VinBrain của tỷ phú Phạm Nhật Vượng kinh doanh ra sao trước khi được Nvidia mua lại?
VinBrain đạt mục tiêu “mang tiền về cho mẹ” khi có hợp đồng thương 5 thị trường gồm Mỹ, Ấn Độ, Myanmar, Australia và Việt Nam, trước khi được Nvidia mua lại tối 5/12.
Tối 5/12, ông Jensen Huang - CEO Nvidia xác nhận mua lại VinBrain - công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup - để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.
VinBrain và mục tiêu “mang tiền về cho mẹ”
Theo thuyền trưởng Nvidia, VinBrain là một startup phi thường và tuyệt vời của Việt Nam. Doanh nghiệp được thành lập năm 2019, có tiền thân là Công ty TNHH Tư vấn Giải pháp Tự động hóa Quản trị VinBrain với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của CTCP Phát triển Công nghệ.
VinBrain là một trong 6 công ty thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghiệp của Vingroup bên cạnh VinFast, VinCSS, VinAI, VinBigdata, VinHMS. Startup do ông Steven Trương (Trương Quốc Hùng) – người có 26 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ và AI tại các tập đoàn hàng đầu thế giới làm Tổng giám đốc. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính.
Theo cổng đăng ký thông tin doanh nghiệp từ khi thành lập, startup của Vingroup đã trải qua nhiều đợt tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 627 tỷ đồng vào năm 2024. Hồi tháng 10, cơ cấu cổ đông của VinBrain có 4 nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chiếm chưa tới 4% vốn điều lệ. Gần đây nhất, vào 15/11, thông tin đăng ký kinh doanh của VinBrain ghi nhận doanh nghiệp không có vốn nước ngoài.
Theo Reuters, tại thời điểm ngày 30/9, Vingroup đã đầu tư hơn 126 triệu USD vào startup VinBrain và ghi nhận đây là công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu hơn 49,7%.
Trên website, startup của Vingroup được giới thiệu là công ty tiên phong phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế.
“Steven cùng 18 chiến hữu đồng chí hướng đã hợp lực để thành lập nên VinBrain. Họ đã và đang thực hiện nhiệm vụ giảm bớt những nỗi đau của người bệnh và giảm bớt áp lực, gánh nặng cho lực lượng Y tế thông qua công nghệ tiên tiến nhất”, website của VinBrain viết.
Sản phẩm chủ đạo VinBrain phát triển trong 5 năm qua là trợ lý bác sĩ AI DrAid - hỗ trợ cho các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng, AIscaler - nền tảng gán nhãn dữ liệu, AIviCam - giải pháp AI Camera an ninh và SenMe - ứng dụng hỗ trợ sức khỏe tinh thần tích hợp AI...
Trong đó, DrAid là sản phẩm ứng dụng AI đầu tiên tại Việt Nam, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các bệnh về tim - phổi - xương thông qua hình ảnh X-quang, do VinBrain phát triển từ năm 2019. Dr Aid có thể hỗ trợ chẩn đoán được 19 thứ bệnh dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim – phổi – xương, có thể đưa kết quả trong vòng 5 giây.
Nói về sản phẩm của startup này, ông Steven Trương so sánh kết quả của VinBrain với các doanh nghiệp cùng ngành ở Hàn Quốc, Ấn Độ hay Israel và khẳng đinh “VinBrain đã chứng tỏ sự vượt trội với tốc độ phát triển nhanh hơn ít nhất là 3 - 5 lần”.
Hiện doanh nghiệp có kinh nghiệm triển khai các giải pháp này tại hơn 182 bệnh viện ở Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Australia... phục vụ 2.000 bác sĩ và trên hai triệu bệnh nhân.
Tại Việt Nam, VinBrain hợp tác với các bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và hệ thống y tế tư nhân như Medlatec.
Nhớ đó, hiện VinBrain đã thực hiện được mục tiêu “mang tiền về cho mẹ” khi có những hợp đồng thương mại tại 5 thị trường gồm Mỹ, Ấn Độ, Myanmar, Australia và Việt Nam.
Duyên nợ với Nvidia
Đến 5/12, thương vụ M&A của VinBrain và Nvidia mới được công bố. Tuy nhiên, trước đó, stratup này đã thiết lập mối quan hệ với “gã khổng lồ” công nghệ khi gia nhập Nvidia Inception - chương trình toàn cầu hỗ trợ các startup AI xuất sắc. VinBrain là một trong số 1% đối tác được trở thành thành viên cao cấp trong tổng số hơn 1,300 startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tham gia chương trình.
Trong báo cáo thường niên năm 2023 của Vingroup, VinBrain hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu Đông Nam Á về thị phần sản phẩm AI trong lĩnh vực y tế. Startup này không chỉ lên kế hoạch mở rộng văn phòng tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và Singapore, mà còn hướng tới cung cấp giải pháp trên phạm vi toàn cầu.
Hiện, thời gian chi tiết và kế hoạch cụ thể về thương vụ M&A giữ Nvidia và đối tác Việt Nam vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, CEO Jensen Huang cho rằng, đây là thời điểm lý tưởng để Việt Nam xây dựng tương lai của trí tuệ nhân tạo.
Theo ông, sự thông minh của AI được đào tạo từ dữ liệu, và dữ liệu của Việt Nam là tài nguyên của quốc gia. Đồng thời, Nvidia cũng cam kết thúc đẩy sự phát triển của AI, hỗ trợ đào tạo nhân tài cũng như các dự án khởi nghiệp trong nước.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời