá trình thiết kế, gia công chế tạo, lắp ráp tích hợp và thử nghiệm chức năng đã diễn ra ở Việt Nam, không cần tới sự hỗ trợ đáng kể nào từ bên ngoài về mặt công nghệ.

Lộ trình từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam. Ảnh: VNSC
Liên quan tới quá trình chế tạo LOTUSat-1, thông tin trên website của NEC cho biết, đây là mẫu vệ tinh được phát triển dựa trên vệ tinh radar nhỏ ASNARO-2 của NEC.
Trong quá trình thực hiện dự án này, hàng chục kỹ sư và nhà quản lý từ Việt Nam đã được đào tạo tại Nhật để tìm hiểu về quy trình phát triển – vận hành vệ tinh nhằm tăng cường giám sát và giảm thiểu thiên tai.
Trả lời NEC, TS. Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc VNSC cho biết, Việt Nam quyết định chọn đối tác Nhật Bản cho sứ mệnh quan trọng này vì lịch sử hợp tác khoa học giữa hai nước. Trước đó, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam (VAST) đã hợp tác với JAXA từ năm 2006 trong việc thiết lập hệ thống quản lý thảm họa dựa trên vệ tinh Sentinel-Asia.
Với sự lựa chọn này, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao từ Nhật Bản thông qua vệ tinh LOTUSat-1.
Cái tên "LOTUS" (Hoa sen) được chọn bởi đây là biểu tượng của sự thuần khiết, và vẻ đẹp thiên nhiên được người Việt Nam yêu mến. Cây sen nổi tiếng với sức sống mãnh liệt và tuổi thọ cao, có thể phát triển tốt trong điều kiện khắc nghiệt.
Theo eoPortal – cổng thông tin do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) điều hành, vệ tinh LOTUSat-1 của Việt Nam có trọng lượng 570kg, tích hợp công nghệ radar khẩu độ tổng hợp băng tần X mới nhất hiện nay, có khả năng nhìn xuyên qua mây, cho phép quan sát bề mặt Trái Đất cả ngày lẫn đêm, với hiệu quả hơn tại Việt Nam – nơi có khí hậu nhiệt đới với mây mù che phủ.
Dữ liệu mà vệ tinh này mang lại sẽ góp phần xây dựng các bản đồ rủi ro để xác định các khu vực dễ bị ảnh hưởng, từ đó lập kế hoạch sơ tán và thiết lập cơ sở hạ tầng phòng ngừa kịp thời.
LOTUSat-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO) với độ cao khoảng 500km và chu kỳ quỹ đạo khoảng 100 phút. Vệ tinh sẽ có 3 chế độ quan sát:
- Chế độ Spotlight (tập trung điểm): Độ phân giải dưới 1m, chiều rộng dải quét 10km.
- Chế độ Strip Map (chế độ quét dải): Độ phân giải dưới 2m, chiều rộng dải quét 12km.
- Chế độ Scan SAR (quét tổng hợp): Độ phân giải dưới 16m, chiều rộng dải quét lớn hơn 50km.

LOTUSat-1 cho phép cung cấp thông tin chính xác để giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Ảnh: NEC
Trong dự án LOTUSat-1, hạng mục quan trọng là các thiết bị mặt đất bao gồm trạm mặt đất (ăng ten 9,3m), trung tâm vận hành điều khiển vệ tinh, trung tâm ứng dụng dữ liệu vệ tinh. Các thiết bị này đã tiến hành lắp đặt tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ở Hòa Lạc từ tháng 5/2024.
Theo ông Yosuke Asai – đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, LOTUSat-1 có thể quan sát thiên tai diện rộng và nắm bắt được tình hình khí hậu. Trong bối cảnh thiên tai thường xuyên xảy ra, việc đưa vệ tinh loại này vào sử dụng sớm nhất sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, khi chế tạo, lắp ráp vệ tinh LOTUSat-1 tại Việt Nam, VNSC sẽ kiểm soát cơ bản về an ninh và làm chủ công nghệ. Một trong những khâu quan trọng nhất khi tích hợp thiết bị là lập trình phần mềm điều khiển hệ thống. Do đó, các kỹ sư của VNSC sẽ trực tiếp tham gia công đoạn này, cũng như công đoạn lập trình phần mềm truyền tín hiệu về mặt đất.
Ông Hebiishi – thành viên nhóm kỹ sư của NEC tham gia chuyển giao công nghệ cho Việt Nam cho biết, việc đàm phán thành công thỏa thuận với VNSC là một thành tựu đáng tự hào.
Một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình hỗ trợ Việt Nam chế tạo LOTUSat-1 là tìm kiếm các địa điểm hiệu chuẩn phù hợp. Các địa điểm này phải là khu vực địa hình trống trải, không có các yếu tố gây nhiễu, cản trở ở xung quanh để có thể lắp đặt thiết bị hiệu chuẩn và xác thực dữ liệu hình ảnh từ vệ tinh.

Các kỹ sư Việt Nam tham gia chế tạo vệ tinh MicroDragon tại Nhật Bản. Ảnh VNSC
Việt Nam có thể vươn lên đứng đầu ASEAN về công nghệ vệ tinh
Theo VNSC, sau LOTUSat-1, Việt Nam sẽ phát triển và chế tạo vệ tinh LOTUSat-2. Quá trình thiết kế, chế tạo sẽ được thực hiện ở Việt Nam, do đội ngũ kỹ sư người Việt tiến hành, đánh dấu bước bật vọt quan trọng trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ, có thể đưa Việt Nam vươn lên đứng đầu Đông Nam Á về công nghệ vệ tinh.
Tổ chức nghiên cứu độc lập Observer Research Foundation (ORF) tại Ấn Độ nhận định, nhiều nước Đông Nam Á đã bắt đầu đầu tư vào công nghệ vũ trụ từ vài thập kỷ trước và Việt Nam là một trong những nước đầu tư mạnh nhất trong khối ASEAN vào chương trình không gian dân dụng.
ORF đánh giá cao việc Việt Nam chế tạo thành công 3 vệ tinh PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon, đồng thời cho biết các dự án LOTUSat-1 và LOTUSat-2 mà Việt Nam đang tiến hành hứa hẹn sẽ phát huy hiệu quả cao khi đưa vào vận hành.
Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt "Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030" với mục tiêu ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ; phấn đấu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, ra-đa cho vệ tinh quan sát Trái đất và phát triển thị trường, hỗ trợ khởi nghiệp dần hình thành nền công nghiệp vũ trụ của Việt Nam...
Theo TS. Lê Xuân Huy, dự kiến đến tháng 12/2025, trung tâm nghiên cứu, phát triển, lắp ráp, tích hợp, thử nghiệm và vận hành các vệ tinh nhỏ dưới 180 kg "Made in Vietnam" sẽ hoàn thành. Sau khi đưa vào sử dụng thử nghiệm vệ tinh 180 kg, đội ngũ cán bộ trình độ cao của VNSC có thể hoàn toàn chủ động tiến tới tự chế tạo, sản xuất vệ tinh tại Việt Nam.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vụ trộm tiền mã hóa lớn nhất trong lịch sử nhân loại vừa xảy ra, nạn nhân chính là sàn tiền số vừa gọi đồng Pi là lừa đảo
Trước đó không lâu, CEO Bybit từng từ chối niêm yết đồng Pi lên sàn tiền số của mình và gọi đây là dự án lừa đảo.
Sau 14 năm chờ đợi, trợ lý ảo Siri chính thức hỗ trợ tiếng Việt